Trên thực tế, dù lòng lợn nói chung và lòng xe điếu nói riêng là món khoái khẩu của nhiều người Việt, nhưng chúng có thể gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, đặc biệt với những người có bệnh lý nền như tim mạch, béo phì, gout...
Nguy cơ ngộ độc, nhiễm ký sinh trùng
Những ngày gần đây, món lòng xe điếu bất ngờ trở thành tâm điểm chú ý trên mạng xã hội, sau khi xuất hiện một đoạn clip trên TikTok khoe cỗ lòng xe điếu dài tới 40m, nặng 5,8kg, lấy từ một con lợn nặng hơn 100kg.
Lòng xe điếu thực chất là một dạng lòng non của lợn. Sở dĩ có tên gọi đặc biệt như vậy là bởi hình dáng của nó giống với ống xe điếu dùng để hút thuốc lào lâu ngày, bị đặc lại bên trong. Tuy nhiên, đây là dạng đột biến hiếm gặp, không phải con lợn nào cũng có. Thậm chí, có ý kiến cho rằng phải mổ hàng nghìn con lợn may ra mới tìm được một bộ lòng xe điếu dài chưa tới 1m. Chính vì vậy, đoạn clip về cỗ lòng xe điếu dài 40m càng làm dấy lên nghi ngờ về nguồn gốc thực sự của mặt hàng này, trong đó có lo ngại việc lòng lợn thường bị “phù phép” thành lòng xe điếu với giá cao nhờ các loại phụ gia.
Bên cạnh đó, hiện nay, lòng xe điếu cùng với các loại lòng lợn khác đang là món khoái khẩu, thường được dùng để nấu lẩu, nấu cháo, luộc sơ... Cách chế biến theo phương pháp “chín tái” này giúp giữ lại độ ngọt, giòn và vị béo đặc trưng của lòng, song cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe.
PGS.TS.BS Nguyễn Anh Tuấn, Chủ nhiệm khoa Phẫu thuật ống tiêu hóa, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho biết, lòng và các loại nội tạng động vật nói chung cung cấp nhiều dưỡng chất như protein, vitamin B12, sắt và kẽm, tuy nhiên, giá trị dinh dưỡng có thể khác nhau tùy theo từng loại. Trong đó lòng non là phần ruột đầu của lợn, thường mềm, mỏng và giàu dinh dưỡng. Nhưng nếu không được làm sạch hoặc nấu chín kỹ, cả lòng non lẫn lòng xe điếu đều có thể gây tiêu chảy cấp, ngộ độc thực phẩm hoặc nhiễm ký sinh trùng như sán dây - loài có thể gây biến chứng nguy hiểm khi xâm nhập vào hệ thần kinh.
Lòng lợn là món khoái khẩu của nhiều người nhưng tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ đến sức khỏe.
Việc sơ chế không đảm bảo còn tiềm ẩn nguy cơ lây bệnh từ động vật sang người. Một số bệnh nguy hiểm như viêm gan E, cúm A/H1N1 hay nhiễm khuẩn Streptococcus suis (gây viêm màng não, nhiễm trùng huyết) hoàn toàn có thể lây qua việc ăn lòng chưa nấu chín, đặc biệt là các món được chế biến theo phương pháp tái.
Khi món ngon thành hiểm họa
Bên cạnh những lo ngại về ký sinh trùng và vi khuẩn, lòng lợn còn tiềm ẩn nguy cơ hóa chất độc hại. Nhiều cơ sở kinh doanh vì lợi nhuận có thể sử dụng các chất như phèn chua, hàn the, oxy già, chất tẩy công nghiệp... để tẩy trắng, làm giòn hoặc “hô biến” lòng thường thành lòng xe điếu. Những hóa chất này có thể gây kích ứng niêm mạc ruột, rối loạn chức năng gan, thận, và làm tăng nguy cơ ung thư nếu tích tụ lâu dài trong cơ thể.
Đối với người mắc các bệnh lý nền mạn tính, các món khoái khẩu như lòng lợn càng cần phải kiêng kỵ. Lòng lợn chứa nhiều purin - hợp chất làm tăng axit uric trong máu, dễ kích hoạt các cơn đau do gout. Tiêu thụ thường xuyên có thể khiến urat lắng đọng ở khớp, gây đau nhức, biến chứng suy thận hoặc sỏi tiết niệu.
Ngoài ra, lòng lợn giàu cholesterol, đặc biệt là cholesterol xấu, có thể làm tăng mỡ máu, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe tim mạch. Người bị cao huyết áp, tiểu đường, xơ vữa động mạch nên đặc biệt hạn chế. Với người thừa cân, lòng cũng là “kẻ thù giấu mặt” do chứa lượng calo cao, dễ làm tăng cân nhanh chóng nếu ăn thường xuyên. Chưa kể, lòng nhiều chất béo và khó tiêu, có thể gây đầy bụng, khó chịu - đặc biệt với người có tiền sử rối loạn tiêu hóa, viêm ruột hoặc tiêu chảy mạn tính.
Vì vậy, đây là món ăn nên sử dụng có chừng mực, cần lựa chọn từ nguồn uy tín, có xuất xứ rõ ràng. Quá trình sơ chế phải đảm bảo vệ sinh, tuyệt đối không dùng hóa chất độc hại và phải nấu chín kỹ, tránh ăn lẩu lòng hoặc các món lòng tái.
Bảo Ngọc