Sống giữa vùng bị lãng quên
Bản Bình Quang nằm cách trung tâm xã Châu Bình khoảng 7km, từng là nơi sinh sống ổn định của hơn 150 hộ dân, chủ yếu là những người từ các huyện đồng bằng Nghệ An lên lập nghiệp theo diện “kinh tế mới” vào những năm 1980.
Sau gần 15 năm, hàng chục hộ dân bản Bình Quang, xã Châu Bình (huyện Quỳ Châu, tỉnh Nghệ An) vẫn chưa được tái định cư. Ảnh: Đ.B
Năm 2010, khi dự án hồ chứa nước Bản Mồng bắt đầu khởi công. Nằm trong diện bị ngập theo thiết kế lòng hồ, bản Bình Quang trở thành một “điểm mờ” trong quá trình đầu tư phát triển hạ tầng. Nhà cửa không được xây mới, không điện lưới quốc gia, không sóng điện thoại... Đường sá xuống cấp trầm trọng, chỉ là đường đất gập ghềnh với chi chít ổ gà, ổ voi. Những đứa trẻ trong bản phải vượt quãng đường 7 - 8km để đến trường, còn người lớn thì ngày ngày xoay xở trên vùng đất mà không ai dám đầu tư canh tác lâu dài vì sợ bị giải tỏa bất cứ lúc nào.
Ông Võ Xuân Thông (trú bản Bình Quang) cho biết: Khi dự án hồ chứa nước Bản Mồng khởi công, chúng tôi thuộc diện phải di dời. “Nhà cửa hư hỏng không được sửa chữa, muốn làm gì cũng sợ sai quy định. Nhưng suốt từ năm 2010 đến nay, chưa ai nói rõ bao giờ mới được di dời. Chúng tôi sống tạm bợ suốt gần 15 năm qua, vừa lo, vừa khổ, vừa mòn mỏi đợi chờ” - ông Thông nói.
Nhiều gia đình khác cũng rơi vào cảnh tương tự. Bà Phạm Thị Loan (bản Bình Quang) cũng cho biết: Ngôi nhà của gia đình bà đã xuống cấp nghiêm trọng nhưng không được phép sửa chữa vì nằm trong vùng phải giải tỏa. Tuy nhiên, cơ quan chức năng lại cho rằng “nhà không nằm trong phần bị ngập cốt” nên không thuộc diện đền bù.
Trong khi đó, anh Nguyễn Văn Mạnh cùng trú bản Bình Quang chia sẻ, dù đã sinh sống trên đất Châu Bình từ năm 1988, gia đình anh lại không có tên trong danh sách được đền bù, lý do đưa ra là “đất không bị ngập”.
“Tôi không hiểu tiêu chí xác định vùng ngập là gì. Có lúc họ nói cốt ngập là 71m, rồi sau nâng lên 76m, nhưng những người sống lưng chừng giữa hai mức đó thì sao?” - anh Mạnh đặt câu hỏi.
Không chỉ những người chưa được đền bù chịu cảnh chờ đợi, mà ngay cả những hộ đã nhận hỗ trợ tài chính cũng gặp khó khăn trong việc ổn định nơi ở mới. Ông Lại Thế Thắm chia sẻ: “Tôi được đền bù hơn 1 tỷ đồng, nhưng đất ở mới thì phải tự lo. May mà trước đây tôi có mua được mảnh đất ở bản khác cho con trai, nếu không giờ cũng chẳng biết làm sao. Bây giờ đất đắt đỏ, số tiền ấy chỉ mua được nền đất, còn xây nhà thì không đủ”.
Khi nào mới an cư?
Theo báo cáo của UBND huyện Quỳ Châu, toàn xã Châu Bình có khoảng 1.000 hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án thủy lợi Bản Mồng, trong đó bản Bình Quang chịu thiệt hại nặng nhất với hơn 140 hộ dân phải di dời. Đến nay, đã có khoảng 100 hộ được đền bù và tự tìm nơi ở mới. Số còn lại gần 40 hộ vẫn chưa nhận được phương án hỗ trợ cụ thể.
Trong khi đó, một dự án khu tái định cư tại xã Châu Bình được tỉnh Nghệ An phê duyệt cách đây nhiều năm, đến nay vẫn trong tình trạng dang dở. Hạ tầng thiết yếu chưa hoàn thiện, nhiều hạng mục “đắp chiếu” do vướng độ dốc địa hình và chờ phê duyệt giai đoạn hai.
Ông Nguyễn Văn Hà - Chủ tịch UBND xã Châu Bình cho biết: Việc người dân bản Bình Quang nhiều năm nay đợi chờ được tái định cư là một thực tế. Hiện, chính quyền huyện và xã đang tiến hành kiểm đếm, đo đạc đất đai của các hộ dân còn lại của bản này để có phương án đề bù, di dời về khu tái định cư.
Liên quan đến tiến độ dự án hồ chứa nước Bản Mồng, ngày 15/4, Cục Quản lý xây dựng công trình thủy lợi (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) đã có văn số 309/TL-TC gửi Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Nghệ An về việc thực hiện hợp phần bồi thường, hỗ trợ tái định cư dự án hồ chứa nước Bản Mồng, nội dung nêu rõ: Qua quá trình theo dõi tình hình thực hiện hợp phần bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trên địa bàn tỉnh Nghệ An, tiến độ thực hiện các công việc vẫn rất chậm như, việc điều chỉnh thiết kế cơ sở, công tác cắm mốc, trích đo, kiểm kê... Tính tới thời điểm ngày 15/4, công tác giải ngân của chủ đầu tư (Sở Nông nghiệp và Môi trường Nghệ An) là 0.00 đồng/764 tỷ đồng vốn kế hoạch năm 2025. Nguy cơ rất cao không đảm bảo hoàn thành dự án trước 31/12/2025.
Dự án hồ chứa nước Bản Mồng có tổng mức đầu tư lên tới hơn 6.000 tỷ đồng (sau điều chỉnh), khởi công năm 2010. Dự án từng được kỳ vọng sẽ tạo bước đột phá trong phát triển nông nghiệp và đảm bảo nguồn nước cho các tỉnh Bắc Trung bộ. Thế nhưng, sau 15 năm, dự án này không chỉ dính đến nhiều sai phạm, với ít nhất 8 bị can bị khởi tố vì vi phạm quy định về kế toán, đấu thầu mà còn để lại nhiều hệ lụy.
Điền Bắc