'Mong có nhiều phụ nữ hơn nữa tham gia lãnh đạo, tham gia vào lĩnh vực STEM'

'Mong có nhiều phụ nữ hơn nữa tham gia lãnh đạo, tham gia vào lĩnh vực STEM'
2 giờ trướcBài gốc
TS. Sarah Peers, Chủ tịch Mạng lưới các nhà khoa học và kỹ sư nữ quốc tế (INWES) phát biểu tại Hội nghị thường niên
Mạng lưới các nhà khoa học và kỹ sư nữ quốc tế INWES, dưới sự bảo trợ của UNESCO đã và đang đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy bình đẳng giới trong lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học (STEM). Với hơn 250 nghìn thành viên đến từ 60 quốc gia và vùng lãnh thổ, INWES là một cộng đồng lớn mạnh, kết nối những người phụ nữ tài năng, sáng tạo và đầy nhiệt huyết.
Hội nghị Mạng lưới các nhà khoa học và kỹ sư nữ Châu Á- Thái Bình Dương 2024 được tổ chức tại Hà Nội trong hai ngày 4-5/10/2024
Mạng lưới các nhà khoa học và kỹ sư nữ khu vực châu Á- Thái Bình Dương (APNN) đã và đang có những đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của khu vực. Với sự tham gia của 15 quốc gia/vùng lãnh thổ, APNN đã trở thành một diễn đàn quan trọng để các nhà khoa học, kỹ sư nữ chia sẻ kinh nghiệm, học hỏi lẫn nhau và cùng nhau giải quyết những thách thức chung.
Phát biểu Khai mạc Hội nghị thường niên APNN 2024, GS.TS. Nguyễn Thị Doan, nguyên Phó Chủ tịch nước CHXHCNVN, Chủ tịch Hội khuyến học Việt Nam cho biết: Việc đăng cai tổ chức Hội nghị APNN 2024 là một thành công lớn của Hội Nữ trí thức Việt Nam, là một minh chứng rõ ràng về sự năng động, sáng tạo, và tầm nhìn của Hội nữ trí thức Việt Nam, đồng thời góp phần phát triển Nghị quyết 45-NQ/TW của Ban chấp hành TƯ Đảng khóa 13 về Tiếp tục xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ trí thức đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững trong giai đoạn mới. Sự thành công của Hội nghị, không chỉ thể hiện vai trò quan trọng của Nữ trí thức trong xã hội mà còn khẳng định vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế về lĩnh vực khoa học và công nghệ.
Hội nghị cũng là một cầu nối quan trọng để các nhà khoa học nữ, kỹ sư nữ Việt Nam giao lưu, học hỏi kinh nghiệm với các đồng nghiệp quốc tế. Từ đó, thúc đẩy hợp tác nghiên cứu, chuyển giao công nghệ và nâng cao năng lực cạnh tranh của đội ngũ nữ trí thức Việt Nam.
Chủ tịch danh dự Hội Nữ trí thức Việt Nam Nguyễn Thị Doan khẳng định, các chủ đề của Hội thảo năm nay "Giới và STEM" và "Sức khỏe và môi trường" là những vấn đề cấp bách mà thực tế đang yêu cầu các nhà khoa học giải quyết, có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia. "Thông qua các bài thuyết trình, các phiên thảo luận, chúng ta rút ra những kinh nghiệm, những thành công trong nghiên cứu và được ứng dụng vào thực tiễn một cách có hiệu quả. Qua đó, sẽ có những đóng góp thiết thực vào việc giải quyết những vấn đề chung của thế giới, khu vực nói chung và mỗi quốc gia nói riêng".
Hội nghị vinh danh các đại biểu đã tham gia báo cáo tại hai Hội nghị khoa học chuyên đề
Phát biểu tại Hội nghị, TS. Sarah Peers, Chủ tịch Mạng lưới các nhà khoa học và kỹ sư nữ quốc tế (INWES) đã giới thiệu về Mạng lưới các nhà khoa học và kỹ sư nữ quốc tế (INWES), một tổ chức đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự tiến bộ và bình đẳng cho phụ nữ trong lĩnh vực STEM.
Bà nhấn mạnh INWES là cầu nối hiệu quả, giúp các nhà khoa học và kỹ sư nữ truyền tải ý kiến, kiến nghị của mình đến các nhà lãnh đạo cấp cao trong khu vực và các tổ chức quốc tế. Điều này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh sự thiếu vắng vai trò lãnh đạo và quyết định của phụ nữ trong lĩnh vực STEM, một vấn đề đã được thảo luận sâu rộng tại hội nghị chuyên đề chiều hôm qua.
TS. Sarah Peers mong có nhiều phụ nữ hơn nữa tham gia lãnh đạo, tham gia vào lĩnh vực STEM, tham gia nghiên cứu khoa học.
Để đạt được mục tiêu này, bà cho rằng việc chia sẻ các dự án nghiên cứu đang thực hiện là vô cùng cần thiết. Thông qua việc chia sẻ, các nhà khoa học nữ có thể kêu gọi đầu tư, tìm kiếm sự hỗ trợ và hợp tác để phát triển, nhân rộng các dự án của mình. TS. Sarah Peers cũng lưu ý rằng, do sự khác biệt về văn hóa và điều kiện khu vực, một dự án có thể không nhận được nhiều sự hỗ trợ ở khu vực này nhưng lại có tiềm năng lớn ở khu vực khác. Vì vậy, việc chia sẻ và kết nối thông qua mạng lưới INWES sẽ mở ra nhiều cơ hội cho các nhà khoa học và kỹ sư nữ.
Điểm nhấn của Hội nghị là hoạt động Báo cáo hoạt động thường niên của 11 quốc gia/vùng lãnh thổ. Dưới sự chủ trì của TS. Juana T.Tapel, Chủ tịch APNN và GS.TS. Lê Thị Hợp, Chủ tịch Hội Nữ trí thức Việt Nam, đại diện các nước thành viên như Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Mông Cổ, Myanmar, Nepal, Philippines, Sri Lanka, Đài Loan và Việt Nam đã lần lượt báo cáo về những hoạt động nổi bật, thành tựu đạt được và thách thức gặp phải trong năm qua.
Hàn Quốc nhận chuyển giao tổ chức Hội nghị thường niên năm 2025
Trong khuôn khổ Hội nghị, Ban Lãnh đạo INWES - APNN đã tiến hành cuộc họp để thảo luận về các vấn đề quan trọng của mạng lưới, bao gồm chiến lược phát triển, kế hoạch hoạt động trong tương lai và phương thức tăng cường hợp tác giữa các thành viên.
Hội nghị cũng đã thông qua Tuyên bố Hà Nội nhằm thể hiện tầm nhìn và quyết tâm mạnh mẽ của các thành viên APNN trong việc thúc đẩy sự tham gia, đóng góp của phụ nữ trong khoa học và công nghệ để hướng tới sự phát triển bền vững. Các thành viên cam kết hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm và kiến thức để trao quyền cho phụ nữ trong STEM, đồng thời giải quyết những thách thức chung như sự thiếu đại diện của phụ nữ trong lĩnh vực này và tác động của biến đổi khí hậu.
Phát biểu bế mạc Hội nghị, GS.TS. Lê Thị Hợp, Chủ tịch Hội Nữ trí thức Việt Nam đánh giá cao những kết quả đạt được và bày tỏ hy vọng về sự hợp tác mạnh mẽ hơn nữa giữa các nhà khoa học nữ trong tương lai.
Trước toàn thể Hội nghị, TS. Juana T. Tapel, Chủ tịch Mạng lưới các nhà khoa học và kỹ sư nữ khu vực Châu Á - Thái Bình Dương đã chuyển giao quyền đăng cai tổ chức Hội nghị INWES-APNN 2025 cho Hàn Quốc.
PV - Ảnh: Hoàng Toàn
Nguồn Phụ Nữ VN : https://phunuvietnam.vn/mong-co-nhieu-phu-nu-hon-nua-tham-gia-lanh-dao-tham-gia-vao-linh-vuc-stem-20241005144121555.htm