Mong sớm có nhà máy đốt rác phát điện tại Bà Rịa – Vũng Tàu

Mong sớm có nhà máy đốt rác phát điện tại Bà Rịa – Vũng Tàu
2 ngày trướcBài gốc
Công nhân xử lý rác tại Khu xử lý chất thải tập trung, phường Tóc Tiên, thành phố Phú Mỹ. Ảnh: Minh Tâm.
Nan giải với rác thải
Từ năm 2013, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã phê duyệt “Quy hoạch quản lý chất thải rắn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đến năm 2025 tầm nhìn đến năm 2030”; đến năm 2023 có bổ sung một số mục tiêu. Tính đến tháng 3-2025, nhiều phần việc chưa được thực hiện.
Đơn cử, tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2021, sẽ chấm dứt việc chôn lấp rác, thay vào đó là xử lý bằng các công nghệ tái chế rác thành phân compost, công nghệ đốt phát điện... Tuy nhiên, đến nay, tỉnh mới chỉ đóng cửa được các bãi chôn lấp rác ở một số địa phương. 99% số rác thu gom được từ 7/8 đơn vị cấp huyện của tỉnh được đưa về xử lý chôn lấp tại Khu xử lý chất thải tập trung phường Tóc Tiên, thành phố Phú Mỹ khiến nơi đây đứng trước nguy cơ quá tải và ô nhiễm môi trường.
Khu xử lý rác thải Tóc Tiên, thành phố Phú Mỹ. Ảnh: Hoàng Nhị.
Còn tại huyện Côn Đảo, bà Lê Mộng Thúy, Trưởng ban Quản lý Công trình công cộng huyện, cho biết lượng rác mỗi ngày tại đây khoảng 20 tấn; được thu gom đưa về khu vực Bãi Nhát. Tuy nhiên, số rác này không thể chôn lấp vì sẽ gây ô nhiễm môi trường. Tỉnh đã cho xây dựng lò đốt rác công suất 5 tấn/ngày.
Do không được xử lý hết, lượng rác tồn đọng tại Bãi Nhát hiện khoảng 100.000 tấn, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Từ năm 2020, tỉnh đã lựa chọn nhà đầu tư xây dựng lò đốt rác công suất cao để xử lý số rác này nhưng hiện tại, nhà máy chưa thể hoạt động như cam kết vì chủ đầu tư khó khăn về tài chính.
Rác tồn đọng tại Bãi Nhát, Côn Đảo. Ảnh: Quang Vũ.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Phạm Quốc Đăng thông tin, theo tính toán, năm 2025, lượng rác phát sinh trên địa bàn tỉnh là hơn 8.400 tấn/ngày, bao gồm hơn 1.500 tấn rác sinh hoạt, cần nhanh chóng có phương án xử lý hiệu quả lượng rác thải này.
Cùng tìm giải pháp
Cũng theo ông Phạm Quốc Đăng, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương đẩy nhanh việc lựa chọn nhà đầu tư dự án nhà máy đốt rác phát điện trong Khu xử lý chất thải tập trung phường Tóc Tiên và dự án nhà máy đốt rác ở Côn Đảo. Vốn đầu tư huy động từ doanh nghiệp dự án.
Mô hình nhà máy đốt rác phát điện. Nguồn: Micropwr
Ngày 21-3 vừa qua, Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã thông báo mời thầu xây dựng nhà máy đốt rác phát điện công nghệ tiên tiến tại phường Tóc Tiên, công suất xử lý 1.000 tấn rác thải sinh hoạt/ngày đêm; công suất phát điện khoảng 20MW; tổng mức đầu tư 2.500 tỷ đồng do doanh nghiệp đầu tư huy động.
Dự án đã ngay lập tức thu hút sự chú ý của nhiều doanh nghiệp. Tuy nhiên, có một số vấn đề trong “đề bài” khiến doanh nghiệp băn khoăn. Cụ thể, bà Nguyễn Thị Hoài Hương, đại diện Công ty cổ phần Năng lượng A1 cho biết, "đề bài" nêu căn cứ lựa chọn nhà đầu tư phải là doanh nghiệp Việt Nam đã tham gia dự án tương tự (đã hoàn thành hoặc hoàn thành phần lớn) trong vòng 5 năm qua.
Hằng năm, vào đầu mùa mưa, thành phố Vũng Tàu phải thu gom, xử lý lượng rác thải khổng lồ từ biển tấp vào bờ. Ảnh: Quang Vũ.
"Tại Việt Nam, hiện chỉ có 1 dự án điện rác tương đương đang được xây dựng nhưng dự án này chậm tiến độ, chưa nghiệm thu, vậy có nên dùng dự án đó làm căn cứ xác định khả năng của chủ đầu tư hay không? Chúng tôi mong tỉnh mở rộng diện tham gia của nhà đầu tư", bà Hoài Hương nói.
Còn ông Vũ Văn Thanh, Giám đốc Công ty cổ phần Micropwr cho biết "đề bài" yêu cầu nhà đầu tư cam kết mức đầu tư tối thiểu ban đầu 1.625 tỷ đồng cho dự án, vượt quá mức tối thiểu 50% tổng mức đầu tư dự án theo quy định tại Thông tư số 15/2024/TT-BKHĐT của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (từ 50% đến 70% tổng vốn đầu tư).
"Việc này cũng phần nào hạn chế số lượng nhà đầu tư dự thầu. Chúng tôi đã có công văn đề nghị tỉnh xem xét, rút xuống 1.250 tỷ đồng cho phù hợp quy định và thông lệ chung”, ông Vũ Văn Thanh đề xuất.
Rác tại Bãi Nhát, Côn Đảo đang chờ được xử lý dứt điểm. Ảnh: Quang Vũ.
Hiện cơ quan chức năng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã tiếp nhận các phản ánh nêu trên và đang xem xét, phản hồi trước thời điểm đóng thầu dự án (tháng 5-2025). Cùng với đó, tỉnh cũng đang quy hoạch chuyển đổi diện tích rừng phù hợp để nhà đầu tư có thể thực hiện dự án nhà máy đốt rác tại Côn Đảo (công suất giai đoạn đến năm 2030 là 36 tấn/ngày, đến năm 2040 là 50 tấn/ngày và dự kiến đến năm 2045 là 66 tấn/ngày).
Mong rằng, dự án nhà máy đốt rác phát điện đầu tiên của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu và nhà máy đốt rác Côn Đảo sẽ sớm chọn được nhà đầu tư có năng lực để hoàn thành đúng hạn (18 tháng xây dựng), đóng góp chung cho mục tiêu phát triển nhanh, bền vững của địa phương.
Từ năm 2014, Chính phủ đã có chính sách hỗ trợ phát triển đốt rác phát điện. Tuy nhiên, tính đến hết năm 2024, mới có 8 dự án đi vào hoạt động tại Cần Thơ (2018); Sóc Sơn – Hà Nội (2022); Huế (2024); Thuận Thành – Bắc Ninh (2024); Thăng Long – Bắc Ninh (2024); Ngôi Sao Xanh – Bắc Ninh (2023); Hậu Giang (2024); Bình Dương (2024).
Nhóm phóng viên
Nguồn Hà Nội Mới : https://hanoimoi.vn/mong-som-co-nha-may-dot-rac-phat-dien-tai-ba-ria-vung-tau-697337.html