Moskva sẽ đối phó như thế nào khi Tổng thống Mỹ gia tăng áp lực về kinh tế và quân sự?

Moskva sẽ đối phó như thế nào khi Tổng thống Mỹ gia tăng áp lực về kinh tế và quân sự?
8 giờ trướcBài gốc
Một góc thủ đô Moskva, Nga. Ảnh: TASS
Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa công bố một loạt các biện pháp quân sự và kinh tế mới nhằm gia tăng áp lực lên Nga, với hy vọng buộc Moskva chấm dứt xung đột ở Ukraine. Tuy nhiên, theo tờ Izvestia (Nga) ngày 15/7, giới phân tích và các quan chức Nga đã nhanh chóng bác bỏ hiệu quả của những động thái này, cho rằng nền kinh tế Nga gần như miễn nhiễm với các lệnh trừng phạt mới và vũ khí phương Tây khó có thể thay đổi cục diện chiến trường.
Trong cuộc gặp với Tổng thư ký NATO Mark Rutte vào ngày 14/7, Tổng thống Trump đe dọa sẽ áp thuế "khoảng 100%" đối với Moskva và các đối tác thương mại của nước này nếu không đạt được thỏa thuận giải quyết xung đột Ukraine trong vòng 50 ngày. Nghe có vẻ nghiêm trọng, nhưng theo nhà phân tích Daniil Bolotskikh tại BCS World of Investments, mức thuế quan cao ngất ngưởng này dường như không đáng ngại đối với Nga.
"Năm ngoái, kim ngạch thương mại giữa Nga và Mỹ chỉ đạt khoảng 3,5 tỷ USD – một con số khá nhỏ đối với cả hai nước", ông Bolotskikh nhận định, đồng thời lưu ý thêm rằng kim ngạch thương mại Nga - Mỹ đã đạt mức thấp kỷ lục kể từ năm 1992. Điều này cho thấy các biện pháp trừng phạt kinh tế trực tiếp từ Mỹ khó có thể gây tổn hại đáng kể cho nền kinh tế Nga, vốn đã giảm thiểu sự phụ thuộc vào hàng hóa Mỹ bằng cách sản xuất trong nước hoặc nhập khẩu từ các quốc gia không chịu hạn chế của Mỹ.
Hãng thông tấn TASS của Nga ngày 15/7 cũng dẫn lời Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev cho biết những tuyên bố trên của Tổng thống Mỹ là "tối hậu thư mang tính phô trương" gửi tới Moskva mà Nga không quan tâm.
"Ông Trump đã đưa ra tối hậu thư mang tính cường điệu cho Điện Kremlin. Cả thế giới rùng mình, dự đoán hậu quả. Nga thì chẳng quan tâm", ông Medvedev nêu rõ trên nền tảng xã hội X.
Về mặt quân sự, Tổng thống Trump tuyên bố sẽ gửi thêm vũ khí Mỹ cho Ukraine thông qua việc chi trả của các quốc gia châu Âu, trong đó Kiev có thể nhận được 17 khẩu đội Patriot trong vài ngày tới. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky xác nhận đã trao đổi với Tổng thống Trump, ca ngợi “tín hiệu ủng hộ quan trọng” và cho biết hai bên bàn về củng cố phòng không, sản xuất vũ khí chung với châu Âu và các bước đi để đạt hòa bình.
Đặc phái viên Nhà Trắng Keith Kellogg cũng đang có mặt tại Kiev để thảo luận về hợp tác quốc phòng. Giới chức Ukraine nhận định việc bổ sung Patriot là cấp thiết nhằm bảo vệ các thành phố trước các đợt tấn công bằng tên lửa và thiết bị bay không người lái (UAV) của Nga.
Tuy nhiên, các chuyên gia và quan chức Nga bày tỏ sự hoài nghi về khả năng thay đổi cục diện chiến trường của hệ thống phòng không Patriot. Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho rằng việc cung cấp vũ khí qua NATO chỉ là “chính sách Mỹ dưới tên gọi mới”, đồng thời khẳng định sẽ duy trì đối thoại với Washington.
Phó Chủ tịch thứ nhất Ủy ban Quốc phòng Duma Quốc gia Nga Alexey Zhuravlev phát biểu với Izvestia: "Thật kỳ lạ khi có người vẫn coi hệ thống Patriot khét tiếng là siêu vũ khí, ngay cả khi chúng tôi đã nhiều lần phá hủy các hệ thống [tên lửa] này của Mỹ ở Ukraine – tên lửa Kinzhal của chúng ta dễ dàng xuyên thủng hệ thống phòng không đó". Ông Zhuravlev cũng khẳng định hệ thống tên lửa S-400 Triumf mà quân đội Nga đang sử dụng có đặc tính chiến thuật và kỹ thuật tốt hơn so với các hệ thống của Mỹ.
Ông Zhuravlev còn cảnh báo rằng Moskva có thể đáp trả tương tự, bằng cách chuyển hệ thống S-400 Triumf cho Iran hoặc lực lượng Houthi ở Yemen, những đối tác đã chứng minh khả năng đối phó với tên lửa phương Tây. "Ý tôi là, có thể cần đến hai bên để chơi trò cung cấp vũ khí này," ông kết luận, ám chỉ rằng Nga cũng có thể cung cấp vũ khí cho các đối thủ của Mỹ.
Một số chuyên gia Nga đánh giá phản ứng kiềm chế của Kremlin cho thấy họ thận trọng trước một tổng thống Mỹ khó đoán, trong khi một số chính trị gia Nga chỉ trích châu Âu sẽ phải “trả nhiều tiền hơn cho ngành công nghiệp quốc phòng Mỹ”.
Nhìn chung, cả các nhà phân tích và quan chức Nga đều đồng lòng cho rằng những đe dọa mới nhất của Mỹ, dù được đưa ra với mục đích gây áp lực, sẽ không thể gây hại đáng kể cho Moskva. Nền kinh tế Nga đã thích nghi với các lệnh trừng phạt, và vũ khí phương Tây, theo quan điểm của Nga, không phải là yếu tố thay đổi cuộc chơi trên chiến trường ở Ukraine. Hầu hết các mối đe dọa từ phía Mỹ có thể chỉ dừng lại ở lời cảnh báo.
Vũ Thanh/Báo Tin tức và Dân tộc
Nguồn Tin Tức TTXVN : https://baotintuc.vn/phan-tichnhan-dinh/moskva-se-doi-pho-nhu-the-nao-khi-tong-thong-my-gia-tang-ap-luc-ve-kinh-te-va-quan-su-20250715175704338.htm