Một bệnh nguy hiểm bất ngờ tăng trở lại

Một bệnh nguy hiểm bất ngờ tăng trở lại
11 giờ trướcBài gốc
Mới đây, một bé trai (13 tuổi, ở Bình Dương) được Bệnh viện TP Thủ Đức (TP HCM) cứu sống do mắc bệnh viêm màng não mô cầu. Trong khi đó, tại phía Bắc cũng xuất hiện rải rác các ca mắc bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm này.
Diễn tiến nhanh và khó lường
BS.CK2 Nguyễn Hà Phương, Trưởng Khoa Hồi sức tích cực Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện TP Thủ Đức, cho biết bệnh nhi nhập viện trong tình trạng sốt cao, đau đầu dữ dội và ngủ gà kéo dài suốt 2 ngày trước đó. Xét nghiệm chẩn đoán, điều trị tích cực kháng sinh phối hợp hỗ trợ chuyên sâu sau 3 ngày, bệnh nhi đã có những tiến triển và đang tiếp tục hồi phục. "Viêm màng não do não mô cầu là một cấp cứu y khoa, diễn tiến nhanh và nguy hiểm. Bệnh có thể gây nhiều biến chứng nặng như điếc, co giật, yếu liệt hoặc tổn thương não. Việc chẩn đoán sớm và xử trí kịp thời là yếu tố quyết định trong tiên lượng điều trị. Bệnh nhi nói trên là minh chứng rõ ràng cho hiệu quả của việc can thiệp đúng lúc" - BS Hà Phương thông tin.
Một bệnh nhân đang điều trị bệnh viêm não mô cầu .Ảnh: NGỌC DUNG
Trong khi đó, tại các tỉnh phía Bắc gần đây cũng ghi nhận các ca mắc loại bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm này. Đầu tháng 2, Trung tâm Bệnh nhiệt đới - Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) tiếp nhận một nữ bệnh nhân 48 tuổi viêm màng não và nhiễm trùng huyết do não mô cầu cấp tính. Trước đó, một nam bệnh nhân quê Bắc Ninh đã tử vong do sốc nhiễm khuẩn, được chẩn đoán mắc não mô cầu thể tối cấp tiến triển nhanh, biến chứng nặng nề. Cũng trong thời điểm này, tại Bắc Kạn, kết quả xét nghiệm từ Bệnh viện Nhi Trung ương cho thấy một bệnh nhi dương tính với vi khuẩn não mô cầu.
Tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, các bác sĩ đã tiếp nhận một nam bệnh nhân 38 tuổi được chuyển đến từ tuyến dưới trong tình trạng nguy kịch: đờ đẫn, sốt cao, lạnh run, đau đầu dữ dội, sưng đau khớp, xuất hiện tử ban màu tím thẫm ở đùi và hai cẳng chân. Nhờ chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời bằng kháng sinh liều cao qua đường tiêm tĩnh mạch, bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch và hồi phục. Các chuyên gia cảnh báo bệnh não mô cầu lây truyền qua đường hô hấp, có thể cướp đi sinh mạng con người trong vòng 24 giờ khi khởi phát.
Mầm lây ở chốn đông người
PGS-TS Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới - Bệnh viện Bạch Mai, cho biết não mô cầu là bệnh do vi khuẩn gây dịch nguy hiểm nhóm B - Neisseria meningitidis cư trú ở hầu họng gây ra, lây qua đường giọt bắn, thường xảy ra ở các khu vực đông dân cư như doanh trại bộ đội, khu tập thể, trường học… "Đối tượng mắc chủ yếu là những người chưa có miễn dịch, tiêm phòng. Bệnh thường diễn biến nhanh gây viêm màng não, nhiễm trùng huyết, nặng hơn gây suy đa tạng và có thể tử vong" - PGS Cường cảnh báo.
Theo BS.CK2 Dư Tuấn Quy, Trưởng Khoa Nhiễm - Thần kinh - Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP HCM), bệnh não mô cầu không chỉ xuất hiện ở trẻ nhỏ mà còn gặp ở người lớn, đặc biệt trong môi trường đông đúc, vệ sinh kém. Nguyên nhân chính khiến các ca bệnh não mô cầu gia tăng là do thời tiết nóng, môi trường sống đông đúc, vệ sinh kém và người dân tham gia nhiều hoạt động tập thể như cắm trại, vui chơi ở khu vực nước không bảo đảm vệ sinh như hồ bơi tự phát hoặc biển nhân tạo. Người lớn nhiễm bệnh thậm chí còn nặng hơn do chủ quan với triệu chứng không rõ ràng từ đầu, đồng thời còn là nguồn lây bệnh tiềm ẩn của người lành mang trùng trong cộng đồng. "Người chưa tiêm ngừa là một trong những yếu tố nguy cơ hàng đầu dẫn đến nhiễm bệnh. Đặc biệt, trẻ sống trong môi trường đông đúc, thiếu vệ sinh hoặc có thói quen đi hồ bơi không bảo đảm vệ sinh có nguy cơ mắc bệnh cao hơn" - BS Quy khuyến cáo.
Bùng phát thời điểm giao mùa
Giới chuyên môn cảnh báo tỉ lệ mắc bệnh não mô cầu có xu hướng tăng vào thời điểm cuối mùa khô và đầu mùa mưa, khi thời tiết và khí hậu thay đổi đột ngột. Lý giải bệnh gây tử vong nhanh, PGS Cường cho rằng viêm màng não do vi khuẩn não mô cầu có thể chia làm nhiều thể. Thể nhẹ tiến triển giống như các ca viêm màng não thông thường, điều trị khoảng 2 tuần có thể khỏi. Tuy nhiên, thể cấp và tối cấp tiến triển rất nhanh, chỉ trong vài giờ đến vài ngày, với các triệu chứng sốt cao đột ngột, đau đầu, nôn, rối loạn ý thức, hôn mê, xuất hiện ban xuất huyết hoại tử ngoài da, hội chứng suy thượng thận cấp, sốc và tử vong nhanh chóng. "Nếu chọc dịch não tủy bệnh nhân có màu đục, nhân viên y tế cần nghĩ ngay đến nhiễm não mô cầu. Những thể nặng nhiễm trùng huyết, suy thượng thận cấp, tối cấp có thể tử vong nhanh trong vòng 24 giờ" - PGS Cường nhấn mạnh.
Theo các chuyên gia, ổ chứa tự nhiên của vi khuẩn não mô cầu là người, thời gian ủ bệnh là 2 - 10 ngày. Các triệu chứng ban đầu dễ nhầm lẫn với cảm cúm thông thường, bao gồm: sốt, đau đầu, buồn nôn, nôn, gáy cứng (trẻ nhỏ có thể thóp phồng), lơ mơ, sợ ánh sáng. Trường hợp nặng có thể xuất hiện ban xuất huyết hình sao hoặc biểu hiện sốc nhiễm khuẩn… Hầu hết bệnh nhân bị viêm màng não do não mô cầu đều được chữa khỏi và hồi phục, song khoảng 10% - 15% bệnh nhân mắc bệnh này có các thương tật vĩnh viễn như tổn thương não, mất thính lực, học tập kém...
Hiện nay, dù đã có kháng sinh đặc hiệu và vắc-xin phòng bệnh hiệu quả nhưng do tốc độ lây lan nhanh, diễn tiến phức tạp và mức độ nguy hiểm, nhiễm não mô cầu vẫn là dịch bệnh đáng lo ngại về sức khỏe cộng đồng. "Vắc-xin phòng bệnh não mô cầu đã có sẵn và nằm trong danh mục tiêm chủng mở rộng nên việc tiêm sớm để tạo miễn dịch là điều cần thiết. Trẻ đã tiêm ngừa đầy đủ gần như không mắc bệnh. Cần duy trì vệ sinh cá nhân, khử khuẩn nơi ở, tránh tụ tập đông người. Ngoài ra, đối với người lớn cũng nên cân nhắc tiêm ngừa nếu chưa từng tiêm" - BS Quy lưu ý.
Không được tự ý dùng thuốc
Viện Pasteur TP HCM cảnh báo bệnh não mô cầu đang có xu hướng gia tăng tại phía Nam. Trong cộng đồng, tỉ lệ người lành mang trùng dao động 5%-25% và có thể lên tới 50% trong các ổ dịch. Nhóm có nguy cơ cao nhất là người sống trong môi trường đông đúc. Viện Pasteur ghi nhận đa số ca bệnh hiện nay do type B gây ra, xuất hiện rải rác trong cộng đồng khiến việc phát hiện sớm gặp nhiều khó khăn. Người dân cần chủ động tiêm ngừa và thực hiện nghiêm hướng dẫn y tế để ngăn chặn nguy cơ bùng phát dịch. Không chủ quan với các triệu chứng sớm như sốt cao, đau đầu, cổ cứng, nôn ói, mệt mỏi, phát ban xuất huyết dưới da. Khi thấy dấu hiệu nghi ngờ, người dân cần đến ngay cơ sở y tế.
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP HCM (HCDC), khi có ca bệnh được phát hiện, ngành y tế sẽ khoanh vùng, xác minh người tiếp xúc gần và hướng dẫn dùng kháng sinh dự phòng để ngăn chặn sự lây lan. Người tiếp xúc gần gồm người sống cùng nhà, dùng chung vật dụng hoặc có tiếp xúc với nước bọt của bệnh nhân trong vòng 7 ngày trước khi khởi phát sẽ được theo dõi sức khỏe trong 7-10 ngày và được uống thuốc dự phòng miễn phí. HCDC khuyến cáo không nên tự ý mua thuốc kháng sinh uống vì có thể gây kháng thuốc hoặc phản ứng phụ. Ngành y tế sẽ tiến hành khử khuẩn nơi ở, lớp học, nơi làm việc của bệnh nhân, đồng thời khuyến cáo cộng đồng nâng cao vệ sinh cá nhân và giữ thông thoáng không gian sinh hoạt.
HẢI YẾN - NGỌC DUNG
Nguồn NLĐ : https://nld.com.vn/mot-benh-nguy-hiem-bat-ngo-tang-tro-lai-19625051221070307.htm