Ghi nhận của Người Đưa Tin, những ngày này tại Trung đoàn Kỵ binh (Sông Công, tỉnh Thái Nguyên), dàn Kỵ binh của lực lượng Cảnh sát cơ động (Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động) đang tích cực tập luyện để chuẩn bị cho lễ diễu binh, diễu hành kỷ niệm 80 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9.
Trao đổi với Người Đưa Tin, Thượng tá Dương Phương Nam - Phó Trưởng đoàn Cảnh sát cơ động Kỵ binh (Bộ Tư Lệnh Cảnh sát cơ động) cho biết, đoàn Cảnh sát cơ động Kỵ binh đang huấn luyện khối cơ động kỵ binh tham gia lễ kỷ niệm Quốc Khánh 2/9 ở gần cuối giai đoạn 2.
"Đến nay, chúng tôi đang huấn luyện gần cuối giai đoạn 2, kết quả huấn luyện đang đúng tiến độ chương trình đề ra. Khối kỵ binh có 95 cán bộ chiến sĩ và 62 ngựa nghiệp vụ, về hôm chính thức 2/9 sẽ có 52 ngựa nghiệp vụ, 10 ngựa dự bị", Thượng tá Nam nói.
Ghi nhận của Người Đưa Tin những ngày này tại Trung đoàn Kỵ binh (Sông Công, Thái Nguyên), từ 7h30 các chiến sĩ và chiến mã đã bắt đầu một ngày huấn luyện với cường độ cao, rèn luyện đội hình, đội ngũ để chuẩn bị cho lễ diễu binh, diễu hành kỷ niệm 80 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9.
Theo Thượng tá Dương Phương Nam - Phó trưởng đoàn Cảnh sát cơ động Kỵ Binh (Bộ Tư Lệnh Cảnh sát cơ động), khối kỵ binh có 95 cán bộ chiến sĩ và 62 ngựa nghiệp vụ, về hôm chính thức 2/9 sẽ có 52 ngựa nghiệp vụ, 10 ngựa dự bị.
Cán bộ, chiến sĩ đang thể hiện sự quyết tâm rất cao và rất mong chờ đến ngày đại lễ, để được báo cáo với nhân dân, đồng bào về quá trình tập luyện của đoàn kỵ binh suốt thời gian qua.
Mỗi chú ngựa trong đội hình có trọng lượng từ 300 đến 400kg, được trang bị giáp bảo hộ toàn thân, đặc biệt ở các khớp chân và đầu gối nhằm đảm bảo an toàn trong suốt quá trình luyện tập và diễu hành. Đây là giống ngựa có thể lực tốt, sức bền cao, thích nghi tốt với điều kiện môi trường khắc nghiệt.
Chia sẻ với Người Đưa Tin, Trung úy Đặng Xuân Hoạt – Khối trưởng khối Cảnh sát cơ động kỵ binh cho biết, đây là một khối đặc thù trong đội hình diễu binh, trong đó vị trí khối trưởng và chú ngựa đi đầu đóng vai trò rất quan trọng, có nhiệm vụ dẫn dắt toàn bộ đội hình.
“Ngựa đi đầu không chỉ cần thể hình đẹp mà còn phải có tâm lý vững vàng, phản xạ ổn định. Quá trình huấn luyện để có được một chú ngựa đủ tiêu chuẩn làm ‘ngựa mũi’ là rất dài và tốn nhiều công sức,” Trung úy Hoạt nói.
“Tôi cảm thấy rất vinh dự và tự hào khi tiếp tục đảm nhận vị trí này. Dù thời tiết miền Bắc khắc nghiệt, lúc nắng gắt, lúc mưa lớn ảnh hưởng đến sức khỏe cả người và ngựa, nhưng chúng tôi vẫn nỗ lực hết mình để hoàn thành nhiệm vụ được giao", Trung úy Hoạt chia sẻ.
Khối cơ động kỵ binh tham gia lễ kỷ niệm Quốc Khánh 2/9 đang được tập luyện ở gần cuối giai đoạn 2. Đến nay, kết quả huấn luyện đang đúng tiến độ chương trình đề ra.
Trên lưng ngựa là các chiến sĩ cảnh sát cơ động, thực hiện nhiệm vụ diễu hành qua khán đài danh dự. Cưỡi ngựa trong đội hình nghi lễ là nội dung huấn luyện đặc biệt khó, không chỉ yêu cầu người lính phải ngồi vững vàng, giữ thần thái trang nghiêm mà còn phải kiểm soát tốc độ và hướng di chuyển của chiến mã một cách chuẩn xác theo đội hình.
Sau quá trình tập luyện, những chú ngựa được nghỉ ngơi để ăn cỏ, uống nước.
Đây là giống ngựa Mông Cổ, có sức khỏe tốt, dẻo dai, khả năng thích nghi cao với các điều kiện thời tiết khắc nghiệt.
Sau mỗi giờ tập luyện căng thẳng, những chú ngựa sẽ được tháo bỏ giáp, yên ngựa, dây cương.
Những chú ngựa vui đùa sau mỗi buổi tập.
"Thời gian nghỉ ngơi, chơi đùa sau mỗi giờ tập giúp những chú ngựa giảm căng thẳng rất hiệu quả", một cảnh sát phụ trách ngựa cho hay.
Đoàn Cảnh sát cơ động Kỵ binh thuộc Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động, được thành lập với nhiệm vụ huấn luyện, sử dụng ngựa trong đấu tranh phòng, chống tội phạm bảo đảm an ninh trật tự. Đoàn cũng tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, chiến sĩ làm công tác quản lý, huấn luyện và sử dụng ngựa.
Lực lượng Cảnh sát cơ động Kỵ binh có thể tác chiến cơ động tại khu vực vùng rừng núi, biên giới. Trong thời gian qua, cán bộ, chiến sĩ đã nhanh chóng thuần hóa, huấn luyện, đảm bảo sức khỏe đàn ngựa trong thời gian rất ngắn.
Nguyễn Hữu Thắng