Một câu hỏi chưa có lời giải đáp

Một câu hỏi chưa có lời giải đáp
4 giờ trướcBài gốc
Cuộc chiến đã trải qua nhiều giai đoạn, từ những trận đánh ác liệt trên chiến trường cho đến những nỗ lực ngoại giao nhằm tìm kiếm giải pháp hòa bình. Tuy nhiên, triển vọng đạt được một thỏa thuận bền vững vẫn còn xa vời.
Nhìn lại ba năm xung đột, có thể thấy rằng, ban đầu Nga đã tiến hành tấn công đa hướng với mục tiêu nhanh chóng kiểm soát Kiev và chiếm đóng phần lớn miền Đông Ukraine. Tuy nhiên, quân đội Ukraine đã kháng cự mạnh mẽ, đẩy lùi lực lượng Nga khỏi khu vực phía Bắc và tiến hành các cuộc phản công ở phía Đông và Nam.
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và người đồng cấp Mỹ Marco Rubio tại cuộc đàm phán ở Riyadh, Saudi Arabia ngày 18/2.
Theo số liệu từ Viện Nghiên cứu chiến tranh (ISW), từ năm 2023, Nga tăng cường lực lượng tại Ukraine với quân số tăng từ 360.000 vào tháng 1/2023 lên 560.000 vào tháng 10/2024. Mặc dù vậy, cuộc chiến rơi vào tình trạng giằng co, với Nga kiểm soát khoảng 18% lãnh thổ Ukraine, chỉ mở rộng thêm hơn 2.000km² trong năm 2024.
Đáng chú ý, Ukraine đã kiểm soát một phần lãnh thổ tại Kursk của Nga từ tháng 8/2024. Cuộc xung đột này đã gây ra tổn thất nặng nề về người và của. Theo ước tính của Liên hợp quốc (LHQ), hơn 11.700 người thiệt mạng và hơn 24.600 người bị thương, trong khi hàng trăm nghìn binh sĩ của cả hai bên đã tử trận hoặc bị thương. Bộ Quốc phòng Nga cho biết, trong năm 2024, quân đội Ukraine mất 593.410 binh sĩ.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky thừa nhận, hơn 45.000 binh sĩ Ukraine thiệt mạng và 390.000 người bị thương. Bộ Tổng tham mưu các lực lượng vũ trang Ukraine thông báo rằng, 834.670 quân nhân Nga đã bị thương vong ở Ukraine từ ngày 24/2/2022 đến ngày 29/1/2025.
Cần lưu tâm rằng, trong khi cuộc xung đột vẫn tiếp diễn, các chuyên gia quốc tế đã đưa ra nhiều kịch bản khác nhau về khả năng kết thúc chiến sự. Một số cho rằng, một thỏa thuận hòa bình công bằng đòi hỏi sự đảm bảo an ninh mạnh mẽ cho Ukraine, được Mỹ hậu thuẫn. Việc gia nhập NATO có thể là sự bảo đảm an ninh tối thượng, nhưng điều quan trọng là các đồng minh NATO ở châu Âu phải chứng minh rằng, họ sẵn sàng gánh chịu phần lớn trách nhiệm này.
Tuy nhiên, một số chuyên gia khác cảnh báo rằng, các thỏa thuận ngừng bắn có thể mong manh và dễ sụp đổ, tương tự như các thỏa thuận Minsk trước đây. Họ nhấn mạnh rằng, một giải pháp lâu dài đòi hỏi cả Ukraine và Nga phải điều chỉnh các lập trường cứng rắn của mình, đặc biệt là về vấn đề lãnh thổ và tư cách thành viên NATO.
Để tìm kiếm lối thoát cho cuộc xung đột, cộng đồng quốc tế đã nỗ lực trong việc thúc đẩy tiến trình đàm phán. Tuy nhiên, trong quá trình đàm phán nhằm giải quyết xung đột, các bên liên quan phải đối mặt với nhiều thách thức phức tạp. Một trong những rào cản lớn nhất là sự khác biệt sâu sắc về điều kiện tiên quyết giữa hai quốc gia.
Ukraine yêu cầu Nga rút quân hoàn toàn khỏi lãnh thổ của mình, bao gồm cả bán đảo Crimea, trong khi Nga đòi hỏi Ukraine phải công nhận chủ quyền của Moscow đối với các vùng lãnh thổ đã sáp nhập và cam kết trung lập, không gia nhập NATO. Sự khác biệt này tạo ra trở ngại lớn trong việc tìm kiếm điểm chung để khởi động đàm phán. Nếu không có sự nhượng bộ từ cả hai phía, khả năng đạt được một thỏa thuận hòa bình sẽ rất mong manh. Ngoài ra, sự thiếu niềm tin giữa hai bên cũng là yếu tố cản trở đáng kể.
Cả Nga và Ukraine đều mang trong mình những ký ức lịch sử đau thương và sự hoài nghi lẫn nhau do các vi phạm thỏa thuận trước đây. Điều này không chỉ làm quá trình đàm phán trở nên khó khăn mà còn khiến việc thực thi bất kỳ thỏa thuận nào sau này trở nên bấp bênh. Các bên thứ ba, bao gồm các quốc gia phương Tây và các tổ chức quốc tế, cũng tác động không nhỏ lên tiến trình đàm phán.
Mặc dù vậy, Tổng thống Mỹ Donald Trump gần đây đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, nhằm thúc đẩy tiến trình hòa bình. Ông tuyên bố rằng, đàm phán sẽ bắt đầu ngay lập tức và bày tỏ ý định gặp trực tiếp người đồng cấp Nga để thảo luận về giải pháp cho cuộc xung đột.
Tuy nhiên, các nhà phân tích cảnh báo, bất kỳ thỏa thuận nào đạt được cũng cần phải đảm bảo công bằng và bền vững, tránh những nhượng bộ có thể làm suy yếu chủ quyền của Ukraine hoặc khuyến khích các hành động gây hấn trong tương lai.
Ngoài ra, các cuộc thăm dò gần đây cho thấy, phần lớn người dân Ukraine ủng hộ việc đàm phán, mặc dù vẫn có một bộ phận đáng kể phản đối việc nhượng bộ lãnh thổ. Cuối năm 2024, Tổng thống Volodymyr Zelensky đã thể hiện một số dấu hiệu linh hoạt khi gợi ý rằng cuộc chiến có thể kết thúc thông qua biện pháp ngoại giao nhằm khôi phục lãnh thổ Ukraine, với điều kiện quốc gia này được gia nhập NATO.
Nhìn lại ba năm xung đột khốc liệt, tình hình tại Ukraine vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Nỗ lực hòa giải của cộng đồng quốc tế, đặc biệt là từ phía Mỹ, đã và đang diễn ra, nhưng liệu những bước đi này có thể đưa các bên đến bàn đàm phán và đạt được một thỏa thuận hòa bình bền vững hay không vẫn là một câu hỏi chưa có lời giải đáp.
Rõ ràng, một giải pháp lâu dài đòi hỏi cả Ukraine và Nga phải từ bỏ hoặc điều chỉnh các lập trường cứng rắn của mình, đặc biệt là về vấn đề lãnh thổ và tư cách thành viên NATO. Nếu không có một chiến lược được chuẩn bị kỹ lưỡng, nỗ lực hòa giải có thể thất bại, và xung đột sẽ tiếp diễn - với hậu quả nghiêm trọng không chỉ cho Ukraine và Nga mà còn cho an ninh châu Âu. Điều quan trọng là bất kỳ giải pháp nào cũng phải công bằng và bền vững, không chỉ là một giải pháp tạm thời nhằm đạt được thắng lợi chính trị ngắn hạn.
Khổng Hà
Nguồn CAND : https://cand.com.vn/the-gioi-24h/mot-cau-hoi-chua-co-loi-giai-dap-i759953/