Mô hình tổ chức chính quyền địa phương 3 cấp thực hiện thời gian qua đã phát huy vai trò, sứ mạng xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc khi đất nước bước vào thời kỳ đổi mới và phát triển.
Chuyển từ quản lý hành chính mệnh lệnh sang quản trị phục vụ
Hiện nay, đất nước đang thực hiện cùng lúc nhiều nhiệm vụ quan trọng, mang tính lịch sử. Đó là cuộc cách mạng tinh gọn tổ chức bộ máy, thực hiện tái cấu trúc lại tổ chức và hoạt động của hệ thống chính trị, đảm bảo tính hệ thống, tính đồng bộ, tính toàn diện, từ Trung ương đến địa phương, trong mọi ngành, mọi lĩnh vực.
Đặc biệt, đối với chính quyền địa phương, Nghị quyết Trung ương 11 khóa 13 của Đảng đã xác định tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp thay vì 3 cấp, kết thúc hoạt động của chính quyền địa phương cấp huyện.
Nhiều ứng dụng khoa học, công nghệ đang được dùng trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội với chuyển đổi số, công nghệ số, trí tuệ nhân tạo.
Đặc biệt, đất nước đang chuyển từ quản lý nhà nước sang quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, hiệu quả.
Tổng Bí thư Tô Lâm, Chủ tịch nước Lương Cường cùng các đại biểu tại phiên thảo luận của Quốc hội về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 và dự Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) sáng 14/5. Ảnh: Quốc hội
Trong bối cảnh này, chính quyền địa phương 3 cấp cần được thay thế bởi chính quyền địa phương 2 cấp để tinh gọn bộ máy, tháo gỡ các “điểm nghẽn”, “rào cản”, phân định lại thẩm quyền giữa Trung ương - địa phương; thực hiện tư tưởng mà Tổng Bí thư Tô Lâm đã chỉ đạo: “Những việc của địa phương để địa phương quyết, địa phương thực hiện và địa phương chịu trách nhiệm”.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đã nhấn mạnh: Dứt khoát bỏ tư duy “không biết mà vẫn quản, không quản được thì cấm”. Từ đó, xây dựng chính quyền hiện đại, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, “gần dân, sát dân, phục vụ dân”, tạo động lực nâng cao hiệu lực, hiệu quả phục vụ của chính quyền địa phương đối với nhân dân và thúc đẩy doanh nghiệp phát triển.
Đồng thời, giảm được lãng phí về nguồn lực; tạo điều kiện cho việc chuyển từ quản lý hành chính mệnh lệnh sang quản trị phục vụ, phù hợp với xu thế chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ số vào quản lý, điều hành, phục vụ nhân dân và hội nhập quốc tế.
Do đó, việc sửa đổi, bổ sung các quy định về chính quyền địa phương trong Hiến pháp 2013 là rất cần thiết, đúng với sự lãnh đạo, với chủ trương của Đảng.
Tính đa dạng trong sự thống nhất
Các sửa đổi, bổ sung quy định về chính quyền địa phương tại các điều của Hiến pháp 2013 cơ bản bảo đảm được tính chính trị, phù hợp với Cương lĩnh, đường lối chiến lược, chủ trương của Đảng; bảo đảm được tính dân chủ, tính pháp quyền; thể hiện tính thời đại, tính cách mạng và có sự kế thừa.
Đặc biệt, trong yêu cầu tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, nội dung sửa đổi tại khoản 1 điều 110 Hiến pháp 2013 đã thể hiện được tính khái quát và tính ổn định cao.
Tôi rất tâm đắc và đánh giá rất cao việc sử dụng cụm từ “các đơn vị hành chính dưới tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương” trong sửa đổi khoản 1 điều 110.
Tại kỳ họp thứ 9 đang diễn ra, Quốc hội sẽ thông qua dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013. Ảnh: Quốc hội
Việc sử dụng cụm từ này không chỉ thể hiện tính khái quát và tính ổn định của Hiến pháp mà còn thể hiện được tư duy về “tính đa dạng trong sự thống nhất” khi tổ chức chính quyền đại phương 2 cấp (cấp tỉnh và cấp dưới tỉnh), đáp ứng yêu cầu phát triển khi tổ chức, thành lập các đơn vị hành chính cấp xã sau này.
Nói cách khác, với việc sửa đổi khoản 1 điều 110, các đơn vị hành chính dưới tỉnh có thể được thành lập dưới nhiều tên gọi (xã, phường, đặc khu)…
Điều này rất hay ở chỗ tư duy về “tính đa dạng trong sự thống nhất” khi sửa Hiến pháp sẽ là căn cứ quan trọng để thực hiện “đa dạng hóa loại hình đơn vị hành chính trong sự thống nhất của cấp dưới tỉnh là chính quyền cấp xã”. Nội dung này vẫn bảo đảm thống nhất với nội dung đã được quy định tại khoản 8 điều 74 và khoản 4 điều 96 của Hiến pháp hiện nay.
Dù có đa dạng tên gọi các đơn vị hành chính ở cấp xã như thế nào chăng nữa, chính quyền địa phương ở đó cũng chỉ nằm trong khuôn khổ một cấp chính quyền dưới tỉnh.
Với các sửa đổi, bổ sung này, chính quyền địa phương được tổ chức ở các đơn vị hành chính tỉnh và dưới tỉnh sẽ chỉ có 2 cấp: Chính quyền địa phương cấp tỉnh và chính quyền địa phương cấp dưới tỉnh.
Như thế, dù tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có được chia thành phường, xã, liên phường, liên xã, đặc khu hay là tên gọi khác nữa như phủ, trấn, thành phố thì chính quyền địa phương được tổ chức ở đó cũng đều là chính quyền cấp dưới tỉnh và chỉ là một cấp mà thôi.
Điều này đúng với chủ trương, chỉ đạo và mục tiêu tổ chức chính quyền địa phương của Đảng trong cuộc cách mạng tinh gọn tổ chức bộ máy và đáp ứng yêu cầu của cách mạng khoa học công nghệ lần thứ 4 với chuyển đổi số, công nghệ số, trí tuệ nhân tạo.
Bỏ tư duy 'không biết mà vẫn quản, cái gì không quản được thì cấm'
Khoản 2 điều 112 nếu thể hiện được tư tưởng tự chủ, tự quản của chính quyền địa phương, tư tưởng “những việc của địa phương do địa phương thực hiện”- “chính quyền địa phương tự quyết, tự thực hiện và tự chịu trách nhiệm” thì rất hay.
Việc từ bỏ tư duy “không biết mà vẫn quản, cái gì không quản được thì cấm”, xóa bỏ tình trạng một việc đã được giao thẩm quyền rồi nhưng vẫn phải hỏi các cơ quan trung ương hoặc các cơ quan liên quan cũng góp phần nâng cao sự tự tin trong đội ngũ lãnh đạo địa phương, dám quyết, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích phát triển địa phương.
Vì vậy, nội dung điều 112 cần được nghiên cứu sửa đổi mạnh mẽ hơn vấn đề phân quyền giữa Trung ương và địa phương.
TS.Trần Anh Tuấn