Đào tạo tiến sĩ theo chuẩn quốc tế của ĐH Quốc gia TPHCM như thế nào?
Theo quy chế thí điểm đào tạo tiến sĩ ĐH Quốc gia TPHCM ban hành, có 2 phương thức đào tạo là nghiên cứu chuyên sâu toàn thời gian và kết hợp nghiên cứu khoa học, hoàn thành các học phần của chương trình đào tạo.
Với nghiên cứu chuyên sâu toàn thời gian, nghiên cứu sinh (NCS) hoàn thành tiểu luận tổng quan, chuyên đề và luận án trong vòng 12 tháng kể từ ngày nhập học.
NCS phải là tác giả chính của ít nhất 3 báo cáo hội nghị hoặc bài báo khoa học đăng trên tạp chí thuộc danh mục Web of Science hoặc Scopus hoặc tương đương, trong đó có ít nhất 1 bài Q2 trở lên.
Nghiên cứu sinh tiến sĩ ở ĐH Quốc gia TPHCM. Ảnh: VNU
NCS kết hợp nghiên cứu khoa học và học các học phần của chương trình hoàn thành các yêu cầu theo quy định của Bộ GD-ĐT, đạt yêu cầu bổ sung về công bố khoa học do trường quy định.
Đại học Quốc gia TPHCM sẽ công nhận tương đương công bố khoa học với các các ấn phẩm thuộc danh mục được Hội đồng Giáo sư nhà nước quy định, phù hợp thông lệ từng ngành và bối cảnh quốc tế, đảm bảo chất lượng tương đương và phù hợp với các quy định hiện hành.
NCS có thể bảo vệ luận án tiến sĩ trước thời hạn nếu có thành tích học tập và nghiên cứu khoa học xuất sắc. Tổng thời gian NCS hoàn thành chương trình đào tạo ít nhất 2 năm.
Các trường đại học thành viên của ĐH Quốc gia TPHCM ban hành quy định chi tiết về trình tự, thủ tục thực hiện, tiêu chí, tiêu chuẩn của NCS được bảo vệ luận án trước thời hạn và công khai các quy định, quy trình trên website trường.
Quy chế mới cũng miễn quy trình phản biện độc lập khi NCS là tác giả chính của ít nhất 3 báo cáo hội nghị/bài báo đăng tạp chí thuộc danh mục Web of Science hoặc Scopus hoặc tương đương, trong đó có ít nhất 1 bài Q2 trở lên có nội dung phù hợp với đề tài nghiên cứu và nội dung của luận án.
Các trường sẽ quy định chi tiết về trình tự, thủ tục xét miễn quy trình phản biện độc lập bằng minh chứng các công trình công bố quốc tế của NCS và báo cáo ĐH Quốc gia TPHCM. Các trường chịu trách nhiệm thẩm định sự phù hợp về nội dung các công bố khoa học của NCS với đề tài nghiên cứu của luận án trên cơ sở đề xuất của hội đồng hoặc đơn vị chuyên môn.
ĐH Quốc gia TPHCM sẽ tăng cường liêm chính học thuật và trách nhiệm giải trình. Trong trường hợp cần thiết, các trường có quyền yêu cầu nghiên cứu sinh giải trình với các bên liên quan những nội dung về liêm chính học thuật. Nội dung giải trình được công khai trên website trường.
Vì sao phải thí điểm chuẩn mới?
PGS.TS Trần Cao Vinh - Phó Giám đốc ĐH Quốc gia TPHCM, cho hay trong bối cảnh hội nhập sâu rộng và cạnh tranh toàn cầu, đào tạo tiến sĩ là một trong những trụ cột then chốt giúp nâng tầm vị thế của đại học nghiên cứu.
Tại nhiều đại học hàng đầu châu Á như Đại học Thanh Hoa (Trung Quốc), Đại học Quốc gia Singapore, Đại học Tokyo (Nhật Bản), NCS đóng vai trò chủ lực trong các hoạt động nghiên cứu khoa học.
Cụ thể như ở Đại học Thanh Hoa, NCS chiếm đến 51% tổng số học viên sau đại học và chiếm 38% quy mô toàn trường. Yếu tố này là nền tảng giúp trường này duy trì và liên tục cải thiện thứ hạng trên các bảng xếp hạng đại học quốc tế.
Yêu cầu về công bố khoa học đối với nghiên cứu sinh tiến sĩ các ngành của ĐH Quốc gia TPHCM
Theo PGS Vinh, trong những năm qua công tác đào tạo tiến sĩ tại ĐH Quốc gia TPHCM đã có nhiều cải tiến nhưng vẫn còn không ít hạn chế cần khắc phục. Cụ thể như thời gian để hoàn tất chương trình kéo dài thực tế từ 5 đến 7 năm, cơ chế đào tạo chưa đủ linh hoạt để thu hút người học, quy trình đào tạo còn mang nặng tính hành chính.
Ngoài ra, đa phần nghiên cứu sinh NCS phải vừa học vừa làm ảnh hưởng đến chất lượng nghiên cứu, đội ngũ giáo sư đầu ngành vẫn còn thiếu ở một số lĩnh vực, mức độ quốc tế hóa và gắn kết với nghiên cứu khoa học còn hạn chế.
"Những bất cập này đang là rào cản trong việc nâng cao chất lượng đào tạo tiến sĩ tại ĐH Quốc gia TPHCM", PGS Vinh nói.
Phó giám đốc ĐH Quốc gia TPHCM cho rằng, quy định thí điểm đào tạo tiến sĩ như một giải pháp đột phá nhằm mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng đào tạo tiến sĩ, đồng thời xây dựng một hành lang pháp lý linh hoạt hơn.
Quy định này chuyển từ quản lý hành chính sang quản trị kiến tạo xây dựng khung quy định chung. Trên cơ sở đó các trường xây dựng quy định chi tiết, cụ thể, đồng thời giao quyền cho hội đồng chuyên môn để bảo đảm tính học thuật và linh hoạt.
"Đây là bước đi tiên phong nhằm hiện thực hóa mục tiêu đào tạo nhân lực trình độ cao, từng bước tiệm cận với chuẩn mực quốc tế", theo ông Vinh.
Lê Huyền