Một điểm nghẽn cần phải khơi thông

Một điểm nghẽn cần phải khơi thông
2 giờ trướcBài gốc
Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.
“Quản” và “cấm” là giải pháp thường gặp trong công tác quản lý xã hội, nhất là trong xây dựng luật pháp. Đã có nhiều tranh luận, rằng vì sao luật không vào được đời sống, phải bổ sung, sửa đổi liên tục, có phải vì những vấn đề quan thiết trong cuộc sống chưa được đưa vào luật? Là vì có những bộ luật được “sản xuất” trong phòng máy lạnh, luật phục vụ phát triển nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ, nhưng không có bóng dáng người nông dân, công nhân ở đó.
Còn nhớ có một nông dân làm ăn lớn ở Đồng bằng sông Cửu Long đã phát biểu với lãnh đạo cấp cao rằng: đề nghị các vị làm luật hãy về với nông dân trực tiếp làm ăn một thời gian rồi hẵng bắt tay viết luật. Người nông dân này đã nhận chuyển nhượng hàng nghìn ha đất nông nghiệp từ nhiều tỉnh để trồng chuối xuất khẩu. Thế nhưng khi đó chiếu theo Luật Đất đai hiện hành thì... sai, vì luật cấm nhận chuyển nhượng vượt gấp đôi hạn mức giao đất (sau đó thì sửa lại là cấm nhận chuyển nhượng vượt quá mười lần).
Đó chính là một điểm nghẽn. Trong nông nghiệp còn khá nhiều điểm nghẽn khác, như chủ trương đổi đất lấy hạ tầng, một yếu tố rất tích cực để phát triển hạ tầng khi ngân sách nhà nước còn hạn hẹp, cũng gặp nhiều trở ngại và nảy sinh nhiều vướng mắc. Một chủ trương đúng phải đi liền với quản lý đồng bộ, giám sát chặt chẽ, khoa học thì mới tránh tham nhũng, tiêu cực, lãng phí. Vấn đề là ở chỗ, cơ chế nào để xác định giá trị hạ tầng và giá trị đất đai, không bị “bóp méo” để che đậy các hành vi tham nhũng?
Trong lúc lúng túng về cơ chế quản lý, giám sát, chín người mười ý, trong lúc nhá nhem, chạng vạng, lại gặp mấy ông đứng đầu vướng vào “tư duy nhiệm kỳ”, thường xuất hiện tư tưởng “cấm” luôn cho an toàn (!) Quản chẳng được thì cấm, chuyện chỉ có vậy, cốt đỡ mệt óc, tránh sai lầm tập thể, tránh “trăm dâu đổ đầu tằm”, nói gọn lại là bệnh sợ trách nhiệm.
Thế giới cũng có tình trạng tương tự. Như chuyện cấm rượu ở Mỹ, ở Nga, về sau đều thất bại. Lợi ít, hại nhiều. Lợi là quan chức, công chức đỡ rượu chè bê tha, ảnh hưởng thời gian làm việc, đỡ gây rối trật tự, mất an toàn giao thông. Hại là, mất nguồn thu thuế rất lớn, ảnh hưởng tới ngành sản xuất đồ uống có cồn. Rồi tình trạng làm rượu giả tràn lan dẫn tới ngộ độc, suy giảm sức khỏe... Cuối cùng hai quốc gia lớn này đều phải bãi bỏ lệnh cấm rượu. Thay vào đó là chuyển từ cấm sang quản - chuyển sang quản lý, đánh thuế và kiểm soát việc sản xuất và tiêu thụ rượu một cách nghiêm ngặt, hợp pháp.
Chuyện gần đây ở Việt Nam là việc ứng dụng xe ôm công nghệ như Grab và Uber. Người dân di chuyển thuận lợi, giá rẻ hơn taxi của các hãng truyền thống. Thế nhưng, khi xe công nghệ xuất hiện thì loại hình cũ mất thị trường, thế là nảy sinh mâu thuẫn. Nhiều nơi đề nghị hạn chế, rồi cấm taxi và xe ôm công nghệ. Thế là phát sinh tình trạng “thị trường ngầm”, “taxi công nghệ chui” - một kiểu “xe dù” mới khiến khách hàng bị lừa đảo nhiều kiểu. Thực tiễn sẽ cho ta câu trả lời. Sau một thời gian, giải pháp phù hợp đã được đưa ra: thay vì cấm đoán, cơ quan quản lý đưa ra các quy định mới, buộc các ứng dụng phải đăng ký kinh doanh, đồng thời kiểm soát chặt chẽ việc đóng thuế và đảm bảo quyền lợi cho cả tài xế và khách hàng.
Luật pháp không chỉ là công cụ để quản lý. Vấn đề mà luật cần hướng đến là tạo hành lang pháp lý phục vụ phát triển kinh tế-xã hội, thúc đẩy đổi mới, sáng tạo. Khi “cấm” tùy tiện sẽ nảy sinh nhiều hệ lụy tiêu cực, cản trở phát triển kinh tế bền vững.
Đương nhiên, quản thế nào cho đúng, cho hiệu quả, trong điều kiện công nghệ thông tin phát triển rất nhanh chóng là điều không dễ dàng. Hiện nay, thương mại điện tử, nhất là một số sàn thương mại điện tử nước ngoài, đã và đang xâm chiếm thị trường, nhưng chúng ta chưa có cách thức hợp lý để quản lý, còn thất thu thuế nhiều trong hoạt động kinh doanh. Rõ ràng chuyển đổi số phải đi liền với quản lý số, như hai mặt của một tờ giấy.
Cần phải từ bỏ tư duy không quản được thì cấm. Nhưng quản cho đúng, và có những cái vẫn phải kiên quyết cấm triệt để, như chúng ta đã từng cấm sản xuất, buôn bán và đốt pháo nổ từ năm 1994. Ở Indonesia, trong tháng 10/2024, để bảo vệ các doanh nghiệp trong nước, cứu sản xuất hàng nội địa, nước này đã yêu cầu Apple, Google chặn ứng dụng nền tảng thương mại điện tử giá rẻ của một nước láng giềng. Thật là một biện pháp “cấm” rất kiên quyết, đúng lúc.
“Quản” và “cấm” là vấn đề rất lớn nhằm tháo gỡ điểm nghẽn cơ chế. Cần tiếp tục hoàn thiện pháp luật và những quy định cụ thể, đáp ứng yêu cầu phát triển trong thời kỳ mới.
Hải Đường
Nguồn PetroTimes : https://petrotimes.vn/mot-diem-nghen-can-phai-khoi-thong-719777.html