Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Thủ tướng Australia Anthony Albanese (phải). Ảnh: TTXVN
Các nhà kinh tế hàng đầu dự đoán những tác động tiềm tàng xuất phát từ chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump nhiệm kỳ 2 sẽ tạo ảnh hưởng tới Australia, bao gồm tiến độ đạt mức phát thải ròng bằng 0 chậm hơn, lạm phát ở Mỹ cao hơn và tăng trưởng kinh tế Trung Quốc thấp hơn.
Câu hỏi đặt ra hiện nay là Australia đã chuẩn bị những gì để đối phó với những điều có thể xảy ra trong năm 2025?
Hiện trạng quản lý kinh tế của Australia được minh họa bằng hai diễn biến hồi cuối năm 2024. Quốc hội Australia đã thông qua Đạo luật “Sản xuất tại Australia trong tương lai”, đặt ra chính sách công nghiệp nhằm xây dựng các ngành công nghiệp mới có tính cạnh tranh cho nền kinh tế năng lượng sạch. Đồng thời, Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia cũng đưa ra báo cáo “Quốc gia Thương mại” về mức độ đóng góp của thương mại và đầu tư mở đối với sự thịnh vượng của người dân.
Đối với Australia, sự tham gia tích cực hơn của chính phủ vào thị trường thông qua kế hoạch “Sản xuất tại Australia trong tương lai” là một sự khởi đầu ý thức hệ quan trọng so với quá khứ gần đây. Xu hướng rút lui khỏi nền kinh tế mở và sự tái xuất hiện của các cách tiếp cận mang tính dân tộc chủ nghĩa trong thương mại đang nổi lên trên toàn cầu. Giữa bối cảnh đó, những quốc gia như Australia đã buộc phải thích nghi. Như Bộ trưởng Ngân khố Australia Jim Chalmers lưu ý: “Nếu không thay đổi chính sách, Australia sẽ thất bại khi đối mặt với tất cả chính sách công nghiệp đang hình thành và tồn tại xung quanh”.
Australia đang phản ứng trước những lực lượng địa chiến lược bằng cách tăng cạnh tranh với các ưu đãi công nghiệp do những nền kinh tế khác đưa ra, bao gồm Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Canada và Liên minh châu Âu (EU). Mục đích là để thúc đẩy sự phát triển của các ngành công nghiệp mới. Kế hoạch “Sản xuất tại Australia trong tương lai” đầu tư 22,7 tỷ AUD (14,3 tỷ USD) vào lực lượng lao động, năng lượng tái tạo, hỗ trợ đầu tư vào Australia, đổi mới công nghệ và công nghiệp, cũng như tận dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên và khoáng sản quan trọng, từ đó sản xuất nhiều hàng hóa hơn ở trong nước, tạo ra nhiều cơ hội việc làm hơn cho người Australia.
Ngược lại, báo cáo “Quốc gia Thương mại” nhấn mạnh vai trò của thương mại tự do và cởi mở đối với sự thịnh vượng của Australia. Khoảng 31% sản lượng kinh tế của nước này được hỗ trợ bởi hoạt động thương mại và 1/4 số lượng việc làm liên quan đến thương mại.
Quy định thương mại toàn cầu, chẳng hạn như thông qua Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), được mô tả là một trong những trụ cột cho sự thịnh vượng của người Australia, hỗ trợ sự ổn định của môi trường thương mại và giúp các nhà xuất khẩu Australia tiếp cận thị trường. Tính đến năm 2022, 18 hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và khu vực của Australia đã thúc đẩy thương mại tăng trung bình thêm 13% và bao trùm khoảng 78% thương mại hàng hóa và dịch vụ hai chiều của Australia. Các hiệp định mới, sáng tạo như Hiệp định Kinh tế Xanh Singapore-Australia khuyến khích thương mại, mở ra cơ hội kinh doanh và tạo điều kiện đầu tư vào các ngành thúc đẩy quá trình chuyển đổi đạt phát thải ròng bằng 0.
Báo cáo cũng đưa ra quan điểm rằng đầu tư nước ngoài sẽ tạo điều kiện tiếp cận nhiều vốn và đầu tư hơn, với sự cởi mở của Australia đối với đầu tư nước ngoài góp phần phát triển đất nước, tạo việc làm và cải thiện mức sống. Các lĩnh vực như ngân hàng, năng lượng, cơ sở hạ tầng, tài nguyên và nông nghiệp phần lớn phụ thuộc vào đầu tư nước ngoài.
Khi được đặt cạnh nhau, kế hoạch “Sản xuất tại Australia trong tương lai” và báo cáo “Quốc gia Thương mại” đã vẽ lên bức tranh về một quốc gia đang cố gắng tìm kiếm sự cân bằng giữa các yêu cầu khác nhau. Điều này phù hợp với báo cáo của Đối thoại Phát triển, Ngoại giao và Quốc phòng châu Á-Thái Bình Dương (AP4D), trong đó lập luận rằng lợi ích của Australia là thúc đẩy một hệ thống thương mại toàn cầu minh bạch, có thể dự đoán và dựa trên quy tắc bên cạnh các biện pháp công nghiệp.
Đây là một thông điệp quan trọng cần được chú trọng trong năm 2025. Điều cần ghi nhớ là một hệ thống thương mại toàn cầu mở là một biện pháp quan trọng chống lại nỗ lực ép buộc kinh tế, cho phép các ngành công nghiệp mục tiêu tìm kiếm những thị trường thay thế.
Trong thời kỳ những hành động ép buộc kinh tế đang “nở rộ”, đã có luồng ý kiến ủng hộ hướng đi tập trung vào “kết bạn” – nghĩa là bán nhiều hàng hóa hơn cho các quốc gia được coi là đồng minh và bạn bè, đặc biệt là hợp tác trong chuỗi cung ứng và đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, điều này có thể khó khăn và tốn kém, đi ngược lại logic kinh tế.
Điều quan trọng nữa là Australia phải chú ý đến tầm quan trọng của hệ thống kinh tế toàn cầu và vai trò quan trọng của quốc gia này trong đó. Australia đã tích cực hỗ trợ và đóng vai trò đi đầu trong việc tạo ra các quy tắc toàn cầu, làm nền tảng cho sự phát triển của thương mại toàn cầu, thậm chí là một trong những thành viên sáng lập của WTO. Đặc biệt, dưới thời chính quyền của Tổng thống Trump 2.0, Australia nên tập trung hợp tác với các quốc gia có cùng chí hướng để cứu vãn hệ thống thương mại toàn cầu.
Bất chấp những thách thức mà năm 2025 sẽ mang lại, khả năng quản lý kinh tế của Australia không thể chỉ tập trung vào chính sách công nghiệp trong nước, mà còn phải thúc đẩy thương mại và đầu tư mở. Trong môi trường kinh tế toàn cầu khó lường, các phản ứng chính sách của Australia cần tiếp tục đạt được sự cân bằng hợp lý. Điều này có nghĩa là trong năm 2025, Australia nên kiên trì theo đuổi phương pháp hỗ trợ hệ thống thương mại toàn cầu bên cạnh các biện pháp công nghiệp.
Thanh Tú (P/v TTXVN tại Sydney)