Blake Marnell, một khán giả đứng hàng đầu, chỉ cách ông Donald Trump khoảng 3 m, vẫn bàng hoàng khi nghe loa vang lên tiếng súng. “Tôi nhìn thấy ông ấy đứng đó, thấy vệt máu ở tai”, Marnell hồi tưởng. “Khi ông ấy giơ nắm đấm lên, tôi hét lên: ‘Đúng rồi! Đúng rồi! Đúng rồi!’”
Đã tròn một năm kể từ vụ âm mưu ám sát ông Trump tại buổi mít tinh ở Butler, bang Pennsylvania - sự kiện khiến toàn bộ cục diện chính trị Mỹ đảo chiều.
“Chính Chúa đã cứu tôi để mang lại vinh quang cho nước Mỹ”, ông Trump khẳng định trong bài diễn văn nhậm chức vào tháng 1.
“Đó là khoảnh khắc không thể quên”
Ngày 13/7/2024, tại Butler - một thị trấn nhỏ ở bang Pennsylvania - cựu Tổng thống Donald Trump bước lên sân khấu như bao cuộc vận động tranh cử trước đó. Ông tự tin trình bày một biểu đồ về tình hình nhập cư, chỉ trích thành tích của chính quyền Tổng thống Joe Biden.
Theo Marnell (hiện sống tại San Diego), buổi mít tinh ở Butler bắt đầu như bao lần ông từng tham dự. Ông mặc bộ “brick suit” - biểu tượng của bức tường biên giới - và nhìn lên màn hình trình chiếu biểu đồ về số vụ vượt biên qua biên giới Mỹ - Mexico.
Nhưng chỉ vài phút sau, tiếng súng vang lên và mọi thứ đã thay đổi. Ông Trump nghiêng đầu sang phải để xem biểu đồ thì một viên đạn sượt qua tai ông.
“Tôi còn tưởng đó là pháo hoa”, Marnell kể lại với Guardian.
Ngay lập tức hỗn loạn xảy ra. Lính cứu hỏa Corey Comperatore thiệt mạng, hai ứng viên David Dutch và James Copenhaver bị thương phải nhập viện. Nghi phạm Crooks bị đặc vụ Mật vụ tiêu diệt ngay tại chỗ, còn ông Trump thì bị chấn động, thân thế lúc đầu không rõ.
Theo thông tin được thông báo sau đó, kẻ nổ súng là Thomas Matthew Crooks, 20 tuổi, đã bắn 8 phát từ mái nhà, trong đó một viên sượt qua tai ông Trump. Cho đến nay, FBI vẫn chưa xác định được động cơ cụ thể. Theo thông tin điều tra, Crooks là một kẻ “cô độc”, từng bị bắt nạt và có thể mắc chứng rối loạn tâm thần chưa được chẩn đoán, Fox News cho biết.
“Mọi cảm xúc đều đổ dồn lên khán giả”, Marnell miêu tả. “Có người tức giận, có người quay lại hét vào máy quay, có người bật khóc, có người cầu nguyện, có người đứng hình. Những biểu cảm đó thật không thể tả”.
Một viên đạn đột nhiên lao tới và sượt qua tai của ông Trump khi ông đang phát biểu khiến đám đông bàng hoàng.
“Lúc ấy tôi không rõ chuyện gì đang xảy ra, tôi chỉ biết có tiếng la hét và tôi phải cúi xuống thật nhanh”, ông Trump kể lại trong chương trình My View with Lara Trump. “Tôi nghĩ họ đã bắn tám phát. Thật không thể quên”.
Susie Wiles - đồng chủ tịch chiến dịch tranh cử - thừa nhận trong một cuộc phỏng vấn rằng bà từng nghĩ ông Trump đã chết.
“Bản năng con người khiến bạn luôn nghĩ đến điều tồi tệ nhất. Khi ông ấy đứng dậy, tôi đã thốt lên: ‘Lạy trời!’”, bà nói.
Chính khoảnh khắc ông Trump nghiêng đầu sang bên để nhìn biểu đồ đã vô tình giúp ông tránh được viên đạn chí mạng. “Chỉ một động tác nhỏ cũng đủ thay đổi số phận”.
Bà cũng tin rằng đó là “bàn tay của Chúa”. Theo bà, biểu đồ mà ông Trump giơ lên hôm đó thường chỉ xuất hiện cuối cùng, và ở phía bên kia. Nhưng hôm ấy, khi vừa 8 phút trôi qua, ông Trump yêu cầu biểu đồ đó, và nó xuất hiện ở phía đối diện, AP cho biết.
“Việc ông ấy quay đầu sang hướng khác, ngẩng đầu lên một chút vì biểu đồ cao hơn - điều đó không phải ngẫu nhiên. Tôi tin đó là ý Chúa”.
Trong các bài phát biểu và sự kiện riêng, ông Trump cũng vẫn thường nhắc lại chi tiết ngày hôm đó. Ông tin rằng chính biểu đồ về tình trạng nhập cư từ nhiệm kỳ đầu tiên đã cứu mạng ông - vì khiến ông xoay đầu đúng thời khắc quan trọng.
“Biểu đồ đó có thể đã cứu mạng tôi”, ông Trump nói trong một sự kiện. “Tôi sẽ ngủ cùng nó suốt đời!”.
Biểu đồ ấy từ đó trở thành một đạo cụ quen thuộc trong chiến dịch tranh cử, và là một phần ký ức ông luôn nhắc lại với vẻ tự hào.
“Fight! Fight! Fight!”
Sau khi viên đạn sượt qua tai, Trump ngã xuống phía sau bục phát biểu trong khi Mật vụ lập tức bao vây bảo vệ. Khi loạt đạn chấm dứt và ông được hộ tống rời khỏi sân khấu, ông Trump từ từ đứng dậy, máu chảy xuống mặt, giơ nắm đấm và hét vang: “Fight! Fight! Fight!” (Chiến đấu).
Trong những tuần tiếp theo, nhiều cố vấn chiến dịch đã tiết lộ chính ông Trump sau đó đã chia sẻ với người thân cận rằng ông muốn để lại một hình ảnh mạnh mẽ cho người ủng hộ vào thời khắc ấy. Ông không chấp nhận bị nhìn thấy như một nạn nhân yếu đuối sau vụ ám sát, theo CNN.
Hình ảnh ông Trump giơ nắm đấm và hô 3 lần khẩu hiệu "Fight" đã trở thành biểu tượng và bước ngoặt trong chiến dịch tranh cử Tổng thống lần thứu 47 của ông. Ảnh: Reuters.
Một quan chức Nhà Trắng từng tham gia chiến dịch tranh cử cho biết: vụ Butler khiến những ngày cuối cùng của chiến dịch trở nên “cá nhân hơn bao giờ hết” với ông Trump và ekip của ông.
Lịch trình của cựu tổng thống được đẩy cao độ, với mục tiêu: chứng minh ông mạnh mẽ, không nao núng và quyết tâm chiến thắng hơn bao giờ hết.
“Nếu họ định làm vậy với chúng tôi, thì chúng tôi sẽ chiến đấu gấp đôi”, quan chức này nói. “Lúc đó, mọi thứ không chỉ là bầu cử nữa”.
Tại cuộc họp báo mới đây, ông Trump thừa nhận vẫn còn di chứng từ vết thương.
“Tôi vẫn cảm thấy nhức nhối ở tai thỉnh thoảng”, ông nói và chỉ vào tai. “Nhưng biết sao được, đây là công việc nguy hiểm. Những gì tôi làm luôn tiềm ẩn hiểm nguy.”
Trong tuyên bố đưa ra tối 13/7 từ Nhà Trắng, ông Trump khẳng định: “Tôi luôn tin rằng chỉ có Chúa đã cứu tôi ngày hôm đó vì một sứ mệnh thiêng liêng: khôi phục Cộng hòa thân yêu của chúng ta và giải cứu đất nước khỏi những kẻ muốn hủy diệt nó”.
"Nếu ông ấy trở lại được, tôi cũng vậy"
Nhà báo Alayna Treene của CNN kể lại, vào ngày 13/7/2024, cô đã phỏng vấn nhiều người dự buổi mít tinh, những người cũng được sơ tán như chính cô sau vụ nổ súng.
Không khí hỗn loạn, xúc động và đầy lo sợ. Một số người giận dữ, cho rằng truyền thông và đảng Dân chủ đã thổi bùng thù hận nhắm vào ông Trump. Số khác thì buồn bã vì nước Mỹ trở nên quá bạo lực.
“Buồn thật sự. Buồn vì nước Mỹ lại đi đến mức này”, Joan Rimenschneirder nói với tôi. Bà bày tỏ lo ngại rằng những người ủng hộ MAGA giờ đây có thể trở thành mục tiêu chỉ vì mặc đồ Trump.
Nhưng rồi bà cũng nói: “Nếu ông ấy trúng đạn rồi vẫn đứng dậy hét 'fight', thì tôi cũng phải dũng cảm như ông ấy”.
Một nhân viên chiến dịch tranh cử của ông Trump chỉ tay vào những người bên dưới tìm nơi ẩn nấp vào ngày xảy ra vụ ám sát ở Butler. Ảnh: CNN.
Cảm xúc đó được nhiều người chia sẻ. Dù hoang mang, người ủng hộ ông Trump càng thêm quyết tâm sát cánh bên ông.
Vài tháng sau, ông Trump trở lại Butler để phát biểu bài diễn văn dang dở năm trước. Với ông, đây là lời hứa cần hoàn thành.
“Hôm đó, khi bị bắn, tôi đã nói: ‘Chúng tôi sẽ quay lại. Chúng tôi sẽ trở lại.’ Và giờ tôi đang thực hiện lời hứa ấy”, ông Trump nói trong cuộc phỏng vấn với NewsNation. “Thực sự, đó là một nghĩa vụ”.
Và nhiều người từng đứng ở cánh đồng ấy hôm 13/7 cũng quay lại, ký giả Treene cho biết. Khi phỏng vấn lại họ, tất cả đều nói họ không sợ quay lại hiện trường cũ. Thay vào đó, họ coi đây là cơ hội để thể hiện lòng trung thành thêm một lần nữa.
“Nếu ông ấy có thể trở lại, thì tôi cũng có thể quay lại để ủng hộ ông ấy”, Teresa Boyd, người từng dự cả hai cuộc mít tinh ở Butler, chia sẻ.
Một năm sau vụ ám sát hụt, Thư ký báo chí Nhà Trắng Karoline Leavitt lặp lại nhận định vụ việc là một “phép màu chỉ lệch một milimet”.
“Một năm trôi qua, Tổng thống Trump vẫn vững vàng hơn bao giờ hết và vẫn tiếp tục chiến đấu vì người dân Mỹ”, bà nói trên Fox News.
Phương Linh
Ảnh: Reuters