Trong cả chục tập thơ của nhiều nhà thơ gửi tặng tôi để trên bàn viết, có tập thơ "Một phía" của nhà thơ Mai Quỳnh Nam. Tôi tìm đọc đầu tiên vì tập thơ rất ít chữ, kiệm lời mà nói như nữ nhà thơ Mỹ Louise Gluck đoạt giải Nobel văn chương năm 2020 thì:“Thơ phải ít chữ, kiệm lời... Thơ là phong cách của tư tưởng...”.
Tập thơ của nhà thơ Mai Quỳnh Nam.
Thực ra ông cha mình đã từng nói về vấn đề này từ lâu, thơ hay là thơ “Ý tại ngôn ngoại”; ý tưởng sâu xa ẩn sau từng con chữ, trừ những truyện thơ nổi tiếng như "Truyện Kiều" đại thi hào Nguyễn Du; hay "Lục Vân Tiên" của Nguyễn Đình Chiểu... Đó là những tác phẩm thơ tuyệt vời và có cả cốt truyện hấp dẫn như tiểu thuyết ngày nay...
Nhà thơ Mai Quỳnh Nam muốn đứng "Một phía", có thể là phía rất ít nhà thơ đang sáng tác hiện nay để viết ra những câu thơ “ít chữ, kiệm lời”.
Tôi đọc tập thơ "Một phía" và thấy nhiều câu thơ, nhiều bài thơ trong tập này được sáng tạo ra từ cách nhìn nhiều phía trong tư tưởng, cảm thức và ngôn từ: “Anh đếm nụ hoa trên cây/ Nụ hoa đếm anh từng ngày”.
Bài thơ chỉ có hai câu nhưng đã nói lên bao điều, từ cách nhìn nhận cuộc đời, chủ quan và khách quan, chủ thể và khách thể, cảm nhận cuộc đời qua cái đẹp ẩn chứa trong thiên nhiên, cỏ cây, hoa lá...
“Ánh trăng lừa gạt tôi/ Vừa sáng ngời ngời/ Vội nấp vào bóng tối/ Sự phản bội trốn chạy”.
Bài này cũng chỉ có bốn câu, mà cảm nhận được không chỉ vẻ đẹp của ánh trăng sáng còn nói lên được hai lĩnh vực đối lập là ánh sáng và bóng tối. Cảm nhận được niềm tin và sự phản bội chỉ trong giây lát... Cảm nhận được những điều tưởng như đối lập này lại nằm trong nhau ...
“Tôi đi trên con đường/ Mải miết về phía ấy/ Trong mờ mịt gió sương tôi bỗng thấy”. Ít ai viết về mùa thơ như vậy, không tả tình, tả cảnh, nhưng tình cảnh vẫn hiện ra trong “mờ mịt gió sương...” và tiếng ngỗng trời là báo hiệu mùa đông sắp đến mùa thu sắp kết thúc, mùa thu “vỡ tan”... trong tiếng ngỗng trời”!
Người xưa nói: “Một sự nhịn, chín sự lành”. Muốn an lành, phải nhường nhịn, phải hòa hợp, hòa hợp không chỉ mang lại sự an lành trong mỗi gia đình, cộng đồng, đất nước... mà sự hòa hợp còn mang đến mưa thuận, gió hòa, thiên nhiên cũng vậy... Cho nên con người nếu phá vỡ sự hài hòa của tự nhiên ắt là mang họa... Và bài thơ “Anh hòa hoãn với cơn giông” tôi thiển nghĩ mang ý tưởng sâu xa này:
“Anh hòa hoãn với cơn giông/ Để hoán đổi một chiều hè nắng đẹp/ Anh hoán đổi với chiếu bạc/ Chốn ma quỷ đại dương cơn khát/ Anh hoán đổi với sự thật/ Để buông bỏ chướng tai gai mắt/ Anh hoán đổi với chính mình/ Cầu sự an lành trong cuộc bình sinh”.
Thi sĩ Bùi Giáng sinh thời đã nói rằng: Thơ là cái gì không thể bàn tới, không thể dịch, diễn tả gì được... Muốn bàn tới thơ, diễn dịch thơ chỉ có thể làm một bài thơ khác. Người xưa am hiểu sự đó nên họ chỉ vịnh thơ chứ không bao giờ điên rồ gì mà bàn luận về thơ...
Khi đã ở tuổi tri thiên mệnh tôi mới thấy ông nói có lý!
Tôi xin trích những câu thơ mà tôi thích trong tập thơ "Một phía" của nhà thơ Mai Quỳnh Nam để bạn đọc suy ngẫm: “Tàn ngày, một cánh hoa rơi/ Một đôi chim nhạn cuối đời biệt tăm...”; “Tiệc rượu dành tặng anh/ Biến anh thành tiệc rượu”. “Con chim hót trong lồng sắt/ Chấp nhận sự thuần dưỡng/ Nó vẫn phải hót” ; “Thật ngạc nhiên/ Em từ bỏ anh/ Vào thời khắc ấy/ Chẳng có gì ngạc nhiên/ Mình yêu nhau/ Yêu nhiều đến vậy”. Các cụ xưa nay vẫn nói: "Yêu nhau lắm, cắn nhau đau" là vậy chăng?!. “Vừa xa lạ/ Em/ Khoảng rộng vô cùng/ Băng qua mọi điều anh hình dung/ Những ngôi sao rủ nhau đi ngủ/ Giờ là lúc đôi ta thành vũ trụ”; “Có những chuyện long trời lở đất/ Diễn ra trong chớp mắt/ Bằng một cái tặc lưỡi”. “Sự thấp hèn/ Đầy rẫy/ Thành quen/ Trong khi anh dằn vặt ngày đêm/ Phỉ báng/ Sự thấp hèn”.
Nhà văn Ấn Độ Frem Chândơ nói rằng: “Triết học là bậc đá bước tơíThi ca!”.Tôi luôn cho rằng thi ca từ ngàn xưa, từ cổ chí kim, từ Đông chí Tây luôn là cảm thức nói lên tư tưởng, cảm xúc của nhà thơ với muôn vàn tâm trạng trước cuộc đời... Tập thơ "Một phía" của nhà thơ Mai Quỳnh Nam được sáng tạo từ nhiều phía, tôi thiển nghĩ vậy...
Sóc Sơn 10/2024
Dương Kỳ Anh