Theo số liệu của Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương), tính đến hết tháng 11/2024, số lượng vụ việc nước ngoài điều tra phòng vệ thương mại đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam lên tới 272 vụ việc từ 25 thị trường, bao gồm 149 vụ điều tra chống bán phá giá, 30 vụ chống trợ cấp, 54 vụ việc tự vệ, 39 vụ chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại. Hiện còn hơn 100 biện pháp phòng vệ thương mại đang áp dụng với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam và vẫn tiếp tục được rà soát hàng năm.
Bên cạnh số lượng vụ việc ngày càng gia tăng, công tác điều tra phòng vệ thương mại của nước ngoài đối với hàng hóa Việt Nam có một số đặc điểm mới đáng chú ý.
Trước đó, thông tin tại Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống thương vụ Việt Nam tại thị trường nước ngoài tháng 9/2024, đại diện Cục Phòng vệ thương mại cho biết, bên cạnh số lượng vụ việc ngày càng gia tăng, công tác điều tra phòng vệ thương mại của nước ngoài đối với hàng hóa Việt Nam có một số đặc điểm mới đáng chú ý.
Thứ nhất, thị trường điều tra ngày càng mở rộng. Ngoài việc hầu hết các thị trường xuất khẩu truyền thống lớn đều đã khởi xướng điều tra hàng hóa nước ta, thì số vụ việc do các nước ASEAN tiến hành cũng tăng và một số quốc gia chưa từng điều tra hoặc ít điều tra nước ta, như Mê-xi-cô, Nam Phi, Đài Loan (Trung Quốc) cũng bắt đầu điều tra Việt Nam.
Thứ hai, phạm vi sản phẩm bị điều tra ngày càng đa dạng. Không giới hạn ở các mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn như tôm, cá tra, thép, gỗ, pin mặt trời…, mà mở rộng với những sản phẩm có giá trị và lượng xuất khẩu trung bình và nhỏ như máy cắt cỏ, mật ong, đĩa giấy, ghim dập.…
Thứ ba, xu hướng điều tra khắt khe hơn. Cơ quan điều tra nước ngoài ngày càng đưa ra yêu cầu cao trong nhiều khía cạnh đối với chính phủ, doanh nghiệp bị điều tra (thời hạn trả lời, yêu cầu bổ sung nhiều thông tin, khó xin gia hạn...). Có thể kể đến như trong vụ việc ghế bọc đệm, Cục Phòng vệ thương mại đã có thư đề nghị cơ quan điều tra Canada gia hạn thời gian trả lời. Tuy nhiên, cơ quan điều tra Canada không đồng ý. Ngoài ra, Canada cũng yêu cầu cung cấp thông tin cả những nguyên liệu sản xuất ra sản phẩm ghế sofa. Hay như Philippines, Cơ quan điều tra của nước này đề nghị hồ sơ các doanh nghiệp Việt Nam trước khi nộp sang Philippines phải được hợp pháp hóa lãnh sự từng trang.
Thứ tư, phạm vi điều tra ngày càng mở rộng: Bao gồm cả các nội dung mới như điều tra xem xét phạm vi sản phẩm, điều tra chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại.
Thứ năm, mức thuế phòng vệ thương mại có thể bị đẩy lên do vấn đề kinh tế thị trường: Do một số nước như Hoa Kỳ chưa công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường nên sử dụng chi phí của một nước thứ ba để tính giá trị thông thường trong các vụ việc chống bán phá giá.
Việt Hằng