Một số nhân tố tác động đến kết quả học tập lĩnh vực Toán học

Một số nhân tố tác động đến kết quả học tập lĩnh vực Toán học
11 giờ trướcBài gốc
Học sinh Trường THPT Thủ Thừa THPT (Long An) tham gia đánh giá.
Ba mô hình hiện được xem là phù hợp nhất với cấu trúc dữ liệu PISA gồm: Hồi quy biến ẩn (Latent Regression), Tuyến tính cấu trúc (Structural Equation) và Phân tích đa cấp (Multilevel Analysis) để tìm kiếm mô hình cấu trúc các biến gốc (từ hơn 1200 biến gốc) ảnh hưởng quan trọng đến kết quả học tập của học sinh.
Đồng thời, sử dụng các thuật toán Phân tích thành phần chính (PCA), phân tích nhân tố khám phá (EFA) và phân tích nhân tố khẳng định (CFA), để phát hiện được 11 nhân tố ảnh hưởng quan trọng nhất, được phân chia thành 4 nhóm dưới đây.
Chính sách, quy mô giáo dục
Chương trình giáo dục phổ thông do Bộ GD&ĐT ban hành và chỉ đạo triển khai, trong đó các môn Toán, Ngữ văn và Khoa học có vai trò quan trọng. Phương thức đánh giá người học, định hướng thi cử (thi học sinh giỏi, thi tốt nghiệp, thi tuyển sinh đại học) đều tập trung đo lường sự phát triển năng lực. Đây là cơ sở giúp học sinh có thể đạt được kết quả khả quan trong PISA;
Các chính sách hỗ trợ học sinh có hoàn cảnh khó khăn, vùng dân tộc thiểu số, vùng khó khăn, người khuyết tật,… là yếu tố quyết định để giảm thiểu những bất bình đẳng trong tiếp cận giáo dục và chất lượng giáo dục;
Quy mô, mạng lưới trường, lớp phủ rộng trên toàn quốc, nên tỉ lệ huy động trẻ em đến trường và tỉ lệ chuyên cần khá cao, ngay cả ở các vùng sâu, vùng dân tộc thiểu số hoặc vùng đặc biệt khó khăn.
Nền tảng văn hóa, xã hội
Điều kiện kinh tế - xã hội của gia đình là yếu tố có tác động lớn đến kết quả học tập của học sinh. Sự chênh lệch điều kiện kinh tế - xã hội dẫn đến sự khác biệt lớn trong cơ hội tiếp cận giáo dục chất lượng cao giữa các vùng miền, thậm chí giữa các học sinh trong cùng vùng miền;
Văn hóa “Tôn sư trọng đạo”, “Tiên học lễ hậu học văn”, “có công mài sắt có ngày nên kim”… của dân tộc, truyền thống hiếu học của gia đình, dòng tộc, chòm xóm,… đã thúc đẩy học sinh nỗ lực vươn lên trong học tập, nhưng cũng có thể gây áp lực lớn cho cả học sinh và gia đình.
Quản lí, tổ chức hoạt động giáo dục và môi trường giáo dục
Chương trình dạy học, kế hoạch bài giảng của giáo viên tập trung phát triển năng lực cá nhân và đổi mới đánh giá năng lực đã tạo bước tiến ban đầu. Tuy nhiên, hiệu quả thực sự còn phụ thuộc vào triển khai thực tế và những cải thiện cần thiết;
Phương pháp dạy học truyền thống (thiên về lí thuyết, trả lời câu hỏi của giáo viên, giải đủ dạng bài tập trong sách giáo khoa…) và phương thức đánh giá truyền thống (câu hỏi thi không được ngoài chương trình, sách giáo khoa, tập trung đo lường cấp độ tư duy nhận biết, thông hiểu, vận dụng kiến thức vào tình huống quen thuộc,…) giúp học sinh nắm vững kiến thức cơ bản và tư duy logic. Tuy nhiên, ảnh hưởng đến khả năng giải quyết vấn đề trong bối cảnh mới, tư duy phản biện và sáng tạo, trong khi đây là yêu cầu quan trọng của PISA;
Thời lượng học tập tại trường (gồm cả học chính khóa và học thêm) khá cao và thời gian tự học ở nhà nhiều giúp học sinh rèn luyện kiến thức nền tảng, nhưng cũng có thể gây áp lực học tập cho học sinh;
Trường học có cơ sở vật chất tốt (như phòng thí nghiệm, thư viện và thiết bị học tập hiện đại) giúp học sinh tiếp cận kiến thức phong phú, trải nghiệm thực tế đa dạng và phát triển kĩ năng thế kỷ 21. Vùng nông thôn, miền núi, vùng xa hạn chế về cơ sở vật chất, nên làm giảm chất lượng, hiệu quả dạy và học;
Nhà trường tạo dựng được môi trường học tập tích cực, nơi học sinh được khuyến khích phát biểu, đặt câu hỏi và trao đổi ý kiến, tham gia nhiều hoạt động trải nghiệm và hướng nghiệp (như sinh hoạt câu lạc bộ, Hội thi, Đố vui, thực hành, Giao lưu nhà khoa học trẻ,…) sẽ góp phần nâng cao khả năng phân tích, suy luận và trí tưởng tượng sáng tạo trong các lĩnh vực PISA;
Thái độ học tập và tình trạng
Một môi trường giáo dục khuyến khích học sinh phát triển niềm tin, động lực học tập, tính kỷ luật và quản lí lớp học hiệu quả,… sẽ cải thiện khả năng học tập. Tinh thần học tập trong nhóm bạn bè, sự hỗ trợ giữa các học sinh, mức độ quan tâm và hỗ trợ từ giáo viên,… có ảnh hưởng đến thành tích học tập của học sinh.
Tình trạng bị đúp lớp học, đi học muộn, bỏ học, phải kiếm tiền phụ giúp gia đình, không thích học, ham chơi,… gây ảnh hưởng không tốt tới thành tích học tập của học sinh.
Văn Đức
Nguồn GD&TĐ : https://giaoducthoidai.vn/mot-so-nhan-to-tac-dong-den-ket-qua-hoc-tap-linh-vuc-toan-hoc-post725963.html