Tổng thống Donald Trump đã trở thành chủ nhân của Nhà Trắng được một tháng. Ông liên tục hành động với tốc độ chóng mặt và mạnh tay để xác định lại vai trò của Mỹ trên thế giới. Đồng thời, ông trao quyền cho Elon Musk, một tỷ phú sinh ra ở Nam Phi, để sắp xếp việc sa thải hàng nghìn nhân viên liên bang và có khả năng đóng cửa toàn bộ các cơ quan do Quốc hội thành lập.
Ngay sau khi bắt đầu nhiệm kỳ thứ hai, Tổng thống Mỹ Donald Trump ký một loạt sắc lệnh và biên bản ghi nhớ để thực hiện các cam kết tranh cử và thực thi chiến lược "Nước Mỹ trên hết" của mình. Các chính sách của ông không chỉ khuấy động trong nước mà còn khiến cả thế giới phải ngỡ ngàng.
Chính quyền của Tổng thống Trump đã sa thải hàng nghìn nhân viên vẫn đang trong thời gian thử việc và mới được tuyển dụng. Một số người chỉ có chưa đầy một giờ để rời khỏi văn phòng của họ.
Những người có khả năng mất việc, bao gồm: các nhà khoa học y tế, chuyên gia cơ sở hạ tầng năng lượng, nhân viên ngoại giao, đặc vụ FBI, công tố viên, chuyên gia dữ liệu giáo dục và nông nghiệp, nhân viên cứu trợ ở nước ngoài và thậm chí cả nhân viên nhân sự.
May mắn thay, chúng tôi có một chiếc xe khác đã trả hết nợ, vì vậy chúng tôi ổn về mặt đó. Nhưng chúng tôi sẽ cho con gái lớn nhất, năm tuổi, nghỉ học ở nhà trẻ chỉ để cố gắng tiết kiệm một ít tiền.
Anh Constantine Kiriakou, 37 tuổi, nhân viên Bộ Ngoại giao Mỹ.
Ông Trump tuyên bố sẽ thay đổi hoàn toàn bộ máy chính quyền, nhưng động thái của ông có thể gây ra những tác động sâu rộng đối với hàng nghìn nhân viên liên bang trên khắp cả nước, đồng thời làm tăng tỷ lệ thất nghiệp nếu xảy ra tình trạng sa thải hàng loạt cùng một lúc.
Giữa sự biến động chính sách, dữ liệu kinh tế mới nhất có thể gây ra một số lo ngại cho Nhà Trắng. Theo Bộ Lao động, lạm phát tăng với tốc độ hàng tháng là 0,5% vào tháng 1/2025. Ông Trump từng hứa với cử tri rằng, ông có thể hạ lạm phát và thực hiện ngay sau khi nhậm chức. Thế nhưng, các chỉ số lạm phát mới nhất "tệ hơn dự kiến".
Chính quyền Mỹ cũng đang phải đối mặt với khoảng 70 vụ kiện trên toàn quốc, thách thức các sắc lệnh hành pháp và động thái cắt giảm quy mô lớn chính quyền liên bang của Tổng thống Trump.
Đánh thuế đối tác và đối thủ
Nền kinh tế thế giới vốn đang phải vật lộn với một loạt các biến số phức tạp, từ xung đột địa chính trị, sự suy giảm ở Trung Quốc cho đến biến đổi khí hậu. Các chính sách thuế mới của ông Trump ngay lập tức làm gia tăng căng thẳng thương mại và gây quan ngại về tác động tiêu cực đối với kinh tế toàn cầu. Khi bắt đầu quá trình áp đặt thuế quan "có đi, có lại" đối với các đối tác thương mại của Mỹ, ông Trump đã mở rộng phạm vi của cuộc chiến thương mại với cả đối tác và đối thủ.
Về cơ bản, lập luận cho thuế quan "có đi, có lại" rất đơn giản, bất kỳ khoản thuế nào mà các công ty Mỹ phải trả khi xuất khẩu hàng hóa của họ sang một quốc gia khác đều phải áp dụng cho hàng nhập khẩu từ chính quốc gia đó. Ông Trump từ lâu đã ủng hộ nguyên tắc này, coi đó là vấn đề công bằng đơn giản - không thể chấp nhận thực tế là nhiều đối tác thương mại của Mỹ vẫn duy trì mức thuế quan cao hơn.
Sau khi áp thuế đối với Trung Quốc và chuẩn bị áp thuế nhập khẩu đối với Canada và Mexico, ông Trump đe dọa sẽ đưa ra mức thuế mới trong những tuần và tháng tới để tương xứng với mức thuế của các quốc gia khác.
Ông Trump có kế hoạch áp dụng thuế quan bổ sung riêng đối với ô tô, chip máy tính và dược phẩm, ngoài mức thuế 25% đối với thép và nhôm mà ông đã công bố.
Ông Trump cũng ký sắc lệnh chỉ đạo các cơ quan nghiên cứu cách áp dụng thuế quan qua lại. Điều đó có nguy cơ tăng chi phí cho người tiêu dùng Mỹ, nhất là vào thời điểm lo ngại sâu sắc về lạm phát, thách thức cam kết mà chính Tổng thống Trump đưa ra khi tranh cử, đó là hạ giá hàng tạp hóa và các mặt hàng phục vụ đời sống hàng ngày. Điều này làm tăng khả năng Cục Dự trữ Liên bang trì hoãn việc hạ lãi suất cho vay hơn nữa.
Chúng ta là một quốc gia rất lớn mà không thực sự tuân thủ luật lệ. Và trong mọi trường hợp, Fed không có nhiệm vụ đưa ra hoặc bình luận về chính sách thuế quan. Đó là việc của những người được bầu. Nhiệm vụ của chúng tôi là cố gắng phản ứng với nó theo cách chu đáo, hợp lý và đưa ra chính sách tiền tệ để có thể đạt được nhiệm vụ của mình.
Ông Jerome Powell - Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang.
Những sắc lệnh mới cũng khiến hệ thống thương mại thế giới suy yếu nhanh hơn, vốn từ lâu tập trung vào các khối đa phương và tranh chấp phải được đưa ra giải quyết tại Tổ chức Thương mại Thế giới. Ông Trump đang hướng tới mục tiêu thúc đẩy một giai đoạn mới, trong đó các hiệp ước nhường chỗ cho các cuộc đàm phán giữa các quốc gia.
Mỹ thay đổi lập trường với Nga
Hiếm có sự thay đổi chính sách nào của Washington với Moscow lại nhanh chóng và quyết liệt như diễn biến mấy ngày qua. Trong đó có cuộc điện đàm của Tổng thống Trump với Tổng thống Putin - đột ngột chấm dứt nỗ lực cô lập Nga về vấn đề Ukraine, kéo dài ba năm qua, do Mỹ dẫn đầu.
Khi nói rằng, việc kết nạp Ukraine vào NATO là "không thực tế" và việc trả lại các vùng lãnh thổ do Nga kiểm soát cho Kiev là "ảo tưởng", Tổng thống Donald Trump đang đồng quan điểm khá nhiều với Tổng thống Vladimir Putin - thậm chí trước khi có khả năng giải quyết xung đột.
Cuộc chiến ở Ukraine không phải là vấn đề duy nhất mà hai nhà lãnh đạo này cùng thảo luận. Họ đã nói về giải pháp cho Trung Đông, vai trò của đồng đô la, thị trường năng lượng toàn cầu và thậm chí cả trí tuệ nhân tạo.
Mọi người thực sự không biết Tổng thống Putin nghĩ gì. Nhưng tôi có thể tự tin nói rằng, ông ấy cũng muốn thấy chiến tranh kết thúc. Điều đó thật tốt. Và chúng tôi sẽ nỗ lực để kết thúc nó càng nhanh càng tốt.
Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Có thể hiểu rằng, Nga và Mỹ ngồi lại để thảo luận về các vấn đề toàn cầu, trong khi phần còn lại của thế giới đứng ngoài cuộc. Những gì lãnh đạo hai nước thống nhất tại cuộc điện đàm đã nhanh chóng thành hiện thực bước đầu. Nga và Mỹ đã có những bước đi đầu tiên, hướng tới bình thường hóa quan hệ sau nhiều năm bế tắc dưới thời chính quyền Tổng thống Joe Biden.
Ngày 18/2, lần đầu tiên sau nhiều năm, các nhà ngoại giao cấp cao từ Mỹ và Liên bang Nga đã gặp nhau tại Thủ đô Riyadh của Ả Rập Xê Út để thảo luận về việc khôi phục quan hệ và đàm phán chấm dứt chiến tranh ở Ukraine. Hai bên đã đồng ý bốn nguyên tắc chính cho hợp tác song phương và các cuộc đàm phán tương lai về Ukraine. Kết quả cuộc gặp cấp cao này được xem là bước tiến lớn trong việc cải thiện quan hệ giữa hai cường quốc thù địch.
Theo thỏa thuận đạt được, Moscow và Washington đã cam kết bổ nhiệm đại sứ tại quốc gia bên kia càng sớm, càng tốt và xóa bỏ "những rào cản nhân tạo" mà chính quyền ông Biden đã dựng lên để "làm phức tạp nghiêm trọng" công việc của các phái bộ ngoại giao Nga. Washington cũng thông báo rằng, Nga và Mỹ đã nhất trí bổ nhiệm các nhóm cấp cao để tìm cách giải quyết xung đột Ukraine, đảm bảo một nền hòa bình bền vững được tất cả các bên chấp nhận.
Chính sách đối ngoại dân tộc chủ nghĩa và thực dụng
Việc Mỹ rút khỏi các tổ chức và thỏa thuận quốc tế lớn gồm Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc (UNHRC) và Thỏa thuận Khí hậu Paris phản ánh sự thay đổi lớn hơn theo hướng chính sách đối ngoại dân tộc chủ nghĩa và thực dụng của Tổng thống Trump. Cách tiếp cận này ưu tiên chủ quyền và lợi ích kinh tế của Mỹ, hơn là hợp tác đa phương. Sự thay đổi này có ảnh hưởng sâu sắc đến quản trị toàn cầu, sự ổn định quốc tế và sự cân bằng quyền lực giữa các tác nhân địa chính trị lớn.
Việc Mỹ rút lui khỏi các tổ chức quốc tế thể hiện tầm nhìn bao quát của ông Trump về "Nước Mỹ trên hết", nhằm giảm thiểu các cam kết của Mỹ đối với các tổ chức quốc tế mà Mỹ coi là không hiệu quả hoặc thiên vị. Quan điểm này bắt nguồn từ cách tiếp cận thực tế, ưu tiên lợi ích quốc gia hơn là sự tham gia hợp tác toàn cầu.
Quyết định rút khỏi UNHRC, lần đầu tiên vào năm 2018 và một lần nữa vào năm 2025, được biện minh bằng tuyên bố rằng, hội đồng này có thành kiến chống lại Israel và kết nạp cả những nước vi phạm nhân quyền. Việc rút lui này vì muốn bảo vệ Mỹ và Israel - một đồng minh quan trọng.
Tương tự như vậy, Mỹ đã rút khỏi Thỏa thuận Khí hậu Paris vào năm 2017, tái gia nhập dưới thời chính quyền Biden và lại rút lui vào năm 2025. Ông Trump lập luận rằng, thỏa thuận này gây gánh nặng không cân xứng cho các ngành công nghiệp của Mỹ, đặc biệt là than, dầu và sản xuất, trong khi cho phép Trung Quốc và Ấn Độ linh hoạt hơn. Chính quyền ưu tiên tăng trưởng kinh tế hơn các cam kết về môi trường, khẳng định rằng các quy định nghiêm ngặt về khí thải sẽ làm suy yếu các doanh nghiệp và việc tạo việc làm của Mỹ.
Việc Mỹ rút lui khỏi các thể chế này làm suy yếu quản trị toàn cầu, làm giảm sự phối hợp trong chính sách y tế, nhân quyền và khí hậu. Tuy nhiên, điều này cũng tạo cơ hội cho các bên khác khẳng định vai trò lãnh đạo.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) lấy làm tiếc về thông báo rằng, Mỹ có ý định rút khỏi tổ chức này. WHO đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ sức khỏe và an ninh của người dân thế giới, bao gồm cả người Mỹ, bằng cách giải quyết các nguyên nhân gốc rễ của bệnh tật, xây dựng hệ thống y tế mạnh hơn và phát hiện, ngăn ngừa và ứng phó với các trường hợp khẩn cấp về sức khỏe, bao gồm cả các đợt bùng phát dịch bệnh và thường ở những nơi nguy hiểm mà những người khác không thể đến được.
Người phát ngôn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Tarik Jasarevic.
Với việc Mỹ rút lui, Trung Quốc đã mở rộng vai trò của mình trong WHO và UNHRC, trở thành người đi đầu về quản trị toàn cầu. Liên minh châu Âu đã đảm nhận vai trò tiên phong trong chính sách khí hậu, tăng cường các cam kết phát thải khi không có sự tham gia của Mỹ.
Mỹ hướng đến mục tiêu mở rộng lãnh thổ với việc gọi Canada là tiểu bang thứ 51, Panama là tiểu bang thứ 52 và Greenland là tiểu bang thứ 53. Ông Donald Trump gọi Panama là vấn đề an ninh kinh tế, vì sự hiện diện của Trung Quốc ở nơi chỉ cách lãnh thổ của Mỹ một bước chân.
Nói về bối cảnh lịch sử của Canada, ông Donald Trump cho biết, nước này sẽ thuộc về Mỹ mà không cần bất kỳ sự can thiệp quân sự nào. Trong tuyên bố gần đây của mình, ông Donald Trump khẳng định, sức mạnh kinh tế của Mỹ sẽ cho phép họ sáp nhập các vùng lãnh thổ nói trên theo quy chế mới của các tiểu bang.
Greenland là một hòn đảo lớn, được biết đến là thuộc địa của Đan Mạch trong nhiều thế kỷ, nhưng ngày nay, hòn đảo này đang có nguy cơ chịu sự kiểm soát của Mỹ sau những phát biểu đáng lo ngại của ông Trump.
Về mặt địa lý, Greenland nằm trên tuyến đường ngắn nhất từ Bắc Mỹ đến châu Âu, khiến nơi này trở nên quan trọng về mặt chiến lược đối với Mỹ.
Vương quốc Đan Mạch tuyên bố rõ ràng, điều đó cũng nhận được sự ủng hộ to lớn từ các đối tác châu Âu và Liên minh châu Âu, rằng mọi người phải tôn trọng chủ quyền của tất cả các quốc gia trên thế giới và Greenland ngày nay là một phần của Vương quốc Đan Mạch, là một phần lãnh thổ của chúng tôi, không phải để bán. Lãnh đạo của Greenland đã rất rõ ràng rằng, họ không phải để bán.
Bà Mette Frederiksen - Thủ tướng Đan Mạch.
Theo tân Tổng thống Mỹ, an ninh quốc gia không thể bị xâm phạm trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Ví dụ, nếu Panama hợp tác với Mỹ ở cấp độ cao trong mọi lĩnh vực, điều này không đảm bảo rằng họ là một đồng minh hoàn toàn đáng tin cậy.
Ông Trump đã đưa ra những tuyên bố gây tranh cãi về Gaza, chủ yếu xoay quanh ý tưởng: Mỹ nên kiểm soát lãnh thổ này, di dời người dân và "tái phát triển" nó. Đề xuất di dời dân số Gaza của ông Trump vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ cộng đồng quốc tế. Theo luật pháp quốc tế, việc di dời cưỡng bức dân thường là một tội ác chiến tranh.
Ông Donald Trump đã làm tổng thống được một tháng. Người dân Mỹ ở mọi phe phái dường như đều đồng ý về một điều: một tháng đó thật khác thường. Có thể thấy rõ ràng là ông đang tập trung vào việc thực hiện chương trình nghị sự như đã hứa - “Nước Mỹ trên hết”.
Ông trục xuất người nhập cư và ban hành nhiều sắc lệnh hành pháp. Tất cả những điều đó, có vẻ như chỉ mới bắt đầu. Với tính cách mạnh mẽ, quyết liệt, khó đoán của ông Trump, chắc chắn thế giới còn chờ đợi nhiều điều bất ngờ ở phía trước. Các nước, kể cả đối tác hay đối thủ, sẽ đều phải chuẩn bị nhiều phương án đối phó hơn với những chính sách khó lường của ông Donald Trump.
Hiền Thảo
Nguồn Hà Nội TV : https://hanoionline.vn/video/mot-thang-khuay-dong-the-gioi-cua-tong-thong-trump-304290.htm