Một thời chinh chiến, một đời dựng xây

Một thời chinh chiến, một đời dựng xây
14 giờ trướcBài gốc
Vườn chè của gia đình ông Hồng được trồng theo quy trình hữu cơ BFV.
Từ lá đơn “khai man” tuổi...
Nhâm nhi chén trà xanh thơm, sản phẩm OCOP 4 sao của HTX Sản xuất và Chế biến chè Phú Thịnh, cũng là sản phẩm duy nhất mà chỉ có nhà trồng được, ông Nguyễn Hữu Hồng, Giám đốc HTX Sản xuất chế biến chè Phú Thịnh bồi hồi nhớ lại thời điểm mình giấu gia đình viết đơn tình nguyện lên đường đánh giặc: “Những năm đầu thập kỷ 70 của thế kỷ trước, nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, thanh niên trong làng tôi nô nức lên đường đi đánh giặc. Nhìn các anh hùng dũng lên đường ra trận, tôi cũng háo hức lắm nhưng do chưa đủ tuổi nên đành phải chờ đợi những đợt sau”. Dừng lại nhấp ngụm trà, hồi tưởng quá khứ, ông Hồng hồ hởi kể: Đầu năm 1972, tôi mới hơn 16 tuổi, sức trẻ tràn đầy, tôi quyết tâm giấu gia đình viết đơn, khai tăng 2 tuổi để được ra trận đánh Mỹ. Ngày nhận được đơn, tôi sợ mẹ buồn không dám nói, định cứ giấu gia đình mà đi nhưng rồi mẹ tôi cũng biết, mẹ ôm tôi, bà nói, con đã quyết lên đường bảo vệ Tổ quốc thì phải cố gắng đến hơi thở cuối cùng, không được đào ngũ.
HTX Sản xuất và Chế biến chè Phú Thịnh đầu tư đầy đủ trang thiết bị sản xuất chè đảm bảo chất lượng.
Sau 6 tháng huấn luyện tại Thái Nguyên, tháng 7/1973, chàng thanh niên Nguyễn Hữu Hồng được điều động vào mặt trận Bình Trị Thiên Huế, đơn vị C3D1, Tiểu đoàn 15N, Trung đoàn 4, Quân khu Trị Thiên Huế làm nhiệm vụ dò gỡ mìn. Sau khi giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, đơn vị tiếp tục ở lại dò gỡ mìn, xây dựng đập Trắm khu vực Tích Tường xã Như Lệ, thị xã Quảng Trị lúc bấy giờ. Năm 1978, ông được tăng cường đi học lớp Trung sĩ ở Bình Định, đến tháng 2/1979, ông được phong làm Đại đội trưởng C3V1E4F337 Quân khu I, sau đó ra Bắc bảo vệ biên giới phía Bắc, đóng quân ở Lạng Sơn bảo vệ khu vực Đồng Đăng thuộc Tiểu đoàn 1E4F337, Quân khu I. Năm 1984, trong một trận đánh, ông bị thương vào đầu và cánh tay, vết thương thấu vào phổi được chuyển về bệnh viện 110 điều trị ở Bắc Ninh, sau khi bình phục quay về đơn vị, đến tháng 10/1988 xuất ngũ về địa phương, hưởng chế độ thương binh 2/4.
Vỗ vỗ vào bả vai phải, ông Hồng cho biết: Hơn 40 năm rồi nhưng mỗi khi trái gió trở trời, cánh tay này của tôi lại đau nhức nhối. Hiện giờ vẫn còn một mảnh bom nằm trong xương trụ trục tay phải khiến tay phải của tôi không giơ thẳng được. Tuy nhiên, tôi luôn tâm niệm lời dạy của Bác “thương binh tàn nhưng không phế”, cố gắng tham gia phát triển kinh tế gia đình, góp phần xây dựng quê hương phát triển.
Đến tạo dựng thương hiệu chè Phú Thịnh
Các sản phẩm chè của HTX được công nhận OCOP 3 sao, 4 sao.
Xuất ngũ trở về quê hương, ông Hồng quyết tâm lấy cây chè làm cây phát triển kinh tế gia đình. Ông tâm sự: “Làng tôi vùng trung du nghèo, chỉ có cây chè là phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu nhưng do người dân nơi đây thiếu kinh nghiệm chăm sóc, lựa chọn giống nên hiệu quả của cây chè chưa cao”.
Với quyết tâm làm giàu từ cây chè, ông Hồng tích cực tham gia các lớp tập huấn rồi lặn lội sang vùng chè Tân Cương,Thái Nguyên để học hỏi kinh nghiệm trồng, chế biến và phát triển mô hình sản xuất chế biến chè. Từ 1ha trồng chè của gia đình, dần dần ông mở rộng diện tích lên 3 ha. Ông Hồng thông tin thêm: Với mong muốn xây dựng một thương hiệu chè có uy tín, phát triển ổn định mang lại hiệu quả kinh tế cao, tôi cùng một số thành viên có tâm huyết trong làng nghề đã xin thành lập HTX Sản xuất chế biến chè Phú Thịnh. Ngày 20/8/2016, HTX được thành lập có 14 thành viên, tôi làm giám đốc từ đó đến nay.
Việc đóng gói chè đảm bảo đúng quy trình, giữ được hương vị.
Từ những ngày đầu mới thành lập còn nhiều khó khăn, đến nay, HTX Sản xuất và Chế biến chè Phú Thịnh đã có 4 sản phẩm OCOP, trong đó có 1 sản phẩm 4 sao là chè xanh thơm, 3 sản phẩm 3 sao là: chè xanh Phú Hộ, chè xanh đặc sản Phú Hộ, chè xanh hảo hạng Phú Hộ. HTX trồng chè sạch theo quy trình hữu cơ, các sản phẩm chè mang lại hiệu quả kinh tế cao. Hiện HTX quản lý hơn 25 ha diện tích trồng chè, mỗi năm sản xuất được 50 tấn chè khô cung ứng ra thị trường trong nước. Ngoài ra, HTX còn sản xuất cành hom giống, trung bình mỗi năm xuất bán 40 tấn. Trừ chi phí, mỗi năm HTX thu về 1,8 tỷ đồng.
Từ một thanh niên “khai man” tuổi để được đi bộ đội đánh giặc, trở về đời thường với vết thương trên cánh tay, thương binh Nguyễn Hữu Hồng đã phát huy phẩm chất của người lính bộ đội Cụ Hồ, nỗ lực trong cuộc sống để chứng minh một điều “thương binh tàn nhưng không phế”.
Lê Thương
Nguồn Phú Thọ : https://baophutho.vn/mot-thoi-chinh-chien-mot-doi-dung-xay-236587.htm