Người hút thuốc có khả năng cao mắc bệnh COPD. Ảnh: Pexels.
Theo bác sĩ Đinh Thị Thắm, khoa Nội thận - Tiết niệu - Hô hấp, Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí (Quảng Ninh), nguyên nhân hàng đầu gây ra COPD hiện nay là thuốc lá. Tỷ lệ người hút thuốc lá có nguy cơ mắc bệnh cao hơn gấp 10 lần so với những người không hút thuốc.
Bác sĩ Thắm phân tích khi khói thuốc xâm nhập vào cơ thể qua đường miệng, nó đã bỏ qua "hàng rào" bảo vệ đầu tiên là quá trình lọc ở mũi. Ở những người hút thuốc, cơ thể thường bài tiết nhiều đờm hơn, nhưng khả năng tống đờm ra khỏi đường hô hấp lại suy giảm đáng kể.
Khói thuốc còn gây ra những thay đổi cấu trúc ở các tuyến tiết nhầy và thành phần của chất nhầy, đôi khi gây tắc nghẽn, làm giảm khả năng bài tiết đờm. Hậu quả là chất nhầy bị nhiễm độc và tích tụ nhiều trong phổi, cản trở quá trình lưu thông và trao đổi khí.
"Lá phổi của người hút thuốc bị giảm diện tích bề mặt và giảm số lượng mao mạch, làm cho dòng máu lưu thông qua phổi bị suy giảm, dẫn đến việc cung cấp chất dinh dưỡng và oxy cần thiết cho nhu mô phổi và các tổ chức khác trong cơ thể cũng bị ảnh hưởng", bác sĩ Thắm cho biết.
Ngoài ra, khói thuốc còn gây ra hiện tượng tăng tính phản ứng của đường thở, dẫn đến co thắt. Ở trẻ nhỏ và thanh thiếu niên, khói thuốc làm chậm sự phát triển của phổi và gây viêm tổ chức phổi, biểu hiện bằng tốc độ tăng trưởng chức năng hô hấp (FEV1) chậm lại.
Đáng lo ngại, các bệnh lý do hút thuốc có thể xuất hiện sớm ở độ tuổi 20-30. Nếu tiếp tục hút thuốc sau tuổi 30, tốc độ suy giảm chức năng phổi sẽ tăng gấp đôi so với người không hút thuốc. Đặc biệt, những người bắt đầu hút thuốc ở tuổi càng trẻ thì thời gian phát triển các bệnh liên quan đến đường hô hấp càng ngắn.
Nguyễn Thuận