Sản phẩm sữa giả ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng nhất là nhóm người cao tuổi, trẻ nhỏ và phụ nữ mang thai.
Tiềm ẩn nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe
Sau khi biết thông tin loại sữa con mình đã uống suốt 4 năm qua là sữa giả, chị Nguyễn Thanh Hòa (quận Ba Đình, Hà Nội) chết lặng. Chị chia sẻ: Thấy con có cân nặng kém các bạn cùng trang lứa, sợ con ăn dặm không đủ chất nên tôi cho con uống thêm sữa công thức được quảng cáo giúp tăng cường chiều cao, bổ sung nhiều chất dinh dưỡng, tốt cho hệ tiêu hóa. Giá sữa cũng không rẻ nhưng tôi luôn cố gắng dành cho con những gì tốt nhất. Giờ tôi rất lo lắng không biết với số lượng sữa giả uống trong thời gian dài như vậy sẽ ảnh hưởng ra sao đến sức khỏe của con?”.
Đây cũng là băn khoăn của đông đảo người tiêu dùng tại thời điểm này bởi không chỉ riêng đối tượng trẻ em, phụ nữ có thai mà người cao tuổi có nhiều bệnh nền cũng sử dụng rất nhiều sản phẩm này.
Đặc biệt, với bệnh nhân tiểu đường, ung thư hoặc người mắc bệnh mạn tính, sữa chuyên biệt đóng vai trò quan trọng trong phác đồ dinh dưỡng. Trong đó, không ít bệnh nhân trong quá trình điều trị, việc ăn uống gặp nhiều khó khăn, nguồn dinh dưỡng thiết yếu chủ yếu trông vào các loại sữa. Lo ngại về tác hại của các loại sữa giả, thành phần có chứa những chất độc hại hay không đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến tâm lý của nhiều người bệnh.
PGS.TS Trương Tuyết Mai, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết: "Sữa giả không đảm bảo các vi chất dinh dưỡng, các chất protein, lipid, glucid... khi dùng lâu dài ở phụ nữ mang thai, trẻ nhỏ sẽ dẫn đến thiếu hụt chất dinh dưỡng, không đảm bảo tăng trưởng của bào thai cũng như trẻ đang phát triển. Với những người mắc bệnh lý, người có sức khỏe không tốt nếu uống phải sữa giả không đúng với các thành phần như công bố thì triệu chứng bệnh có nguy cơ nặng lên”.
Chuyên gia dinh dưỡng dẫn chứng, với sữa giả không kiểm soát được các loại đường dễ khiến đường huyết bệnh nhân đái tháo đường tăng lên; bệnh nhân suy thận sử dụng sữa giả có lượng protein cao dẫn đến gánh nặng cho thận, ảnh hưởng trầm trọng thêm bệnh tật, gây ra các biến chứng nguy hiểm khác.
Cảnh giác với các loại sữa quảng cáo “nổ” công dụng
Ngoài nạn sữa giả, người dân cũng cần cảnh giác với các loại sữa được người nổi tiếng, KOLs quảng cáo "thổi phồng" công dụng như sữa giúp giảm đau xương khớp, chữa bệnh tiểu đường, tăng chiều cao vượt trội chỉ sau vài tháng... Trong đó, một số người nổi tiếng cũng sử dụng chính con mình để quảng cáo cho các loại sữa có tác dụng tăng chiều cao.
Một loại sữa hạt khác thì liên tục được chạy quảng cáo trên các nền tảng TikTok với hình ảnh nhiều nghệ sĩ chia sẻ: “Đau nhức xương khớp, thử nhiều phương pháp và tốn nhiều tiền nhưng không hết, mọi người nên sử dụng sữa hạt này sẽ đỡ hẳn tê bì chân tay, nhức mỏi xương khớp”...
Bộ Y tế đã nhiều lần cảnh báo “nóng” và đưa ra khuyến cáo về các quảng cáo “nổ” công dụng của các loại sữa, thực phẩm bảo vệ sức khỏe. Song, việc quản lý các video quảng cáo trên mạng xã hội như YouTube, TikTok... còn gặp nhiều khó khăn.
Theo quy định của Bộ Y tế, sữa cũng như các thực phẩm chức năng hay thực phẩm bảo vệ sức khỏe chỉ có tác dụng hỗ trợ, bổ sung dinh dưỡng, không có khả năng chữa bệnh. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp đã lợi dụng tâm lý mong muốn khỏi bệnh nhanh của người tiêu dùng để quảng cáo sai sự thật, thậm chí sử dụng người nổi tiếng nhằm tạo dựng lòng tin.
Việc sử dụng sữa giả không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe cá nhân mà còn là gánh nặng cho toàn xã hội. Theo các chuyên gia y tế, hậu quả lâu dài của việc này là tăng tỉ lệ trẻ suy dinh dưỡng, gia tăng bệnh mạn tính, giảm tuổi thọ... Do đó, người tiêu dùng cần cẩn trọng trong việc chọn mua và sử dụng các loại sữa cho nhiều đối tượng khác nhau.
TS.BS Phan Bích Nga, khoa Khám tư vấn dinh dưỡng trẻ em, Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết: “Người tiêu dùng nên chọn sữa từ các thương hiệu uy tín, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và đã được kiểm chứng về chất lượng; tránh mua sữa xách tay không rõ nguồn gốc. Trước khi dùng sản phẩm nên tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng. Đây là yếu tố quan trọng nhất bởi bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng sẽ dựa trên tình trạng sức khỏe và nhu cầu dinh dưỡng cụ thể của mọi người để đưa ra lời khuyên tốt nhất về loại sữa và liều lượng phù hợp. Ngoài ra, cũng cần lưu ý thêm là sữa chỉ là một phần bổ sung dinh dưỡng, không thể thay thế hoàn toàn chế độ ăn uống hằng ngày”.
Bảo Ngọc