Một thói quen phổ biến khiến miễn dịch suy yếu

Một thói quen phổ biến khiến miễn dịch suy yếu
9 giờ trướcBài gốc
Thức khuya, ngủ không đủ giấc đều có thể khiến hệ miễn dịch suy yếu. Ảnh: Pexels.
Ngủ không chỉ giúp cơ thể hồi phục sau một ngày làm việc mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ sức khỏe, đặc biệt là sức mạnh của hệ miễn dịch. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng những người không ngủ đủ hoặc có giấc ngủ kém chất lượng dễ bị bệnh hơn, nhất là khi tiếp xúc với virus như cúm hay cảm lạnh thông thường.
Tiến sĩ Diwakar Balachandran, Giám đốc Trung tâm Giấc ngủ tại Trung tâm Ung thư M.D. Anderson (Mỹ), khẳng định với Medical News Today: "Có một câu nói dân gian rằng nếu bạn không ngủ đủ, bạn sẽ dễ bị ốm. Thực tế, đã có bằng chứng khoa học chứng minh điều này là đúng".
Khi ngủ, cơ thể không chỉ nghỉ ngơi mà còn kích hoạt hệ miễn dịch hoạt động tích cực. Lúc này, cơ thể sản sinh ra các protein đặc biệt gọi là cytokine. Một số loại cytokine đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm soát tình trạng viêm và hỗ trợ chống lại nhiễm trùng. Trong những lúc căng thẳng, bị viêm hay nhiễm virus, cơ thể cần nhiều cytokine hơn để ứng phó.
Tuy nhiên, nếu bạn không ngủ đủ, quá trình sản xuất cytokine sẽ bị gián đoạn. Bên cạnh đó, số lượng tế bào miễn dịch cũng giảm, khiến cơ thể yếu đi và dễ bị tấn công bởi các tác nhân gây bệnh.
Mối liên hệ giữa giấc ngủ và hệ miễn dịch cũng rất phức tạp. Hệ miễn dịch gồm nhiều loại tế bào và phân tử phối hợp với nhau để bảo vệ cơ thể. Khi thiếu ngủ, sự phối hợp này bị rối loạn. Cơ thể có thể sản sinh nhiều cytokine gây viêm hơn mức cần thiết, trong khi các tế bào bảo vệ lại bị suy giảm. Kết quả là khả năng chống đỡ trước các bệnh truyền nhiễm, như cảm cúm hay sốt, trở nên kém hiệu quả hơn.
Một điểm ít ai chú ý là giấc ngủ còn giúp cơ thể phản ứng hiệu quả hơn với sốt. Khi mất ngủ kéo dài, khả năng tự hạ sốt của cơ thể cũng bị suy giảm, làm chậm quá trình hồi phục.
Không dừng lại ở đó, theo Healthline, thiếu ngủ kéo dài còn liên quan đến nguy cơ mắc các bệnh mạn tính như béo phì, tiểu đường, cao huyết áp, trầm cảm, đột quỵ và bệnh tim mạch. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) ước tính có khoảng 50-70 triệu người trưởng thành ở nước này đang đối mặt với các vấn đề liên quan đến giấc ngủ.
Vậy ngủ bao nhiêu là đủ? Đối với người trưởng thành, thời lượng ngủ lý tưởng là từ 7 đến 9 giờ mỗi đêm. Ngủ quá ít khiến cơ thể mệt mỏi, còn ngủ quá nhiều (trên 9 hoặc 10 giờ) đôi khi lại làm giấc ngủ kém chất lượng hơn.
Dù cuộc sống bận rộn đến đâu, việc duy trì thói quen ngủ đủ và đúng giờ là điều cần thiết. Hãy cố gắng tạo không gian phòng ngủ thoải mái, hạn chế ánh sáng xanh từ thiết bị điện tử trước khi ngủ. Và nếu bạn gặp khó khăn kéo dài trong việc ngủ, đừng ngần ngại tìm đến bác sĩ để được hỗ trợ kịp thời.
Kỳ Duyên
Nguồn Znews : https://lifestyle.znews.vn/mot-thoi-quen-pho-bien-khien-mien-dich-suy-yeu-post1550467.html