Một thuyền trưởng từng công tác ở vịnh Hạ Long chia sẻ góc nhìn vụ lật tàu Vịnh Xanh

Một thuyền trưởng từng công tác ở vịnh Hạ Long chia sẻ góc nhìn vụ lật tàu Vịnh Xanh
11 giờ trướcBài gốc
“Vụ lật tàu Wonder Sea (tên khác là Vịnh Xanh) ở vịnh Hạ Long là sự việc rất đáng tiếc…”. Ông Đinh Thế Nam, người có nhiều năm làm thuyền trưởng và từng công tác ở Cảnh sát biển Việt Nam, chia sẻ với PLO.VN sau vụ lật tàu ở Vịnh Hạ Long.
Tàu đáy bằng có nhiều hạn chế khi gặp sóng lớn, gió mạnh
. Phóng viên: Ôngnhìn nhận như thế nào về sự việc vừa xảy ra?
+ Ông Đinh Thế Nam: Nếu ai đến Hạ Long, từng đứng từ cầu cảng Tuần Châu hay Bãi Cháy dễ dàng nhìn thấy hàng trăm con tàu du lịch rập rờn trên sóng nước. Hầu hết các tàu có điểm chung là nhiều tầng, thiết kế cao, thân bè, tạo dáng vẻ sang trọng, tiện nghi.
Phần lớn tàu du lịch trên Vịnh Hạ Long hiện nay đều được sửa chữa để có ít nhất 2-3 tầng, chiều cao từ mạn khô (khoảng cách giữa mặt nước và mạn tàu) đến nóc cột buồm thường rất cao, khoảng 5-9 m, nhằm tăng sức chứa hành khách, trong khi đó mớn nước (độ sâu trong nước) của tàu thường rất nhỏ, chỉ khoảng trên 1,2 - 2,5 m.
Điều này vô tình lại làm tăng trọng tâm của tàu (GM - metacentric height). Khi trọng tâm quá cao so với mực nước và khối lượng phân bố không đều (hành khách dồn lên boong, cabin đầy người) thì sự ổn định của tàu giảm đi rất nhiều, rất dễ mất cân bằng ngang khi có ngoại lực tác động như sóng ngang, gió mạnh hay va chạm.
Anh Đinh Thế Nam từng nhiều năm làm thuyền trưởng.
Trong điều kiện bình thường, tàu vẫn ổn định. Nhưng chỉ cần có gió giật từ cấp 7-8 trở lên, cộng với luồng gió quét ngang thân tàu có diện tích lớn thì chỉ trong vài chục giây, lực lật sinh ra có thể vượt ngưỡng phục hồi và làm tàu nghiêng không trở lại được.
Ngoài ra, hiện rất nhiều tàu du lịch sử dụng thiết kế đáy bằng. Theo như video người dân ghi lại, tàu vừa gặp sự cố cũng là đáy bằng. Tàu dạng này quay trở linh hoạt hơn nhưng tính ổn định không cao.
Thêm vào đó, thiết kế đáy bằng giúp tàu dễ neo đậu tại bến, tăng diện tích sử dụng và ổn định khi nằm yên, hay di chuyển trong điều kiện sóng gió nhỏ. Nhưng khi di chuyển trong điều kiện có sóng to, đặc biệt sóng ngang, tàu đáy bằng gần như ôm trọn lực va của sóng, tạo dao động mạnh theo phương ngang, dễ gây lắc, chao đảo và nguy cơ mất ổn định tĩnh học rất nhanh.
Còn nếu chúng ta sử dụng tàu đáy tròn, sâu (dạng quả dưa) hay đáy chữ V như tàu cá hoặc tàu vượt sóng, thì tính ổn định cao vì nó như con lật đật.
Vì vậy, tôi cho rằng chúng ta cũng cần xem xét việc thiết kế đáy các tàu du lịch làm sao cho phù hợp.
Luôn cảnh giác nhưng nhiều trường hợp không kịp trở tay
. Nhiều năm làm việc ở vùng vịnh Hạ Long, vùng biển này có hay xảy ra dông lốc?
+ Khu vực vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, lại có địa hình được bao quanh bởi vô số các hòn đảo tạo thành một lòng chảo, khiến những cơn giông lốc ở đây trở nên đáng sợ hơn, thường tạo ra sự xoáy lốc 360 độ. Nơi đây giông lốc có thể nổi lên bất cứ lúc nào, nhất là vào mùa hè.
Tôi nhiều lần gặp giông lốc rất mạnh khi công tác ở khu vực này. Một trong những lần đáng nhớ nhất của tôi đó là vào tháng 6-2015, khi gặp một cơn lốc bất chợt trong đêm, khiến con tàu bị trôi neo khoảng 600-700 m và va vào một tàu khác đang neo cùng khu vực, nhiều thiết bị trên mặt boong bị hư hỏng.
Tàu Vịnh Xanh 58 được trục vớt đưa vào bờ. Ảnh: N.SƠN
. Vậy theo kinh nghiệm bản thân, anh thấy những trường hợp gặp sóng gió bất ngờ thuyền viên phải làm gì?
+ Là một người nhiều năm bám biển, tôi đã chứng kiến không ít vụ việc đáng tiếc mà lẽ ra có thể phòng tránh được nếu thuyền trưởng tỉnh táo xử lý và bớt chủ quan.
Nhưng đáng tiếc là rất nhiều thuyền trưởng tàu khách hay rơi vào lỗi chủ quan, vì nghĩ là mình quá hiểu thời tiết, khí hậu và những con luồng, dòng nước tại đó rồi. Cũng dễ hiểu vì phần lớn những người thuyền trưởng đều là dân bản địa ở đây, từ nhỏ đã sống trên những con tàu, trên những đoạn luồng, nên việc học thuộc từng con nước, từng hòn đảo, khúc cua ở đó không có gì là lạ.
Tôi từng nhiều lần đi du lịch trên các tàu ở khu vực vịnh. Với một người từng là thuyền trưởng điều tôi luôn tò mò trên những con tàu là buồng lái và động cơ, kèm theo các thông số kỹ thuật của tàu. Ngoài ra tôi cũng để ý những người lái tàu đang vận hành thế nào, cách xử lý trên hành trình đó ra sao.
Trong nghề hàng hải, không ai dám vỗ ngực tự hào mình là thuyền trưởng, thủy thủ giỏi cho đến khi họ lập được nhiều thành tích, bước lên bờ và không bao giờ quay lại tàu nữa.
Giữa biển cả mênh mông, tàu dù to đến mấy cũng chỉ như chiếc lá tre nổi trên mặt hồ rộng lớn, chỉ cần một cơn sóng mạnh cũng có thể nhấn chìm tất cả, cho dù người vận hành nhiều kinh nghiệm đến đâu.
Để đối phó với những rủi ro, thuyền trưởng trước tiên không được chủ quan. Khi gặp mưa lớn và gió lốc, thuyền trưởng phải di chuyển tàu đến vị trí thích hợp để neo đậu.
Còn trường hợp cụ thể như vừa qua, thuyền trưởng phải hướng mũi tàu để đè sóng gió hoặc phân bổ tải trọng trên tàu. Tuy nhiên, cũng có nhiều trường hợp mưa lớn và gió lốc hình thành đột ngột không kịp trở tay.
. Xin cám ơn anh!
12 giờ 55 ngày 19-7, tàu Vịnh Xanh xuất bến tham quan vịnh Hạ Long, trên tàu có tổng cộng 49 người, trong đó có 3 thuyền viên.
Đến 13 giờ 30, khi tàu đến phía đông của hang Đầu Gỗ, trời đang nắng gắt chuyển tối đen, giông gió nổi lên kèm sấm sét, mưa đá. Gió mạnh xô nghiêng rồi đẩy tàu Vịnh Xanh 58 lật úp, toàn bộ hành khách và thuyền viên chìm xuống biển.
Tai nạn đau lòng khiến 36 người tử vong, 3 người còn đang mất tích.
VIẾT LONG
Nguồn PLO : https://plo.vn/video/mot-thuyen-truong-tung-cong-tac-o-vinh-ha-long-chia-se-goc-nhin-vu-lat-tau-vinh-xanh-post861392.html