Một tối hậu thư, nhiều hệ quả

Một tối hậu thư, nhiều hệ quả
15 giờ trướcBài gốc
Trọng tâm của chiến lược này là một tối hậu thư kinh tế cứng rắn dành cho Điện Kremlin. Tổng thống Donald Trump cảnh báo sẽ áp dụng mức thuế quan lên tới 100% đối với tất cả hàng hóa nhập khẩu từ Nga nếu Moscow không đạt được một thỏa thuận ngừng bắn tại Ukraine trong vòng 50 ngày tới. Mối đe dọa này không chỉ nhắm trực tiếp vào nền kinh tế Nga mà còn mở rộng phạm vi tới bất kỳ quốc gia nào tiếp tục duy trì hoạt động giao thương “đáng kể” với Moscow.
Tổng thống Donald Trump (giữa) và người đồng cấp Volodymyr Zelensky tại cuộc gặp ở Washington, D.C., ngày 28/2. Ảnh: Tân Hoa Xã
Động thái này thể hiện sự chuyển hướng rõ rệt từ các chính sách trước đó, đặt sức ép kinh tế lên hàng đầu như một công cụ buộc Nga phải nhượng bộ. Song song với biện pháp trừng phạt, Tổng thống Donald Trump đồng thời công bố việc chuyển giao khẩn cấp các hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot cho Ukraine trong “vài ngày tới”, một hành động nhằm củng cố khả năng phòng thủ trước mắt của Kiev. Tuy nhiên, phần gây tranh cãi và có khả năng làm rạn nứt nhiều nhất lại nằm ở chính sách viện trợ mới cho Ukraine. Tổng thống Donald Trump tuyên bố chấm dứt cơ chế viện trợ trực tiếp từ Washington. Thay vào đó, ông yêu cầu các đồng minh châu Âu trong NATO phải “tự thanh toán 100% chi phí” cho mọi vũ khí, trang thiết bị quân sự mua từ Mỹ để cung cấp cho Ukraine.
Tuyên bố dứt khoát “Họ sẽ phải trả tiền cho mọi thứ. Chúng ta không chi trả nữa” của ông đã giáng một đòn mạnh vào nguyên tắc chia sẻ gánh nặng vốn là nền tảng của liên minh, ngay lập tức gây ra những phản ứng trái chiều. Chiến lược này rõ ràng nhằm chuyển gánh nặng tài chính sang cho châu Âu, phản ánh quan điểm “Nước Mỹ trên hết” vốn là dấu ấn trong nhiệm kỳ trước của ông, đồng thời đặt ra một bài toán khó về khả năng và ý chí của các nước châu Âu trong việc lấp đầy khoảng trống viện trợ mà Mỹ để lại.
Phản ứng từ Moscow đến rất nhanh và kiên quyết. Ngày 15/7, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Dmitry Medvedev gọi tuyên bố của Tổng thống Donald Trump là “tối hậu thư mang tính kịch”, khẳng định Moscow không quan tâm. Phó Chủ tịch Thượng viện Konstantin Kosachev cho rằng thời hạn 50 ngày của Mỹ khó làm thay đổi lập trường Nga, dù cục diện thực địa có thể biến động. Từ Duma quốc gia, ông Alexei Zhuravlev nhấn mạnh các biện pháp trừng phạt thứ cấp sẽ gây hại cho Mỹ hơn là Nga, khi kim ngạch thương mại song phương chỉ khoảng 8 tỷ USD, trong khi Mỹ vẫn phụ thuộc vào nhiều mặt hàng chiến lược từ Nga như uranium, titan hay palladium. Phó Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Andrei Klimov cũng cho rằng các lời đe dọa thuế quan không gây tác động "thảm họa" nào với Nga, đồng thời cảnh báo Mỹ có thể tự cô lập và gặp khó khăn kinh tế nếu tiếp tục chính sách này.
Giới chuyên gia cũng đồng tình với quan điểm này. Chuyên gia chính trị học Andrei Klintsevich cho rằng tuyên bố của Donald Trump không gây áp lực lên Moskva, mà ngược lại càng khiến Nga vững vàng hơn. Giới phân tích nhận định động thái cứng rắn này của Washington, thay vì làm suy yếu, có thể sẽ củng cố thêm lập trường chống phương Tây của Điện Kremlin trong nội bộ, tạo điều kiện cho Tổng thống Vladimir Putin tập hợp lực lượng. Bộ Tài chính Nga cũng không ngần ngại đưa ra lời cảnh báo ngầm về khả năng đáp trả bằng việc cắt giảm nguồn cung năng lượng sang châu Âu, nhắm thẳng vào điểm yếu của Liên minh châu Âu (EU) nếu họ tham gia vào các lệnh trừng phạt mới.
Tại Kiev, phản ứng mang tính hai mặt rõ rệt. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, qua trao đổi với Kiev Independent, đã hoan nghênh lệnh trừng phạt thuế quan 100%, coi đó là “một công cụ mạnh mẽ” có thể buộc Nga phải nghiêm túc quay lại bàn đàm phán. Ông cũng bày tỏ sự đánh giá cao đối với việc chuyển giao khẩn cấp hệ thống Patriot, một vũ khí phòng thủ quan trọng để bảo vệ các căn cứ không quân và trung tâm dân sự trước các đợt oanh tạc của Nga. Tuy nhiên, ẩn sau sự lạc quan đó là nỗi lo ngại sâu sắc về cơ chế viện trợ mới. Với viện trợ quân sự trực tiếp từ Mỹ chiếm tới 50% nguồn cung vũ khí cho Ukraine, việc chuyển sang cơ chế “châu Âu tự chi trả” thông qua mua sắm từ Mỹ được dự báo sẽ gây ra sự chậm trễ đáng kể, từ 3 đến 6 tháng, trong quá trình tiếp nhận vũ khí do thủ tục phức tạp và sự hạn chế về ngân sách của một số nước châu Âu chủ chốt như Đức và Pháp.
Châu Âu thì lâm vào thế tiến thoái lưỡng nan. Dù ủng hộ trừng phạt Nga về nguyên tắc, EU lại phản đối mạnh mẽ cơ chế viện trợ mới do Tổng thống Donald Trump đề xuất, lo ngại điều này làm suy yếu sự đoàn kết nội khối NATO. Lo ngại càng gia tăng khi EU vẫn phụ thuộc khoảng 15% vào dầu khí Nga, trong khi mùa đông đang đến gần. Một phản ứng đáp trả từ Moscow có thể gây ra khủng hoảng năng lượng mới. Một số quốc gia như Hungary, Slovakia - vốn có quan hệ thương mại lớn với Nga - kêu gọi nối lại đàm phán thay vì leo thang căng thẳng.
Về kinh tế, đòn thuế quan 100% mà Mỹ đề xuất nhằm vào các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Nga có thể gây tổn thất nặng cho Moscow, song rủi ro là không nhỏ. Nga đã chuyển hướng 65% dầu xuất khẩu sang Ấn Độ và Trung Quốc, làm giảm hiệu quả của lệnh trừng phạt. Đồng thời, mức thuế này có thể bị WTO xem là vi phạm luật thương mại, kích hoạt các khiếu kiện từ Trung Quốc hay Brazil. Nếu nguồn cung từ Nga bị gián đoạn, giá dầu, lương thực và phân bón toàn cầu có thể tăng vọt, gây áp lực lạm phát lên các nền kinh tế vốn đã mong manh. Về quân sự, viện trợ kiểu mới giúp Mỹ giảm gánh nặng tài chính - khoảng 60 tỷ USD mỗi năm - nhưng lại khiến Ukraine đối mặt nguy cơ thiếu vũ khí nếu châu Âu không nhanh chóng bù đắp, nhất là trong giai đoạn quyết định trên chiến trường.
Nhìn xa hơn những diễn biến trước mắt, tuyên bố của Tổng thống Donald Trump mang những hàm ý địa chính trị sâu sắc. Nó đánh dấu sự chuyển dịch rõ rệt trong vai trò của Mỹ, từ vị trí “lãnh đạo phương Tây” truyền thống sang một lập trường “bảo vệ lợi ích quốc gia cứng rắn” một cách đơn phương hơn. Chiến lược này có nguy cơ đẩy nhanh quá trình phân cực trong hệ thống thương mại toàn cầu, hình thành nên các khối riêng biệt: Một bên là khối các quốc gia thân Nga như Trung Quốc, Ấn Độ tập trung giao thương với nhau, và bên kia là khối các nước phương Tây tuân thủ chế tài.
Đối với NATO, sức ép từ Mỹ có thể trở thành chất xúc tác buộc EU phải nghiêm túc xem xét và đẩy nhanh các kế hoạch xây dựng năng lực quốc phòng độc lập hơn, như dự án “Liên minh Phòng thủ châu Âu” đã được bàn thảo nhiều năm qua, đồng thời làm sâu sắc thêm sự chia rẽ giữa các nước Đông Âu kiên quyết ủng hộ Mỹ (Ba Lan, các nước Baltic) và những nước Tây Âu có xu hướng tìm kiếm giải pháp trung lập hơn (Pháp, Đức).
Còn với Ukraine, sự phụ thuộc ngày càng lớn vào vũ khí Mỹ trong một cơ chế tài trợ mới đầy bất ổn có thể buộc chính phủ Tổng thống Volodymyr Zelensky phải chấp nhận những điều kiện đàm phán bất lợi hơn trong tương lai, đồng thời làm gia tăng nguy cơ đất nước này chỉ còn là một “bàn đạp địa chính trị” trong cuộc đối đầu lớn hơn giữa các cường quốc nếu chiến tranh tiếp tục kéo dài.
Khổng Hà
Nguồn CAND : https://cand.com.vn/binh-luan-quoc-te/mot-toi-hau-thu-nhieu-he-qua-i774908/