Viên đạn bạc cho Ukraine?
MIM-104 Patriot là hệ thống tên lửa đất đối không di động do Raytheon Technologies phát triển, được thiết kế để đánh chặn máy bay, tên lửa hành trình, máy bay không người lái và tên lửa đạn đạo chiến thuật. Là một vũ khí phòng thủ có giá trị, một tổ hợp Patriot bao gồm radar, bộ điều khiển, nguồn điện, bệ phóng và các phương tiện hỗ trợ.
Kể từ khi ra mắt vào những năm 1980, hệ thống này đã trải qua nhiều cải tiến. Tên lửa PAC-2 đời đầu sử dụng đầu đạn phá mảnh, trong khi phiên bản PAC-3 hiện đại hơn sử dụng cơ chế đánh chặn trực tiếp nhằm tăng độ chính xác. Tùy theo cấu hình, Patriot có thể tấn công mục tiêu ở khoảng cách lên đến 160 km và độ cao hơn 22 km.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy trong một chuyến thăm khu huấn luyện quân sự nhằm tìm hiểu về quá trình huấn luyện binh sĩ Ukraine vận hành hệ thống Patriot tại một địa điểm không được tiết lộ ở Đức ngày 11/6/2024. Ảnh: Reuters
Tuy nhiên, những năng lực này đi kèm chi phí không hề nhỏ. Theo Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), mỗi tổ hợp Patriot có giá khoảng 1,1 tỷ USD, còn mỗi quả tên lửa đánh chặn trị giá khoảng 4 triệu USD.
Mỗi bệ phóng tên lửa Patriot có thể bắn tới 32 quả tên lửa chỉ trong vài giây và đánh chặn các tên lửa đạn đạo đang lao đến mục tiêu.
Hệ thống Patriot lần đầu được Kiev tiếp nhận vào tháng 4/2023 từ Washington và một số đồng minh châu Âu. Chỉ vài tuần sau, Patriot đã đánh chặn thành công tên lửa đạn đạo liên lục địa Kinzhal của Nga, được phóng từ các chiến đấu cơ ở độ cao hơn 12km.
Tên lửa Kinzhal chủ yếu bay ở tầng bình lưu để duy trì tốc độ, nhanh gấp 10 lần vận tốc âm thanh và khiến mọi hệ thống phòng không phương Tây “trở nên vô dụng”, Tổng thống Nga Putin tiết lộ.
Tuy nhiên, trong 2 năm qua, khoảng 10 hệ thống Patriot tại Ukraine được triển khai ở Kiev và Odesa đã bắn hạ hàng chục tên lửa Kinzhal, cùng nhiều tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo khác, bao gồm cả tên lửa của Triều Tiên, máy bay chiến đấu, trực thăng và UAV tấn công.
Việc dùng Patriot để đánh chặn UAV được ví như dùng kính hiển vi điện tử để đóng đinh, bởi mỗi quả tên lửa Patriot có giá hàng triệu USD, trong khi UAV Nga rẻ hơn cả trăm lần.
Ngày 13/7, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố sẽ cung cấp thêm hệ thống Patriot cho Kiev thông qua hình thức bán cho các đồng minh NATO và những nước này sau đó sẽ chuyển chúng cho Ukraine.
“Chúng tôi sẽ cung cấp cho Ukraine các hệ thống Patriot mà họ đang rất cần. Ông Putin khiến nhiều người bất ngờ. Ban ngày ông ta nói chuyện tử tế nhưng tối đến lại dội bom lên tất cả", ông Trump nói.
Trong cuộc gặp với Tổng Thư ký NATO Mark Rutte, ông Trump ngày 14/7 đã xác nhận số lượng Patriot được chuyển cho Ukraine là 17 hệ thống.
“Tất cả sẽ được gửi đi. Đây là tổ hợp đầy đủ, bao gồm cả bệ phóng”, Tổng thống Mỹ tiết lộ, đồng thời đề cập đến một quốc gia phương Tây giấu tên hiện có “17 hệ thống Patriot sẵn sàng chuyển giao". Vài ngày trước đó, Thủ tướng Đức Friedrich Merz cho biết Berlin sẵn sàng mua thêm hệ thống Patriot.
Ông Mark F. Cancian, cố vấn cấp cao tại CSIS, nói với Newsweek rằng tác động chính của thỏa thuận giữa Mỹ và châu Âu về việc cung cấp vũ khí cho Ukraine chủ yếu mang tính chính trị hơn là chiến thuật, nhằm gây sức ép buộc Moscow tham gia đàm phán ngừng bắn.
Tuy nhiên, ông cũng cảnh báo rằng việc quá tập trung vào hệ thống Patriot có phần thiếu cân đối so với tác động thực tế của chúng trên chiến trường.
“Người ta đang đặt quá nhiều kỳ vọng vào Patriot. Đây là một vũ khí quan trọng nhưng được thiết kế chủ yếu để phòng thủ trước tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình - những phương tiện chỉ chiếm khoảng 10% trong số các tên lửa mà Nga sử dụng để tấn công", ông Cancian phân tích, đồng thời chỉ ra rằng: “Phần lớn các cuộc tấn công đến từ UAV cảm tử công nghệ thấp. Để đối phó, Ukraine cần nhiều hệ thống phòng không khác nhau và các hệ thống này nhiều khả năng sẽ nằm trong các gói viện trợ sắp tới".
Patriot quan trọng nhưng không phải là tất cả
Theo một chuyên gia phân tích tại Kiev, các tổ hợp Patriot mới sẽ giúp giảm thiểu thương vong từ các cuộc không kích của Nga tại các thành phố lớn, song không vượt qua bất kỳ “lằn ranh đỏ” nào đối với Tổng thống Putin.
“Thỉnh thoảng Nga phàn nàn về lằn ranh đỏ khi nói đến vũ khí tầm xa tấn công vào lãnh thổ nước này. Nhưng Patriot không nằm trong số đó”, ông Volodymyr Fesenko, Giám đốc Viện nghiên cứu Penta nói với Al Jazeera. Tuy nhiên, các hệ thống Patriot mới cũng không thể ngăn chặn các cuộc không kích của Nga vào Ukraine.
“Vấn đề không chỉ nằm ở Patriot. Chúng tôi không chỉ cần Patriot để đối phó với tên lửa đạn đạo. Vũ khí chủ lực hiện nay của Nga là máy bay không người lái và chúng gây ra phần lớn thiệt hại", ông Fesenko cho hay.
Các UAV tấn công thường bay theo bầy đàn với hàng trăm chiếc ở độ cao lên tới 5 km, vượt ngoài khả năng đánh chặn của các hệ thống phòng không trong nước hoặc các đội phòng không cơ động được trang bị súng máy của Ukraine.
Theo Trung tướng Ihor Romanenko, cựu Phó Tổng tham mưu trưởng quân đội Ukraine, để bảo vệ các đô thị trọng yếu, nước này cần thêm khoảng 25 hệ thống Patriot.
Chuyên gia Cancian nhấn mạnh, nhu cầu của Ukraine không chỉ nằm ở năng lực phòng không.
“Họ còn cần vũ khí, đạn dược và vật tư trên mọi phương diện vì quân đội Ukraine tiêu hao những thứ này trong chiến đấu với tỷ lệ rất cao”, ông nói. Theo ông Cancian: “Nhu cầu thực tế trên chiến trường của Ukraine lớn hơn nhiều. Patriot quan trọng, nhưng nó không phải là yếu tố tạo ra bước ngoặt nếu đứng riêng lẻ".
Ukraine hiện cần nhất là các hệ thống đánh chặn UAV có thể bay với tốc độ 500 km/h, khi Nga trang bị động cơ phản lực cho các thế hệ UAV mới.
“Điều quan trọng là số lượng. Nếu họ phóng hơn 700 chiếc mỗi đợt hay nâng lên tới 1.000 UAV thì chúng tôi cần hàng trăm tên lửa đánh chặn", ông Romanenko nhấn mạnh.
Moscow đã phân tích kỹ lưỡng đường bay của các bầy đàn UAV và thường xuyên thay đổi để tránh bị đánh chặn. Vì vậy, Kiev cần có máy bay hạng nhẹ tích hợp gây nhiễu điện tử, trực thăng và các hệ thống phòng không có khả năng bắn hạ các mục tiêu khí động học, ông Romanenko cho hay.
Ngày 12/7, Không quân Ukraine cho biết hệ thống phòng không Skynex do Đức cung cấp gần đây đã bắn hạ 6 UAV Geran do Nga sản xuất. Skynex được trang bị pháo tự động cỡ nòng 35mm có thể bắn tới 1.000 viên đạn mỗi phút, sử dụng loại đạn được lập trình sẵn để phát nổ gần mục tiêu. Tuy nhiên, hiện Ukraine chỉ có hai hệ thống Skynex và chưa có thông tin nào về việc được cung cấp thêm vũ khí này.
Kiều Anh/VOV.VN (biên dịch) Theo: Al Jazeera, Newsweek