Một tuần vận hành chính quyền 2 cấp tại Hà Nội: Những chuyển biến tích cực

Một tuần vận hành chính quyền 2 cấp tại Hà Nội: Những chuyển biến tích cực
6 giờ trướcBài gốc
Thủ tục hành chính cơ bản thông suốt
Từ ngày 1/7/2025, cả nước chính thức đồng loạt triển khai mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, mở ra giai đoạn cải cách thủ tục hành chính có tính chất lịch sử. Tại Hà Nội, chỉ sau một tuần đi vào vận hành, ghi nhận cho thấy bộ máy tại các xã, phường cơ bản đã hoạt động ổn định, thông suốt. Các cán bộ, công chức nhanh chóng bắt nhịp với guồng máy mới, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, đảm bảo mọi giao dịch hành chính không bị gián đoạn, người dân không phải chờ đợi lâu.
Trung tâm Phục vụ hành chính công Hà Nội và các điểm tiếp nhận hồ sơ hành chính cấp xã tại Hà Nội ghi nhận không khí làm việc nghiêm túc, khẩn trương. Nhiều địa phương đã chủ động bố trí phương tiện đưa đón cán bộ công chức giữa các điểm hành chính, tổ chức tập huấn nghiệp vụ, phân công cán bộ giàu kinh nghiệm hỗ trợ đội ngũ mới nhận nhiệm vụ.
Đặc biệt, tại các điểm phục vụ hành chính cấp xã, sự linh hoạt trong bố trí thêm lực lượng hướng dẫn người dân nộp hồ sơ trực tuyến, tư vấn pháp lý... đã mang lại hiệu quả rõ rệt. Việc này không chỉ thể hiện tính chủ động mà còn tạo dựng niềm tin trong nhân dân khi bộ máy hành chính vừa triển khai, vừa hoàn thiện.
Người dân đến giao dịch tại Trung tâm Phục vụ hành chính công Hà Nội – chi nhánh 1. Ảnh: Hải Sơn
Bà Nguyễn Thị Việt Hà, Phó Giám đốc Trung tâm Phục vụ hành chính công Hà Nội – chi nhánh 1 cho biết, từ ngày 1/7 đến nay, chi nhánh đã tiếp nhận hơn 1.700 thủ tục hành chính, riêng các thủ tục về đất đai chiếm hơn 1.470 lượt.
“Một tuần qua, trung tâm ghi nhận khối lượng công việc không tăng đột biến, cho thấy việc phân cấp, phân quyền về cơ sở bước đầu đạt hiệu quả”, bà Nguyễn Thị Việt Hà, Phó Giám đốc Trung tâm Phục vụ hành chính công Hà Nội – chi nhánh 1 cho hay.
Tại trụ sở phường Tây Hồ, phường bố trí thêm cán bộ ở cổng tiếp đón để hỗ trợ, hướng dẫn cho người dân tới xử lý thủ tục hành chính. Sau khi hoàn thành xong thủ tục sao công chứng giấy tờ.
“Cán bộ công chức làm việc tại phường những ngày đầu vận hành chính quyền địa phương 2 cấp đã chuyển biến rất tích cực, tác phong làm việc quy củ. Thời gian xử lý thủ tục hành chính nhanh. Nếu tất cả các cơ quan nhà nước chuyển biến như thế này người dân rất phấn khởi và hài lòng”, chị Nguyễn Thị Giang, trú tại phường Tây Hồ (Hà Nội) chia sẻ.
Chủ động tháo gỡ khó khăn, hướng về cơ sở
Dù vận hành suôn sẻ, song mô hình chính quyền 2 cấp tại TP Hà Nội cũng đứng trước không ít thử thách. Chính quyền cấp xã được trao quyền nhiều hơn, đồng nghĩa với trách nhiệm lớn hơn, nhất là khi phải đồng thời giải quyết các vấn đề tồn đọng, thiếu tiền lệ. Đây là phép thử thực sự đối với bản lĩnh, năng lực quản trị của từng cán bộ, từng đơn vị cơ sở.
Tại một số địa bàn như xã Phú Xuyên, phường Phương Liệt, xã Quốc Oai, chính quyền mới đã thể hiện quyết tâm rõ rệt qua việc xử lý dứt điểm các vấn đề tồn tại như vi phạm đất đai, trật tự xây dựng, giải phóng mặt bằng. Những chuyển động mạnh mẽ này cho thấy không có sự buông lỏng, không có khoảng trống trong quản lý nhà nước và người đứng đầu đã thực sự vào cuộc một cách trách nhiệm.
Người dân Thủ đô Hà Nội khá hài lòng về cung cách phục vụ từ khi vận hành chính quyền địa phương 2 cấp đến nay. Ảnh: Hải Sơn
Theo các chuyên gia, chính quyền 2 cấp không đơn thuần là thay đổi bộ máy hay nhân sự mà sâu xa hơn là thay đổi tư duy quản trị, chuyển từ mệnh lệnh hành chính sang phục vụ người dân. Chính vì vậy, các xã, phường phải chủ động xác định những “điểm nghẽn”, mạnh dạn đề xuất giải pháp, tránh tư tưởng “chờ chỉ đạo”.
Mô hình đã chính thức vận hành, không còn là thử nghiệm. Do đó, mỗi cán bộ, công chức, viên chức phải chủ động nghiên cứu, thích ứng và vận hành hiệu quả quy trình công việc mới. Đây là yêu cầu bắt buộc trong bối cảnh Hà Nội đang hướng tới nền hành chính hiện đại, kiến tạo và phục vụ.
Chính quyền địa phương 2 cấp là tiền đề quan trọng để thúc đẩy cải cách hành chính và chuyển đổi số toàn diện. Vì thế, các yêu cầu về công nghệ, trang thiết bị, hạ tầng kỹ thuật và đặc biệt là công tác đào tạo cán bộ phải được thực hiện đồng bộ, bài bản và lâu dài.
Đội ngũ cán bộ xã, phường trực tiếp giải quyết phần lớn các thủ tục hành chính của công dân. Sự chuyên nghiệp, tận tâm của họ chính là thước đo để người dân đánh giá chất lượng cải cách. Bên cạnh đó, việc thúc đẩy các dịch vụ công trực tuyến, rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ, minh bạch hóa quy trình cũng là những tiêu chí rõ ràng cho một chính quyền hiện đại.
Sau một tuần chính thức vận hành, có thể khẳng định bộ máy chính quyền địa phương 2 cấp tại Hà Nội đã có những bước chuyển tích cực, nền nếp và ổn định. Tuy vậy, còn không ít khó khăn, đòi hỏi sự chủ động, quyết liệt hơn từ cấp ủy, chính quyền và từng cán bộ ở cơ sở.
Hải Sơn
Nguồn Công Thương : https://congthuong.vn/mot-tuan-van-hanh-chinh-quyen-2-cap-tai-ha-noi-nhung-chuyen-bien-tich-cuc-409560.html