MU và Tottenham gây tranh cãi khi vào chung kết Europa League.
Năm ngoái, trận chung kết Europa League giữa Atalanta và Bayer Leverkusen là minh chứng hùng hồn cho thấy các CLB "nhỏ" vẫn có thể gặt hái thành công nhờ chiếc lược quản trị tốt và có triết lý bóng đá rõ ràng. Nhưng trận chung kết giữa MU và Spurs mùa này lại là câu chuyện trái ngược. Hai đại diện Premier League khiến người hâm mộ thất vọng tràn trề với vị trí lẹt đẹt ở giải quốc nội, qua đó vẽ nên một bức tranh khác.
Huyền thoại Arsene Wenger cho rằng đây là một "lỗ hổng" trong cơ cấu giải đấu của UEFA. Ông đề xuất nhà vô địch Europa League chỉ nên giành vé dự Europa League mùa sau, chứ không phải Champions League, đặc biệt khi Premier League đã có tới 5 suất.
Hai cựu danh thủ Gary Neville và Roy Keane cũng đồng tình, than phiền rằng các giải đấu cúp châu Âu đang bị "mất giá" vì người ta chỉ chăm chăm vào khoản tiền thưởng khổng lồ từ vé dự Champions League mà quên đi giá trị của chiếc cúp.
Tuy nhiên, HLV Ange Postecoglou của Tottenham phản bác, cho rằng luật này tồn tại từ mùa 2015/16 và chẳng ai phàn nàn khi Sevilla (thứ 12 La Liga) từng vô địch 2 mùa. Ông mỉa mai rằng sự hiện diện của hai CLB tên tuổi như Spurs và MU khiến mọi vấn đề trở nên "điên rồ" và bị soi xét kỹ hơn.
Không thể phủ nhận MU và Spurs có một mùa giải quốc nội tệ nhất lịch sử. MU trải qua chuỗi trận không thắng dài nhất kể từ năm 1990, còn Spurs lập kỷ lục thua trận và thủng lưới liên tiếp. Dù vậy, Postecoglou nhấn mạnh phong độ ở giải quốc nội không liên quan đến việc họ "xứng đáng" vào chung kết Europa League.
Tottenham và MU bị chỉ trích vì chơi kém ở giải quốc nội.
Điểm mấu chốt ở đây là việc tước đi tấm vé Champions League của nhà vô địch Europa League sẽ "giết chết" giải đấu này. Chiếc vé chính là "củ cà rốt" quan trọng nhất để duy trì sự hấp dẫn, động lực và tính cạnh tranh cho Europa League, nhất là với các đội bóng lớn.
Trong bối cảnh kinh tế ảm đạm hiện tại của bóng đá, nơi suất dự Champions League còn quý hơn nhiều danh hiệu quốc nội, việc loại bỏ nó sẽ khiến Europa League càng bị xem nhẹ.
Về phía UEFA, họ có lý do để hài lòng với một trận chung kết MU - Spurs xét về mặt hình ảnh và thương hiệu. Tuy nhiên, đây cũng là một hồi chuông cảnh báo đáng lo ngại. Nó phơi bày trần trụi sức mạnh tài chính áp đảo của Premier League.
Việc hai đội bóng Anh đang vật lộn ở nửa dưới bảng xếp hạng vẫn có thể vào chung kết một giải đấu lớn của châu Âu cho thấy sự chênh lệch đáng báo động với phần còn lại của lục địa.
Một năm sau khi Atalanta mang đến hy vọng cho các đội bóng "nhỏ", trận chung kết giữa MU và Spurs là minh chứng đáng ngại rằng ngay cả những CLB được quản lý kém nhất của Anh cũng có thể vượt trội so với các đội tầm trung ở châu Âu.
Điều này chắc chắn không qua mắt Chủ tịch Real Madrid, Florentino Perez, người luôn khao khát khởi động Super League, và có thể dẫn đến những biến động lớn hơn trong tương lai. Nhưng MU và Spurs có "xứng đáng" hay không, việc họ vào chung kết Europa League và tranh vé Champions League là một phần của luật chơi hiện hành.
Quan trọng nó phản ánh một thực tế rằng sự thống trị của Premier League và sự cần thiết của "phần thưởng" Champions League để duy trì sức sống cho Europa League, bất chấp có thể làm dấy lên những câu hỏi về sự công bằng và cân bằng của bóng đá châu Âu.
Minh Nghi