Mùa đi hái 'lộc rừng'

Mùa đi hái 'lộc rừng'
9 giờ trướcBài gốc
Nhờ được tuyên truyền, những người dân La Dạ như anh K’ Dũng đều ý thức được lợi ích kép mà rừng mang lại cho đời sống của họ
Sương còn bủa vây trên các dãy núi, nhiều hộ dân ở Thôn 3, xã La Dạ đã chuẩn bị nước, cơm, dao cho vào gùi lên đường vào rừng tìm măng, nấm và các loại rau rừng. Sống dựa vào rừng, khai thác sản vật từ rừng vào mùa mưa, bắt đầu từ tháng 6 - 11, là tập quán của đồng bào dân tộc thiểu số ở La Dạ từ bao đời nay.
Sau ít ngày đi tìm nấm mối đinh, nấm mối dù khi cơn mưa đầu mùa vào tháng 5 kết thúc, sáng nay, anh K’Dũng lại tiếp tục trở vào rừng tìm măng. Đây là thực phẩm được coi như thứ lộc của rừng và được nhiều người vùng xuôi ưa thích. Đang đầu mùa nên muốn tìm được nhiều măng anh phải đi nhiều vạt rừng, khu rẫy có những lùm tre, hồ lô um tùm. Công việc khá vất vả vì vừa phải tinh mắt vừa phải chắc chân khỏe tay. Hôm nào gặp được nhiều, anh hái được 20 kg măng tươi, hôm ít thì được chừng 5 kg, ngoài ra còn thêm khoảng 1 - 2 kg nấm linh chi. Với giá hiện tại 8.000 đồng/kg măng tươi, 100.000 đồng/kg nấm, mỗi ngày anh cũng kiếm được từ 100.000 - 350.000 đồng, đủ trang trải chi phí sinh hoạt gia đình 4 nhân khẩu.
Cánh rừng thâm u, sau nhiều tháng dài khô cằn chỉ cần vài trận mưa, những mầm măng lập tức đội đất nhô lên. Cùng đi vào rừng, vợ chồng chị K’ Thị Thủy chia sẻ: “Hàng năm, cứ đến mùa mưa, tôi cùng nhiều gia đình trong thôn lại lên rừng hái măng. Để có những búp măng tươi ngon, người hái phải đổ mồ hôi, công sức, thậm chí gặp nguy hiểm, rủi ro. Không ít lần chúng tôi phải vào những bụi tre rậm rạp để lấy măng làm trầy xước cả da thịt. Rừng rậm, dốc cao, chưa kể nhiều hôm trời mưa gió trơn trượt, vấp té. Nhưng nhờ có thứ “lộc” mà rừng ban tặng trong vài tháng mà gia đình có đồng ra, đồng vào khi kết thúc vụ nương rẫy và dành lại một ít mua sách vở cho con đến trường”.
Khi mặt trời xuống núi, những người hái măng mang theo thành quả của mình sau một ngày lao động vất vả về bán cho các thương lái. Anh Lê Ngọc Lân - chủ cơ sở thu mua tại Thôn 3, xã La Dạ cho biết: Hiện mới vào đầu mùa, lượng măng chưa nhiều nên trung bình mỗi ngày chỉ thu được 90 kg măng tươi. Từ măng hồ lô, măng le, măng tre gai đều có thể chế biến thành nhiều món ăn, thông dụng nhất là món xào, măng trộn, măng hầm thịt, nấu canh hay làm măng chua, luộc lên rồi phơi khô... Cứ 14 kg măng tươi sau khi luộc, phơi chỉ còn được 1 kg măng khô với giá giao động từ 160.000 - 180.000 đồng/kg.
Mùi măng hăng màu hổ phách sau khi phơi từ 4 - 6 nắng đã giòn khô được đóng gói cẩn thận để chuyển đi cho các thương lái ở trong và ngoài tỉnh. Trong văn hóa ẩm thực của người dân xứ biển Lâm Đồng, nồi măng kho thịt thơm nồng, béo ngậy là món ăn không thể thiếu vào dịp cuối năm. Vì thế măng khô là món quà đặc sản núi rừng ưa thích của những người miền xuôi khi lên đây công tác trở về.
Xã La Dạ sáp nhập từ xã La Dạ và Đa Mi, trong đó người đồng bào dân tộc K’Ho, Raglai chiếm tỷ lệ khá cao. Toàn xã hiện có 2.455 hộ dân và còn 223 hộ nghèo, đa số thuộc địa bàn xã La Dạ cũ. Vì thế, những sản phẩm từ rừng ban tặng trong mùa mưa này sẽ giúp các hộ gia đình có thêm nguồn thu đáng kể, cải thiện cuộc sống.
Để người dân nâng cao ý thức bảo vệ rừng, nhận thấy lợi ích kép mà rừng mang lại, ông Trần Trung Hải - Chủ tịch UBND xã La Dạ cho biết: Xã thường xuyên phối hợp với Ban Quản lý Rừng phòng hộ Hàm Thuận - Đa Mi tuyên truyền, vận động bà con bảo vệ và khai thác có hiệu quả nguồn lâm sản phụ này. Đồng thời, khuyến cáo người đi rừng chấp hành tốt chủ trương, chính sách, quy định của ngành lâm nghiệp, nhất là sử dụng lửa đề phòng cháy rừng.
Thùy Linh
Nguồn Lâm Đồng : https://baolamdong.vn/mua-di-hai-loc-rung-382021.html