Đường vào khu Muỗng.
Đi mắc núi, trở lại mắc sông
Mùa này, đường từ Chiềng Lằn dẫn lên khu dân cư Muỗng thuộc bản Chiềng Lằn, xã Giao Thiện, huyện miền núi Lang Chánh (Thanh Hóa) như chìm giữa bạt ngàn lau trắng. Tiết cuối đông, cây cỏ như bị sấy khô bởi những cơn gió bấc, đêm ngày đuổi nhau chạy ràn rạt từ mom đồi này sang ngọn núi khác. Trưởng thôn Chiềng Lằn Lê Văn Hiệu thủng thẳng: “Để vào được khu Muỗng, phải lội qua hết 4 con suối và ba quả đồi. Vất vả lắm đấy”. Tôi cởi giày, xắn quần cao quá gối lội qua con suối đầu tiên, làn nước như ngay lập tức đóng băng da thịt.
Dù biết cung đường để vào được khu Muỗng rất gian nan nhưng tôi cũng không nghĩ lại vất vả đến thế. Do chưa có đường giao thông nên hầu hết người dân từ Muỗng ra hay những người khách như chúng tôi vào thăm đều phải bỏ lại các phương tiện từ ngoài trung tâm bản, sau đó “cuốc bộ” non 2 giờ đồng hồ mới vào đến nơi. Sau khi đánh vật với 4 con suối lớn, nhỏ và vượt qua mấy giông đồi, khu Muỗng cũng hiện ra phía cuối con đường. Vài mái nhà sàn bạc màu, xơ xác nằm lọt thỏm giữa một thung lũng hẹp, được bao bọc xung quanh bởi núi rừng thâm u.
Dừng chân ở đầu con dốc dẫn vào khu Muỗng, Trưởng bản Lê Văn Hiệu kể: Muỗng là một trong 3 khu dân cư khó khăn, thiếu thốn bậc nhất của thôn Chiềng Lằn. Nơi đây không đường giao thông, không điện lưới và không có sóng điện thoại. Khu có 16 hộ dân đều là đồng bào dân tộc Thái sinh sống và cả thảy đều thuộc diện hộ nghèo, kinh tế chủ yếu tự cung, tự cấp, nhờ vào rừng, ít ruộng lúa nước và chăn nuôi nhỏ lẻ. Mỗi năm, bà con vẫn cần nhận sự hỗ trợ từ Nhà nước và các chương trình, dự án giảm nghèo khác. Mọi hoạt động giao thương của người dân gần như bằng không. Trẻ em không có điều kiện học tập trong môi trường tốt nhất, việc tiếp cận thông tin, kiến thức qua các phương tiện thông tin đại chúng như ti vi, sách báo… của bà con rất hạn chế.
Để có ánh sáng sinh hoạt, các hộ dân ở khu Muỗng chỉ còn cách sử dụng những chiếc tua bin đặt cạnh các khe suối, nhưng rất phập phù, không ổn định. Cũng bởi giao thông cách trở, mỗi khi ốm đau hay muốn thăm khám sức khỏe, bà con phải dậy từ sớm, đi bộ vượt qua quãng đường gần chục cây số mới ra được Trạm Y tế xã. Dẫn tôi vào căn nhà sàn tềnh toàng dựng ngay đầu khu, anh Hiệu đẩy cánh cổng được thưng sơ sài bằng ít cành tre, gọi chủ nhà. Có tiếng đáp lại, trong nhà - anh Lang Văn Dung đang lúi húi lấy những tấm bìa cứng từ các thùng mì tôm, bịt các lỗ hổng trên vách để chống lại những cơn gió buốt, vừa ló đầu ra chào ngượng ngùng khi thấy có khách lạ.
Bỏ lại công việc còn dở dang, anh Dung rót nước từ chiếc ấm trà bồm nguội ngắt rồi nói: Bà con ở đây từ bao đời nay đã quá quen với cảnh thiếu trước, hụt sau. Mỗi lần nhà hết gạo, anh lại phải gùi lúa vượt đồi, lội suối xuống tận trung tâm thôn cách đó gần 10 cây số mới có máy xay xát. “Vất vả nhất là vào mùa mưa, lũ dâng lên đột ngột khiến các hộ dân trong bản gần như bị cô lập, nhu yếu phẩm khan hiếm, đến hạt muối cũng không có. Mấy năm trước, nghe chính quyền địa phương thông báo cho bà con về việc xây dựng khu tái định cư tập trung, cả khu vui và hi vọng lắm nhưng đến nay vẫn chưa thấy!”- anh Dung buồn rầu nói.
Ở khu Muỗng diện tích đất canh tác khá hạn hẹp.
Vẫn nuôi hi vọng…
Giữa bức tranh đầy gam màu của khó khăn, nghèo đói, hình ảnh những đứa trẻ phải vượt suối trên những đôi chân trần tím tím vì lạnh để tìm con chữ, với tôi lại là điểm nhấn, niềm hi vọng vào một ngày mai tươi sáng của người dân nơi đây. Nhưng đâu là giải pháp tối ưu nhất để bà con khu Muỗng thoát nghèo? Trưởng bản Lê Văn Hiệu nói: “Có đấy! Muốn 16 hộ dân ở đây thoát nghèo, cách duy nhất là bố trí khu tái định cư và di dời người dân đến nơi ở mới, giao thông thuận tiện hơn và đặc biệt là phải có điện lưới quốc gia. Mấy năm trước, chúng tôi cũng nghe phong thanh là đã có chủ trương và lập dự án tái định cư cho bà con nhưng vẫn chưa thể thực hiện được do kinh phí đầu tư quá lớn. Bà con khu Muỗng hiện nay đang ở vào tình cảnh đi mắc núi, trở lại mắc sông!”.
Kéo tấm chăn nhung màu huyết dụ đắp lên mình hai đứa trẻ là học sinh đến từ khu Muỗng đã say ngủ, cô Lê Thị Huế, giáo viên điểm trường Poọng (thuộc Trường mầm non xã Giao Thiện) cho biết: Do khu Muỗng không có điểm trường lẻ nên các cháu phải về điểm trường ở bản để theo học. Đặc thù điều kiện đường sá đi lại khó khăn, phụ huynh phải hằng ngày dậy thật sớm, chuẩn bị quần áo, đồ dùng cho con em rồi đưa đến lớp, chiều đón về. Thương các cháu nhỏ đến trường co ro trong những ngày đông giá rét, các cô tích cực đi vận động các nhà hảo tâm tặng quần áo, chăn ấm cho trẻ. Nhờ vậy mà thầy, cô cũng như các cháu, phần nào được an ủi.
100% hộ dân ở khu Muỗng đều thuộc diện hộ nghèo.
“Nghèo và lạc hậu thế đấy nhưng các phụ huynh trong khu Muỗng vẫn cố cho con theo học để biết cái chữ. Họ hiểu rằng, để thoát nghèo trong tương lai thì phải học thôi. Chính vì vậy, một số phụ huynh đã phải gửi con cho họ hàng, người thân trong thôn Chiềng Lằn, số còn lại phải đi học theo buổi. Chỉ khi mưa bão, nước ở các con suối chảy siết, không đi lại được mới buộc phải nghỉ học. Về lâu dài, bà con mong ước được di dời tới nơi ở mới để có điều kiện phát triển sản xuất tốt hơn, con cái học hành đỡ vất vả”- cô Huế bày tỏ.
Nói về vấn đề mà cả trưởng bản Hiệu và cô giáo Huế mong mỏi lâu nay, bà Đinh Thị Hương - Chủ tịch UBND xã Giao Thiện nói: “Trước mắt, để giúp các hộ dân khắc phục khó khăn, chúng tôi sẽ ưu tiên hỗ trợ cây, con giống, giúp bà con cải tạo đất hoang hóa, làm đường ống dẫn nước tưới tiêu để thâm canh diện tích lúa nước, chủ động nguồn lương thực. Bên cạnh đó là đưa các mô hình kinh tế mới vào sản xuất với mong muốn giảm tỉ lệ hộ nghèo trong khi chờ được di dời”.
Nói về dự án tái định cư cho đồng bào ở khu Muỗng, ông Phạm Hùng Sâm - Giám đốc Ban quản lý Dự án huyện Lang Chánh thông tin: Dự án khu dân cư bản Muỗng thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia, được đầu tư từ nguồn ngân sách Nhà nước, với tổng số vốn là 4,8 tỷ đồng. Tuy nhiên, nhu cầu vốn để triển khai sau khi lập hồ sơ dự án lên tới hơn 6 tỷ đồng. Trong khi, nguồn ngân sách của huyện không thể cân đối được. Vừa qua, Ban Dân tộc tỉnh Thanh Hóa đã thành lập đoàn kiểm tra, tiến hành khảo sát, đánh giá lại dự án. Sau khi rà soát, tỉnh đã đồng ý cho chuyển đổi sang các dự án khác phù hợp hơn trên địa bàn. Đối với bà con khu Muỗng, hiện nay vẫn chưa có phương án hỗ trợ cụ thể.
“Chúng tôi đang tham mưu cho UBND huyện vận dụng cơ chế linh hoạt, bố trí lồng ghép các nguồn vốn thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia như Dự án 5, kết hợp với nguồn vốn theo Chỉ thị 22 của Tỉnh ủy để cấp đất, làm nhà cho người dân khu Muỗng. Với những hộ còn khó khăn về đất ở, chính quyền địa phương sẽ vận động người thân, dòng họ hiến đất. Những trường hợp còn lại, chính quyền sẽ bố trí quỹ đất trong quy hoạch để sắp xếp, ổn định cuộc sống cho bà con. Hi vọng, mọi việc rồi sẽ ổn với bà con khu Muỗng trong thời gian tới”- ông Sâm bày tỏ.
NGUYỄN CHUNG