Mùa hái nho rừng

Mùa hái nho rừng
3 giờ trướcBài gốc
Sáng sớm, chúng tôi theo chân ông Ba Hổ (ngụ ấp Tam Hiệp, xã Xuân Hiệp, huyện Xuân Lộc) đi tìm hái nho rừng, đây cũng một trong những đặc sản nổi tiếng của miền sơn cước núi Chứa Chan.
Ông Ba Hổ (ngụ ấp Tam Hiệp, xã Xuân Hiệp, huyện Xuân Lộc) cẩn thận hái chùm nho chín, không để ảnh hưởng đến cây nho. Ảnh: H.Đình
Mùa nho rừng chín rộ
Từ lâu, rượu nho rừng đã trở thành thức uống quen thuộc của người dân vùng núi Xuân Lộc. Hàng năm, cứ đến độ rằm tháng 7, tháng 8 âm lịch là mùa nho rừng chín rộ. Những chùm nho tím rịm, trông như những bầu mật trĩu nặng treo dọc theo những bờ suối.
Nho rừng thuộc loại thân leo, lá to, cuống màu tím, thường mọc men theo các bờ suối lớn tại khu vực chân núi Chứa Chan. Khi quả non có màu xanh, vị hơi chan chát nhưng lúc chín thì chuyển sang màu tím đậm, giống như nho ta, vị ngọt thanh mát. Nho rừng được ví như “lộc trời” nên cứ đến mùa nho chín, người dân trong vùng thường vào rừng hái lượm nho.
Để chuẩn bị tốt cho chuyến đi hái lượm nho rừng, ngày hôm trước, ông Ba Hổ đã căn dặn chúng tôi rất kỹ: “Mùa mưa, lối mòn trong rừng rất trơn trượt nên phải mang giày có gai, khi đi phải mang dao phát, kéo, liềm để cắt những chùm nho nằm trên cao hoặc phía xa, giữa lòng suối”.
Đường vào núi Chứa Chan quanh co, đã gần 7h sáng nhưng ngọn núi vẫn như đứa trẻ ngủ vùi trong màn sương trắng. Lối đi là những dốc đá, hai bên cỏ mọc um tùm. Có lẽ do ảnh hưởng của những ngày mưa bão nên lối đi lại càng trơn trượt, tầm nhìn bị hạn chế. Chốc chốc, ông Ba Hổ lại quay sau nhắc nhở chúng tôi đi cẩn thận, khu vực này ẩm ướt, rêu đá rất trơn.
Sau hơn 30 phút băng rừng, chúng tôi đã tìm đến nơi. Thấy chúng tôi hồ hởi trước một rừng nho chín mọng, ông Ba Hổ nhắc nhở, cứ từ từ mà hái, cẩn thận kẻo có rắn lục, nhớ chọn những chùm chín mọng về ủ thì rượu mới ngon, màu sắc mới đẹp.
Nho rừng quả không to nhưng quả sai chi chít, mỗi chùm nặng tới cả kg. Bởi vậy, mới hái một lát thì ba lô của chúng tôi đã chật cứng. Nhìn đoán vẻ mặt chúng tôi còn tiếc nuối, muốn hái thêm lúc nữa nên ông Ba Hổ nói đùa: “Lộc trời hưởng chừng đó thôi! Bấy nhiêu cũng đủ ủ được 2-3 bình uống dịp Tết rồi. Chú hái nhiều quá, không mang về nổi đâu”.
Đặc sản vùng núi Chứa Chan
Tham gia cùng đoàn có anh Tư Nghĩa, người dân ngụ ấp Suối Cát 2, xã Xuân Hiệp (huyện Xuân Lộc). Biết chúng tôi chưa rành về nho rừng nên anh Nghĩa nhiệt tình chỉ dẫn, nho sau khi hái về, cần rửa kỹ qua nước muối pha loãng để loại hết bụi bẩn. Sau đó, tách rời từng quả, để ráo nước rồi mới mang ngâm. Nho rừng có thể ủ trong bình thủy tinh hoặc bình sành. Cứ rải một lớp nho, sau đó một lớp đường cát, nhưng ngon nhất là đường phèn, tuần tự như thế.
Nho ủ tự nhiên sau khoảng 2-3 tháng sẽ có màu tím, khi uống có mùi thơm nồng, vị ngọt, chan chát, giống như hương vị rượu vang. Nếu như ai thích độ cảm giác mạnh hơn, trong lúc ủ có thể cho thêm chút rượu nếp cái, hương vị sẽ thơm ngon hơn, uống nhiều có thể say, trung bình cứ ủ 5kg nho tươi sẽ cho ra 2 lít rượu nguyên chất.
Anh Tư Nghĩa cho biết thêm, rượu nho rất thanh nhiệt. Cuối năm, thời tiết nắng nóng, sau mỗi buổi lên rẫy mệt nhọc, anh đều chiết một ít nước cốt uống chung với đá lạnh, cảm giác rất sảng khoái, khỏe khoắn. Vì vậy, cứ đến mùa nho rừng chín, anh đều rủ mọi người trong xóm cùng đi hái. Ai không có công đi hái thì mua lại, giá nho tươi cũng chỉ khoảng 30-40 ngàn đồng/kg.
Hải Đình
Nguồn Đồng Nai : https://baodongnai.com.vn/xa-hoi/202410/mua-hai-nho-rung-1ff0190/