Từ lâu, Mỹ đã là một trong mười quốc gia được du khách quốc tế ghé thăm nhiều nhất thế giới. Những điểm đến nổi tiếng như San Francisco, New York, Chicago hay công viên quốc gia Yosemite đều như "thỏi nam châm" hút khách nước ngoài.
Kết hợp với vai trò trung tâm kinh tế toàn cầu, nước Mỹ đã ghi nhận 66,5 triệu lượt khách quốc tế trong năm 2023 và 72 triệu lượt trong năm 2024. Tuy nhiên, hàng loạt biến động trong những tháng gần đây đang khiến triển vọng du lịch năm 2025 trở nên ảm đạm hơn bao giờ hết.
Sau khi ghi nhận mức tăng trưởng ổn định trong năm 2024, lượng du khách nước ngoài đến Mỹ đang sụt giảm trong 3 tháng đầu năm nay
Việc ông Donald Trump tái đắc cử tổng thống Mỹ năm 2024 cùng với những thay đổi lớn trong chính sách đối ngoại và môi trường văn hóa trong nước đang dần thay đổi cách nhìn nhận của thế giới về nước Mỹ.
Theo một báo cáo mới đây của công ty nghiên cứu Tourism Economics, thay vì tăng gần 9% như dự báo trước đó, lượng khách quốc tế đến Mỹ trong năm 2025 có nguy cơ giảm 5,5%. Nếu các cuộc chiến thuế quan và thương mại tiếp tục leo thang, ngành du lịch chắc chắn sẽ gánh chịu thiệt hại nghiêm trọng, với doanh thu từ chi tiêu du lịch có nguy cơ “bốc hơi” tới 18 tỷ USD.
HÌNH ẢNH NƯỚC MỸ XẤU ĐI TRONG MẮT KHÁCH QUỐC TẾ?
Một số dấu hiệu đáng báo động đã bắt đầu xuất hiện. Kể từ khi ông Trump tuyên bố áp thuế 25% đối với nhiều mặt hàng từ Canada, lượng người Canada lái xe sang Mỹ tại một số cửa khẩu đã giảm tới 45% so với cùng kỳ năm ngoái. Canada hiện là nguồn khách quốc tế lớn nhất của Mỹ. Hãng hàng không Air Canada cũng thông báo cắt giảm các chuyến bay đến một số điểm du lịch Mỹ, trong đó có Las Vegas do nhu cầu suy giảm.
Cuộc khảo sát do công ty nghiên cứu thị trường Leger cho thấy 36% người Canada từng có kế hoạch du lịch Mỹ đã hủy bỏ chuyến đi. Tương tự, công ty phân tích hàng không OAG cũng cảnh báo lượng đặt vé bay từ Canada sang Mỹ trong tháng 3 đã giảm hơn 70% so với cùng kỳ năm ngoái. Trước đó, Hiệp hội Du lịch Mỹ từng thừa nhận rằng chỉ cần lượng khách Canada đến Mỹ giảm 10% cũng có thể khiến nước này thiệt hại 2,1 tỷ USD và đe dọa đến 140.000 việc làm trong ngành dịch vụ khách sạn.
Nhiều khách quốc tế cho biết họ e ngại đến Mỹ vì môi trường chính trị ngày càng thiếu thân thiện, đặc biệt là các phát ngôn phân biệt nhắm vào người nước ngoài, người nhập cư và cộng đồng LGBTQ+.
Các mối lo ngại ngày càng gia tăng sau hàng loạt vụ việc xảy ra tại các cửa khẩu biên giới Mỹ. Cụ thể, từng có trường hợp một phụ nữ Anh bị còng tay và giam giữ hơn 10 ngày do vướng mắc về thị thực. Cùng tháng đó, du khách Canada bị tạm giữ sau khi cố gắng gia hạn visa tại khu vực biên giới Mỹ - Mexico.
Mexico hiện là thị trường du lịch lớn thứ hai của Mỹ. Tourism Economics cho biết những quy định mới về kiểm soát biên giới đang khiến du khách Mexico “chùn bước”. Trong nhiệm kỳ đầu của ông Trump, lượng khách Mexico đến Mỹ đã giảm 3%. Riêng tháng 2/2025, lượng khách đi bằng đường hàng không từ Mexico trượt 6% so với cùng kỳ 2024.
Một loạt yếu tố khác cũng ảnh hưởng đến quyết định của du khách, đặc biệt là từ khu vực Tây Âu – nơi chiếm 37% lượng khách quốc tế đến Mỹ trong năm ngoái. Trong số đó có thể kể đến tình trạng giá cả tăng cao do thuế quan.
Nhiều quốc gia như Pháp, Đức, Đan Mạch và Na Uy phải ban hành cảnh báo riêng cho công dân chuyển giới và phi nhị nguyên giới, trong bối cảnh chính quyền Mỹ yêu cầu du khách khai báo giới tính sinh học khi xin visa. Đồng thời, Mỹ đã ngừng cấp hộ chiếu có ký hiệu “X”, vốn được nhiều người phi nhị nguyên giới sử dụng, cho công dân của mình.
Một khảo sát do tổ chức YouGov thực hiện cho thấy hình ảnh nước Mỹ trong mắt người dân Tây Âu đang trở nên tiêu cực. Hơn một nửa số người được hỏi tại Anh (53%), Đức (56%), Thụy Điển (63%) và Đan Mạch (74%) có quan điểm không thiện cảm với Mỹ.
Số liệu mới nhất cho thấy lượng khách quốc tế đến Mỹ trong tháng 3 đã giảm 12% so với cùng kỳ năm trước, theo Oxford Economics. Không chỉ Canada, lượng khách từ Tây Âu, châu Á và Nam Mỹ, vốn là những thị trường du lịch “đắt giá”, cũng trượt dốc tới hai con số, trích dẫn thống kế từ Hiệp hội Du lịch Mỹ.
“Khách quốc tế là nguồn thu dịch vụ lớn nhất của Mỹ, nhưng triển vọng tăng trưởng hiện đang xấu đi nhanh chóng”, ông Ryan Sweet, nhà kinh tế trưởng tại Oxford Economics viết trong một báo cáo đầu tháng 5. Tình trạng trì hoãn visa kéo dài, kiểm soát biên giới quá khắt khe cùng các lo ngại về nhân quyền đang khiến Mỹ mất dần sức hút trong mắt du khách quốc tế và tác động lâu dài đối với ngành du lịch nước này sẽ rất khó để đảo ngược.
Chuyên gia Lorraine Sileo từ Phocuswright Research cho rằng nguyên nhân chủ yếu là vấn đề nội tại của Mỹ, bởi hầu hết các khu vực khác trên thế giới đều ghi nhận mức tăng trưởng du lịch tích cực.
Trong khi đó, thị trường du lịch nội địa Mỹ cũng không thể bù đắp phần thiếu hụt, do đà tăng trưởng đã chậm lại từ đầu năm 2025. Xu hướng “du lịch trả thù” hậu Covid-19 thì gần như đã kết thúc.
DOANH NGHIỆP ĐỊA PHƯƠNG “ĐIÊU ĐỨNG”
Trước tình hình hiện tại, nhiều cơ sở kinh doanh địa phương đang phải chuẩn bị tinh thần cho một mùa du lịch thấp điểm. Một ví dụ tiêu biểu được phóng viên CNBC phỏng vấn là Kaia Matheny, người đồng sở hữu Adrift, một nhà hàng mang phong cách hàng hải với thực đơn “từ nông trại đến bàn ăn” nằm ở trung tâm Anacortes (Washington), cửa ngõ ra quần đảo San Juan và chỉ cách Vancouver (Canada) khoảng hai giờ lái xe.
Theo cô Matheny, mọi dự báo đều chỉ ra lượng khách quốc tế sẽ tiếp tục giảm mạnh trong suốt mùa hè. “Du lịch năm nay chắc chắn sẽ không như thường lệ. Chúng tôi đành cố gắng cầm cự và xoay xở trong tình hình khó khăn”, Kaia Matheny chia sẻ.
Trên phạm vi toàn quốc, các doanh nghiệp vừa và nhỏ đã chứng kiến lợi nhuận sụt giảm mạnh do ngành du lịch chững lại, theo nhà kinh tế Aaron Terrazas của công ty dịch vụ nhân sự Gusto. Tỷ lệ doanh nghiệp du lịch có lãi, bao gồm công ty lữ hành, dịch vụ đặt phòng và căn hộ cho thuê, đã hạ xuống còn 32% trong tháng 4/2025, so với mức 41% và 43% vào cùng kỳ năm 2024 và 2023. Các cơ sở lưu trú như khách sạn nhỏ, nhà nghỉ, cabin, nhà khách và khu cắm trại cũng gặp khó khăn khi lợi nhuận đã giảm từ 44% xuống còn 36%.
Về mặt kinh tế, du lịch được coi là một ngành xuất khẩu dịch vụ lớn của Mỹ. Du khách quốc tế đã chi hơn 180 tỷ USD tại Mỹ trong năm 2024, vượt cả tổng giá trị xuất khẩu nông sản, theo ông Geoff Freeman, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Hiệp hội Du lịch Mỹ. Theo ông, lý do chính không nằm ở chi phí tăng do lạm phát hay tiền lương, mà là lượng khách hàng sụt giảm, đồng nghĩa với doanh thu mất đi.
Nếu tình trạng này kéo dài, phần lớn các doanh nghiệp phụ thuộc vào du lịch sẽ buộc phải cắt giảm chi phí và cắt giảm nhân sự. Tại Anacortes, doanh thu nhà hàng của Kaia Matheny hiện thấp hơn khoảng 4% so với năm trước, một mức giảm không quá lớn, nhưng đủ để thấy rõ ảnh hưởng. Nhà hàng đã buộc phải cắt giảm lượng nguyên liệu nhập về tương ứng, kéo theo ảnh hưởng lan rộng đến các nông trại và cơ sở đánh bắt địa phương. “Đây là tác động đến cả cộng đồng”, cô Matheny nói.
Thiệt hại còn nghiêm trọng hơn trong bối cảnh ngành du lịch Mỹ vẫn chưa phục hồi về mức trước đại dịch. Dù chỉ chiếm chưa đến 10% tổng nhu cầu du lịch tại Mỹ, nhưng khách quốc tế lại chi tiêu nhiều hơn rất nhiều. Mỗi du khách quốc tế chi trung bình hơn 4.000 USD cho mỗi chuyến đi, gấp 8 lần so với khách du lịch nội địa. Khách đến từ Canada và Mexico cũng chi khoảng 1.200 USD mỗi chuyến.
Các thành phố như Las Vegas, Los Angeles, Miami, New York, Orlando (Florida) và San Francisco chiếm tỷ lệ khách quốc tế lớn nhất, theo ông Ryan Sweet thuộc Oxford Economics. “New York có nền kinh tế lớn và đa dạng, nên có thể hấp thụ phần nào tác động tiêu cực. Nhưng Las Vegas hay Honolulu thì không”, ông Sweet nhấn mạnh.
Trong khi hàng nghìn du khách hủy kế hoạch du lịch đến Mỹ, nhiều điểm đến khác lại đang chứng kiến lượng quan tâm tăng vọt. Các khách sạn ở Bermuda chứng kiến số lượt đặt chỗ từ khách Canada tăng mạnh, với một số dự đoán doanh thu từ thị trường Canada có thể bổ sung thêm 20%. Tại châu Âu, các dịch vụ lưu trú cũng báo cáo lượng đặt phòng từ Canada leo 32% so với năm trước.
Mỹ Hân