Trên các triền đồi xã Nà Pó, hàng chục hộ người dân tộc Thái của HTX Nông nghiệp Ngọc Hoàng đang tất bật thu hoạch thanh long ruột đỏ. Cây trồng này tưởng chừng chỉ thích hợp với vùng đất khô miền Trung, vậy mà giờ đây lại vươn cao tươi tốt giữa đại ngàn Tây Bắc, cho ra những mùa vụ ngọt lành và bội thu.
Người Mông, Thái làm giàu
Gần 4 năm qua, HTX Nông nghiệp Ngọc Hoàng đã xuất khẩu thành công hơn 600 tấn thanh long sang các thị trường khó tính như Pháp, Anh, Nga và Hàn Quốc. Một phần rất lớn trong diện tích canh tác là của đồng bào dân tộc Thái, Mông ở các xã vùng cao như Nà Pó, Chiềng Sung, Chiềng Dong.
HTX hiện có hơn 200 ha trồng thanh long, trong đó 100 ha là của các thành viên là đồng bào dân tộc tại chỗ, số còn lại liên kết với bà con ở các huyện Mộc Châu, Yên Châu, Thuận Châu.
Đồng bào người Mông, Thái ở Mai Sơn đang mạnh dạn trồng các loại cây cho giá trị cao (Ảnh: BSL).
Mỗi ha thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP có thể mang về trung bình 300–500 triệu đồng/năm. Với kỹ thuật rải vụ, bà con còn có thể bán thanh long đúng dịp Tết, giá cao gấp 2–3 lần chính vụ.
“Trước đây bà con chỉ trồng ngô, sắn, cuộc sống rất chật vật. Từ khi tham gia HTX, được hướng dẫn kỹ thuật, hỗ trợ giống và phân bón, họ đã thay đổi hẳn cách làm. Giờ mỗi hộ có vài ha thanh long, thu nhập cả trăm triệu đồng mỗi vụ là chuyện thường thấy”, đại diện HTX Ngọc Hoàng chia sẻ.
Rời Nà Pó, tìm đến HTX Đoàn Kết ở xã Chiềng Mung, nơi một mô hình mới đang dần thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp của người dân tộc thiểu số.
Ông Nguyễn Đình Tuấn, Giám đốc HTX, chia sẻ: “HTX có gần 20 hộ tham gia, cùng trồng nho hạ đen, nhãn, thanh long. Cách đây 3 năm, tôi được đi học tập mô hình ở Hà Nội, Bắc Giang. Về đến quê, tôi quyết tâm đưa nho về trồng trên đất núi đá này”.
Ban đầu chỉ trồng thử 1.500 cây nho dưới nhà màng có hệ thống tưới tự động, chỉ sau 6 tháng, HTX đã mở rộng lên 3.000 cây. Vụ đầu tiên năm 2022 đã thu về 9 tấn quả, giá bán trung bình 140.000 đồng/kg, thu về hơn 1,2 tỷ đồng.
Đến nay, bà con dân tộc Thái ở bản Hẹo, bản Nhọt cũng bắt đầu học trồng nho. “Bà con chịu khó học hỏi, làm đúng kỹ thuật nên cây phát triển tốt. Nho Sơn La có vị ngọt đậm, quả đẹp nên rất được lòng người tiêu dùng”, ông Tuấn hồ hởi nói.
Vùng đất đổi đời từ cây ăn quả
Tại xã Cò Nòi, nơi có đông đồng bào Mông và Thái sinh sống, mô hình cây ăn quả của HTX Đại Phát (bản Nhạp) đang thực sự làm thay đổi bộ mặt nông thôn.
Trên diện tích 110 ha, HTX phát triển các loại cây như chanh leo, na Thái, nhãn, xoài, dâu tây – tất cả đều trồng theo tiêu chuẩn an toàn. Trong đó, 35 ha nhãn và 35 ha xoài đang cho năng suất cao, tiêu thụ ổn định. Gần 30 hộ tham gia HTX là người dân tộc thiểu số, được hỗ trợ nhà màng, đường nội đồng và kỹ thuật canh tác.
Anh Lò Văn Khuyên, người Thái, thành viên HTX, cho biết: “Tôi tham gia từ 2021, được HTX hỗ trợ giống xoài và phân bón. Đến nay vườn đã cho thu hoạch, mỗi năm lãi hơn 100 triệu. Trước kia chỉ trồng ngô, chẳng đủ ăn”.
Để nâng cao hiệu quả, HTX còn phát triển 1 ha nhà màng trồng rau quanh năm, vừa giải quyết việc làm cho phụ nữ nông thôn, vừa nâng cao thu nhập. Tổng doanh thu mỗi năm lên nhiều tỷ đồng, trong đó phần lớn do chính tay bà con dân tộc sản xuất ra.
Đồng bào dân tộc thiểu số ở Mai Sơn đang phát triển hàng trăm ha cây ăn quả theo hướng hàng hóa (Ảnh: BSL).
Không chỉ riêng Mai Sơn, toàn tỉnh Sơn La đang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa. Từ năm 2020 đến nay, riêng huyện Mai Sơn đã trồng mới hơn 1.100 ha cây ăn quả, nâng tổng diện tích lên hơn 11.000 ha.
Trong đó, hơn 3.500 ha áp dụng công nghệ cao, gần 1.000 ha đạt chứng nhận VietGAP, hơn 1.200 ha có mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu. Đáng chú ý, hơn 50 HTX, doanh nghiệp tại địa phương đang vận hành mô hình sản xuất hiện đại, có sự tham gia tích cực của bà con dân tộc thiểu số.
Huyện còn xây dựng 47 chuỗi liên kết tiêu thụ nông sản an toàn, liên kết hàng nghìn ha đất canh tác với các nhà máy chế biến trong và ngoài tỉnh. Từ cà phê, mía, ngô ngọt đến đậu tương rau – tất cả đang được sản xuất theo chuỗi, nâng cao giá trị, giảm rủi ro thị trường.
Đích đến nông nghiệp hiện đại
Dễ nhận thấy thành công trong quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất dốc vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Mai Sơn có dấu ấn đậm nét của các HTX, tổ hợp tác, nhờ vào sự hỗ trợ tích cực từ Liên minh HTX Việt Nam và Liên minh HTX tỉnh Sơn La.
Các chương trình hỗ trợ từ Liên minh HTX Việt Nam và Liên minh HTX tỉnh Sơn La đã góp phần quan trọng vào việc nâng cao năng lực sản xuất, mở rộng thị trường và cải thiện thu nhập cho các HTX trên địa bàn tỉnh Sơn La nói chung và huyện Mai Sơn nói riêng.
Một trong những chương trình nổi bật là tổ chức nhiều hội nghị tuyên truyền, tư vấn khởi nghiệp gắn với mô hình HTX, hỗ trợ tư vấn cho các nhóm sáng lập viên xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh, hoàn thiện hồ sơ, thủ tục thành lập HTX.
Liên minh HTX tỉnh Sơn La đã tổ chức nhiều lớp tập huấn, bồi dưỡng cho cán bộ quản lý, giám đốc, kế toán của các HTX. Các HTX được hỗ trợ tham gia hội chợ xúc tiến thương mại và công nghệ, tạo điều kiện kết nối với các doanh nghiệp và thị trường tiêu thụ. Chẳng hạn, HTX nông nghiệp Ngọc Hoàng đã xuất khẩu thành công hơn 600 tấn thanh long ruột đỏ sang các thị trường quốc tế như Pháp, Anh, Nga và Hàn Quốc...
Không còn là những người đứng ngoài cuộc, giờ đây với việc thành lập của các HTX, tổ hợp tác bà con các dân tộc thiểu số đang là lực lượng nòng cốt trong phát triển nông nghiệp hiện đại tại Mai Sơn. Từ bàn tay thô ráp gắn với nương ngô, giờ họ đã thành thạo quy trình sản xuất sạch, biết chọn giống, kiểm soát sâu bệnh, canh tác theo tiêu chuẩn quốc tế.
Từ chỗ đi bán sức lao động, đồng bào dân tộc thiểu số ở Mai Sơn đang làm chủ vườn cây của mình, tự tin xuất khẩu trái cây đi nước ngoài. Đó là thành quả lớn nhất mà HTX và chính quyền cùng bà con đã làm được trong quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên địa bàn huyện.
Đông Phong