Xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam đang đối mặt với nhiều trở ngại đáng kể, thể hiện rõ qua số liệu sụt giảm nghiêm trọng trong quý 1. Cụ thể, khối lượng sầu riêng xuất khẩu đã giảm hơn 50% so với cùng kỳ năm ngoái, kéo theo giá trị cũng giảm sâu tới 61,1%. Tình trạng này cho thấy một bức tranh không mấy sáng sủa cho ngành sầu riêng Việt Nam trên thị trường quốc tế.
XUẤT KHẨU GẶP KHÓ
Tình hình xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam trong quý 1/2025 đang đối mặt với nhiều thách thức đáng lo ngại, thể hiện rõ qua các số liệu sụt giảm nghiêm trọng. Mặc dù tháng 3 có sự khởi sắc về lượng và trị giá so với tháng trước đó, nhưng nhìn chung vẫn rất ảm đạm.
Theo Cục Hải quan, tổng lượng sầu riêng xuất khẩu trong quý 1/2025 chỉ đạt 26.860 tấn, với trị giá 98,2 triệu USD. So với cùng kỳ năm 2024, con số này đã giảm mạnh 52,7% về lượng và 61,1% về trị giá. Đây là một sự sụt giảm đáng báo động, cho thấy những khó khăn lớn mà ngành sầu riêng Việt Nam đang phải đối mặt trên thị trường quốc tế.
Kim ngạch xuất khẩu sầu riêng sụt giảm đáng kể trong đầu năm nay
Thậm chí, sầu riêng đã tụt xuống vị trí thứ ba trong nhóm các loại trái cây xuất khẩu chủ lực, xếp sau chuối và thanh long – một dấu hiệu cho thấy sự suy yếu của mặt hàng này so với các loại trái cây khác của Việt Nam.
Sự sụt giảm nghiêm trọng trong kim ngạch và sản lượng xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam trong quý 1 được ngành công thương xác định bắt nguồn từ thị trường Trung Quốc. Đây là thị trường tiêu thụ sầu riêng lớn nhất của Việt Nam, nhưng trong quý đầu năm, kim ngạch xuất khẩu sang Trung Quốc đã giảm mạnh tới 78,3%, chỉ còn 49,5 triệu USD.
Nhiều nguyên nhân dẫn đến việc Trung Quốc giảm nhập khẩu như chính sách kiểm soát nhập khẩu chặt chẽ hơn, sự gia tăng nguồn cung từ các đối thủ cạnh tranh khác… Trao đổi với báo chí, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, đã chỉ ra nguyên nhân cốt lõi khiến xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc sụt giảm nghiêm trọng liên quan đến chất cadmium và chất vàng O.
Theo ông Nguyên, phía Trung Quốc phát hiện những lô hàng sầu riêng của Việt Nam có dư lượng chất cấm nên họ trả về. Ông Nguyên cũng nhấn mạnh rằng để giải quyết vấn đề này sẽ tốn nhiều thời gian. Muốn khắc phục, các vùng trồng sầu riêng của Việt Nam cần phải được kiểm tra lại kỹ lưỡng để xác định xem có bị nhiễm cadmium hay không.
Sầu riêng đang chuẩn bị vào chính vụ, đầu ra cho sản phẩm đang là nỗi lo lớn người người nông dân vùng trồng. Ông Vũ Đức Côn, Chủ tịch Hiệp hội Sầu riêng tỉnh Đắk Lắk đã gửi “tâm thư” đến Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường, đề xuất loạt giải pháp tháo gỡ vướng mắc cho hoạt động xuất khẩu sầu riêng trong bối cảnh Trung Quốc siết chặt kiểm soát chất lượng.
Thông tin từ địa phương, thủ phủ sầu riêng Tây Nguyên chuẩn bị vào chính vụ thu hoạch với sản lượng lớn. Riêng tại Đắk Lắk, sản lượng sầu riêng năm nay ước khoảng 500.000 tấn. Nếu không giải quyết được chuyện kiểm tra, kiểm soát chất cấm thì hoạt động xuất khẩu sẽ gặp nhiều khó khăn.
Lo lắng trước vấn đề còn tồn tại, Hiệp hội Sầu riêng tỉnh Đắk Lắk kiến nghị Bộ Nông Nghiệp và Môi trường rà soát, kiểm tra quá trình triển khai cấp, quản lý mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc thời gian qua. Bộ cũng cần có biện pháp giám sát, xử lý những vùng trồng vi phạm, tránh ảnh hưởng chung.
Bộ Nông Nghiệp và Môi trường cần nghiên cứu xây dựng tiêu chuẩn sầu riêng xuất khẩu cũng như các tiêu chuẩn ở thị trường nội địa. Cùng với đó, đưa khoa học công nghệ vào tính toán độ tuổi đạt yêu cầu, kiểm tra các chỉ tiêu an toàn thực phẩm của từng khu vực, từng nhà vườn trước khi đem xuất khẩu và đưa ra thị trường nội địa tiêu thụ.
Mới đây, ngày 20/5, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Môi trường nghiên cứu thông tin báo chí nêu về "Sầu riêng vẫn loay hoay giải quyết chất vàng O", chủ động chỉ đạo, xử lý theo chức năng nhiệm vụ, thẩm quyền được giao.
THỊ TRƯỜNG NỘI ĐỊA "CỨU" SẦU RIÊNG
Thực tế, từ lâu, việc kinh doanh sầu riêng nhỏ lẻ qua các kênh truyền thống như chợ, siêu thị hay cửa hàng phân phối đã là điều quen thuộc và hiển nhiên. Tuy nhiên, buộc người bán phải thay đổi chiến lược kinh doanh.
Sầu riêng không chỉ dừng lại ở các kênh truyền thống mà đã bước chân lên các sàn thương mại điện tử lớn, đặc biệt, các phiên livestream bán hàng trực tiếp trên mạng xã hội.
Trong các phiên livestream này, người bán không chỉ giới thiệu sản phẩm mà còn tương tác trực tiếp với khách hàng, giải đáp thắc mắc, thậm chí là bổ sầu riêng tại chỗ để người xem có thể hình dung chất lượng bên trong. Kết hợp với nhiều chiêu thức truyền thông sáng tạo, từ việc kể câu chuyện về vườn sầu riêng, chia sẻ bí quyết chọn trái ngon, đến các chương trình khuyến mãi hấp dẫn...
Đáng chú ý, một xu hướng mới đã nổi lên mạnh mẽ: người nông dân, những người trực tiếp trồng và chăm sóc cây sầu riêng, đã trở thành những KOL, KOC. Họ không chỉ đơn thuần bán sản phẩm mà còn chia sẻ câu chuyện về vườn sầu riêng của mình, quá trình chăm sóc, và bí quyết để có những trái sầu riêng thơm ngon.
Cả chủ vườn và thương lái đều có thể phát triển dấu ấn cá nhân trên sàn thương mại điện tử
Việc trực tiếp bán hàng qua sàn thương mại điện tử đem lại rất nhiều cái lợi cho người kinh doanh như nhờ bán trực tiếp đến tay người tiêu dùng, chủ vườn có thể giữ được mức giá ổn định hơn, không bị ép giá bởi thương lái, từ đó tăng lợi nhuận đáng kể.
Bên cạnh đó, qua hoạt động xây dựng kênh cá nhân để bán hàng, sản phẩm sầu riêng của một vườn hoặc một thương hiệu có thể khẳng định tính nhận diện thương hiệu rất lớn, xây dựng được tệp khách hàng của riêng mình.
Ví dụ một chủ vườn sầu riêng tại Tiền Giang, trước đây chỉ bán sầu riêng qua các chợ đầu mối hoặc cho thương lái với giá cả bấp bênh, khoảng 30.000 - 40.000 đồng/kg tại vườn. Khi xuất khẩu gặp khó khăn, họ định học cách livestream và bán hàng trực tiếp.
Sau đó những video đăng tải có thể đạt tới 500.000 lượt xem và vài trăm lượt chia sẻ. Kết quả kinh doanh từ đấy khởi sắc với doanh số bùng nổ, chỉ sau khoảng 2 tháng livestream đều đặn (mỗi tuần 3 buổi, mỗi buổi 2-3 tiếng), chủ vườn đã bán được trung bình 3-5 tấn sầu riêng mỗi tuần. Tính theo giá bán lẻ trung bình trên nền tảng trong khoảng 60.000 - 80.000 đồng/kg, cao hơn đáng kể so với giá bán tại vườn cho thương lái, doanh thu cũng từ đó mà tăng cao.
Hiệu suất bán hàng từ kênh này là rất lớn, giúp sầu riêng nhanh chóng tiếp cận được lượng lớn khách hàng tiềm năng trên khắp cả nước, tạo nên một kênh tiêu thụ nội địa sôi động và hiệu quả, phần nào bù đắp cho những thiệt hại từ thị trường xuất khẩu.
Hà Linh