Năm nay, cấp ủy Đảng, chính quyền xã phối hợp với các tổ chức thiện nguyện tổ chức Hội xuân Pả Vài. Bao đời nay, miền quê núi này bà con các dân tộc Mông, Tày, Nùng, Cao Lan, Sán Chay… đã định canh, định cư. Quy tụ tạo sự giao lưu, giao thoa văn hóa và tình cảm đoàn kết gắn bó luôn được các cấp, các ngành quan tâm. Chọn bản Pả Vài là địa điểm mở hội cũng là cách để lan tỏa bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào.
Những năm gần đây, từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới, xã đã đầu tư nâng cấp, mở rộng con đường trục chính đến Pả Vài. Bà con còn được hỗ trợ về kỹ thuật sản xuất, giống cây trồng, vật nuôi, công cụ sản xuất. Nhiều hộ dân đã chuyển đổi đất vườn tạp, đất trồng ngô sắn, hoa màu bên chân núi đá sang trồng mía, trồng na.
Được điều động về đảm nhận chức danh chủ tịch xã, Sơn đã cùng tập thể cấp ủy tiến hành khảo sát, lập phương án bảo tồn, phục dựng những nét văn hóa đẹp trong đồng bào các dân tộc. Sơn cũng đề xuất tổ chức hội xuân tạo điểm nhấn cho các hoạt động. Anh cho rằng trong nhịp sống hiện đại, giữ gìn bản sắc văn hóa của từng dân tộc cần phải có những cách làm thích hợp.
Không gian hội xuân được bố trí trên những thửa ruộng mấp mô chân rạ. Khu chợ phiên mở cửa từ sớm tíu tít người tham quan, mua sắm. Đón tiếp các đại biểu về dự, Sơn vui vẻ giới thiệu:
- Cùng với các nghi lễ, dân ca, dân vũ, nét văn hóa của đồng bào còn được thể hiện trong nhiều mặt hàng.
Hội xuân này lãnh đạo xã tổ chức cuộc thi gian hàng đẹp, mang bản sắc của từng dân tộc, từng bản. Chính vì vậy, người dân đã hăng hái sáng tạo, sản xuất nhiều loại sản phẩm như thổ cẩm, mây tre đan, gỗ mỹ nghệ, ẩm thực… mang tới tham gia.
Ông Tứ, Trưởng bản Pả Vài đi bên các đại biểu bày tỏ:
- Hội xuân là cơ hội để người sản xuất tiếp cận khách hàng, nắm bắt nhu cầu, lựa chọn sản xuất theo hướng hàng hóa…
Không chỉ là trưởng bản, ông Tứ còn được bà con gọi là “ông công nghệ”. Các trang mạng xã hội của ôngthu hút khá đông lượt theo dõi. Hơn một năm nay, sau đợt tập huấn về chuyển đổi số, ông đã học hỏi về công nghệ, nhờ bọn trẻ trong bản dạy quay phim, chụp ảnh, dựng clip về cuộc sống thường ngày của bà con và lập kênh Youtube “Sắc màu quê núi”.
Trang Facebook, Zalo của ông cũng đăng tải thường xuyên các hình ảnh, video về đất và người vùng cao. Một số sản vật của bản ông giới thiệu được nhiều người biết, đặt mua. Hội xuân này ông cũng là người quảng bá nhiệt tình, bạn bè khắp nơi đã hẹn lên dự hội…
Ông chủ lễ trong bộ trang phục dân tộc lại gần Sơn.
- Sắp tới giờ khai hội, xin chủ tịch cho phép thực hiện nghi lễ.
- Vâng! Mời bà con tiến hành.
Theo chương trình đã thống nhất, bà con các dân tộc thực hiện phần lễ theo nghi thức truyền thống, chính quyền tổ chức phần hội. Phần lễ là nghi thức cúng trang trọng tại khu vực cây nêu để bày tỏ lòng kính trọng, tạ ơn thần núi, thần đất, cầu mong sơn thần thổ địa ban cho bà con một năm mới mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, ngô lúa đầy sàn, gia súc gia cầm sinh sôi.
Trong phần lễ, chủ lễ cũng xin các đấng thần linh cho phép tổ chức lễ hội. Mâm lễ vật gồm đầu lợn, bát gạo, quả trứng gà. Sau khi chủ lễ thắp hương và rót rượu ra ba chén nhỏ, mọi người lần lượt thắp hương vào đầu lợn trên mâm lễ vật.
Tuần hương cạn, phần hội được tiến hành trên sân khấu chính với các tiết mục trình diễn nghệ thuật dân gian sôi động như nhảy tắc xình, thổi kèn lá, múa khèn, các làn điệu dân ca, dân vũ. Nhiều hoạt động văn hóa ẩm thực tiếp nối tại khu vực liền kề như làm mèn mén, thắng cố, thịt nướng, chế biến các món ăn dân tộc. Các trò chơi dân gian tung còn, ném pao, đẩy gậy… thu hút đông đảo người dự hội tham gia.
Sơn cùng mấy nghệ sĩ nhiếp ảnh sang khu vực thi gói bánh chưng tại sân nhà văn hóa, anh hào hứng:
- Người miền xuôi bánh gói chưng hình vuông. Bánh của bà con ở đây hình tròn dài, các đội thi cũng gói theo phong tục. Nguyên liệu gói bánh là loại gạo nếp nương, đỗ xanh trồng ruộng cạn, thịt lợn săn hồng, mỡ mỏng chính là loại lợn đen còn gọi dân dã là lợn “tên lửa” vẫn thả rông ngoài bìa rừng, khe suối.
- Thi gói xong luộc chín chắc là muộn lắm? - Một người hỏi.
- Bánh chưng ngày mai xã gửi tặng một số hộ nghèo, muộn một chút không sao!
Không khí vui tươi đầy ắp hội xuân. Một chiếc xe tải dừng trước sân, người phụ nữ xuống xe, nhã nhặn:
- Em xin lỗi đến muộn. Một số nhóm thiện nguyện biết em lên Pả Vài nhờ chuyển hàng tặng bà con, em cho xe đi nhận thêm.
Mấy hôm trước, đại diện nhóm thiện nguyện làm việc với xã xin được mở gian hàng 0 đồng. Gian hàng có quần áo cũ, mới và một số vật dụng sinh hoạt quyên góp của nhiều tập thể, cá nhân. Bà con ai có nhu cầu có thể chọn mang về dùng. Sơn bắt tay người phụ nữ:
- Lên với bà con vùng cao là quý, muộn một chút không sao đâu chị. Mời chị ra bàn uống nước.
- Em còn chiếc xe đi sau nữa, cho phép em bày hàng luôn thôi anh…!
Chương trình buổi chiều tối mang tên “Vũ khúc đại ngàn” càng sôi động hơn với sự góp mặt của đội múa lân, sư tử, rồng cùng nhiều ca sĩ, nghệ sĩ đến từ thành phố. Với sự kết nối của các cơ quan báo chí, một công ty đã liên kết cùng nhiều nhà hảo tâm tổ chức chương trình và trao những phần quà chung tay cùng các hộ nghèo vui xuân. Những màn dân ca, dân vũ của người dân bản địa đan xen các tiết mục nghệ thuật hiện đại mang âm hưởng mùa xuân làm hội xuân thực sự ấn tượng.
* * *
Sơn nắm tay cùng bà con nhảy múa quanh đống lửa trong lời bài hát “Kết đoàn”, dù rất vui anh vẫn cảm thấy mình còn cần làm nhiều hơn cho bà con. Ý tưởng xây dựng Pả Vài trở thành điểm du lịch cộng đồng chợt lóe lên trong anh. Giữa chập trùng xanh, sắc màu cùng thanh âm tươi mới của đồng bào các dân tộc ngập tràn hương núi mùa xuân.
Truyện ngắn của Phan Thái