Các tảng băng trôi tại một trong những khu vực có tốc độ băng tan nhanh ở Greenland. Ảnh minh họa: Scitechdaily.com
Đáng chú ý, kịch bản này có thể xảy ra ngay cả khi mức tăng nhiệt trung bình 1,2 độ C trong thập kỷ qua tiếp tục diễn ra trong tương lai.
Tác động đến cuộc sống và sinh kế
Lượng băng tan từ các tảng băng khổng lồ Greenland và Nam Cực đã tăng gấp 4 lần kể từ những năm 1990 do cuộc khủng hoảng khí hậu, và hiện là yếu tố chính khiến mực nước biển dâng cao.
Mục tiêu nhằm giữ nhiệt độ toàn cầu tăng dưới 1,5 độ C gần như đã ngoài tầm với. Nhưng nghiên cứu mới phát hiện, ngay cả khi lượng khí thải nhiên liệu hóa thạch được cắt giảm nhanh chóng để đạt được mục tiêu này, mực nước biển vẫn sẽ dâng 1cm mỗi năm vào cuối thế kỷ này, nhanh hơn tốc độ mà các quốc gia có thể xây dựng các công trình phòng thủ ven biển.
Thế giới đang trên đà nóng lên 2,5 - 2,9 độ C, gần như chắc chắn sẽ vượt quá ngưỡng gây sụp đổ các tảng băng ở Greenland và Tây Nam Cực. Việc các tảng băng này tan chảy sẽ dẫn đến mực nước biển dâng 12m.
Hiện nay, có khoảng 230 triệu người sống trong phạm vi 1m so với mực nước biển, và 1 tỷ người sống trong phạm vi 10m so với mực nước biển. Ngay cả khi mực nước biển dâng chỉ 20cm vào năm 2050 cũng sẽ gây ra thiệt hại do lũ lụt toàn cầu ít nhất là 1 nghìn tỷ USD/năm đối với 136 thành phố ven biển lớn nhất thế giới, đồng thời tác động rất lớn đến cuộc sống và sinh kế của người dân.
Tuy nhiên, các nhà khoa học nhấn mạnh, mỗi nỗ lực hạn chế mức độ nóng lên toàn cầu nhờ hành động khí hậu đều có ý nghĩa, vì nỗ lực này sẽ làm chậm mực nước biển dâng và có thêm thời gian để chuẩn bị, giảm bớt tác động đến con người.
Mực nước biển đang dâng nhanh
Mực nước biển dâng là tác động lâu dài lớn nhất của cuộc khủng hoảng khí hậu, và các nghiên cứu trong những năm gần đây cho thấy, tình trạng này đang diễn ra nhanh hơn nhiều so với ước tính trước đây. Giới hạn 1,5 độ C được coi là cách để tránh những hậu quả tồi tệ nhất của tình trạng nóng lên toàn cầu, nhưng nghiên cứu mới cho thấy điều này không đúng đối với mực nước biển dâng.
Theo các nhà nghiên cứu, nhiệt độ “giới hạn an toàn” đối với các tảng băng rất khó để ước tính, nhưng có khả năng ở mức 1 độ C hoặc thấp hơn. Mực nước biển dâng ít nhất 1-2m hiện là điều không thể tránh khỏi. Tại Vương quốc Anh, chỉ cần mực nước biển dâng 1m thì phần lớn khu vực Fens và Humberside sẽ chìm xuống dưới mực nước biển.
“Giới hạn an toàn là giới hạn cho phép một số mức độ thích nghi, thay vì di cư nội địa và di cư bắt buộc nghiêm trọng, và giới hạn an toàn là mực nước biển dâng khoảng 1cm mỗi năm. Nếu đạt đến mức đó, thì việc thích nghi sẽ trở nên cực kỳ khó khăn, và sẽ chứng kiến tình trạng di cư lớn chưa từng thấy trong nền văn minh hiện đại”, ông Jonathan Bamber, nhà nghiên cứu tại Đại học Bristol (Vương quốc Anh) nhận định. Trong đó, các quốc gia đang phát triển như Bangladesh sẽ chịu thiệt hại nặng nề hơn nhiều so với các quốc gia giàu có với nhiều kinh nghiệm ứng phó, chẳng hạn như Hà Lan.
Được biết, nghiên cứu nói trên đã kết hợp dữ liệu từ các nghiên cứu về thời kỳ ấm áp cách đây tới 3 triệu năm, quan sát về tình trạng băng tan và mực nước biển dâng trong những thập kỷ gần đây, và các mô hình khí hậu. “Sự mất mát liên tục của các tảng băng gây ra mối đe dọa hiện hữu đối với các quần thể ven biển trên thế giới”, nghiên cứu kết luận.
Theo bà Andrea Dutton, một thành viên của nhóm nghiên cứu đến từ Đại học Wisconsin-Madison (Mỹ), bằng chứng thu thập được từ các thời kỳ ấm áp trong quá khứ cho thấy mực nước biển dâng cao vài mét, hoặc hơn sẽ có thể xảy ra khi nhiệt độ trung bình toàn cầu tăng 1,5 độ C trở lên.
“Ngay cả khi loài người có thể đưa hành tinh trở lại nhiệt độ trước thời kỳ công nghiệp bằng cách loại bỏ CO2 khỏi khí quyển, thì vẫn phải mất hàng trăm đến hàng nghìn năm để các tảng băng phục hồi. Điều đó có nghĩa là đất bị mất đi do mực nước biển dâng sẽ vẫn bị mất đi trong một thời gian dài, có lẽ cho đến khi Trái đất bước vào kỷ băng hà tiếp theo”, các nhà khoa học nói thêm.
Lê Thảo (Lược dịch từ The Guardian & Communications Earth and Environment)