Cần có chính sách để cải thiện mức sinh
Theo Tổng cục Thống kê, kể từ năm 2009 đến năm 2022, trong suốt gần 15 năm, mức sinh của Việt Nam giữ trạng thái tương đối ổn định xung quanh mức sinh thay thế.
Tuy nhiên, trong hai năm gần đây, 2023-2024, mức sinh Việt Nam bắt đầu có dấu hiệu giảm nhanh hơn. Năm 2023, TFR của Việt Nam là 1,96 con/phụ nữ và giảm tiếp xuống còn 1,91 con/phụ nữ vào năm 2024.
TFR của khu vực thành thị là 1,67 con/phụ nữ, thấp hơn so với khu vực nông thôn (2,08 con/phụ nữ). Tổng số có 32 tỉnh, thành phố thuộc có mức sinh thấp hơn mức sinh thay thế (dưới 2,1 con/phụ nữ); có 25 tỉnh, thành phố có mức sinh dao động xung quanh mức sinh thay thế và 6 địa phương có mức sinh cao hơn mức sinh thay thế (cao hơn 2,5 con/phụ nữ).
Trong đó, Thành phố Hồ Chí Minh là địa phương có mức sinh thấp nhất cả nước (1,39 con/phụ nữ), Hà Giang có mức sinh cao nhất cả nước (2,69 con/phụ nữ).
“Rõ ràng, mức sinh của Việt Nam đang có xu hướng giảm và giảm khá nhanh trong những năm gần đây. Kinh nghiệm nhiều quốc gia trên thế giới như: các nước Châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc cho thấy, khi mức sinh đã giảm thì khó có xu hướng tăng trở lại.
Năm 2022, các nước OECD có TFR là 1,5 con/phụ nữ; TFR Nhật Bản là 1,26 con/phụ nữ; Hàn Quốc: 0,78 con/phụ nữ.
Nếu chúng ta không sớm có những chính sách kịp thời, mức sinh sẽ tiếp tục giảm trong những năm tiếp theo”- đại diện Tổng cục Thống kê cho hay.
Vừa qua Bộ Y tế đã có đề xuất không xử lý kỷ luật với Đảng viên sinh con thứ 3 trở lên. Tổng cục Thống kê đánh giá đây cũng là một đề xuất phù hợp trong bối cảnh hiện nay.
Ngoài ra, có thể nghiên cứu ban hành các chính sách khuyến khích sinh phù hợp với điều kiện kinh tế và văn hóa Việt Nam để mức sinh không giảm quá nhanh khi kinh tế phát triển.
H. Linh