Những thành tựu to lớn qua 95 năm

Những thành tựu to lớn qua 95 năm
4 giờ trướcBài gốc
50 năm từ ngày đất nước thống nhất (1975 - 2025), Đảng bộ tỉnh Tiền Giang vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, giành nhiều thành tựu quan trọng trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Đó là chặng đường phấn đấu, trưởng thành của nhiều thế hệ cách mạng, tô thắm thêm trang sử vẻ vang của Đảng bộ và nhân dân tỉnh nhà.
Chặng đường 10 năm (1975 - 1985) là giai đoạn khắc phục hậu quả chiến tranh và xây dựng quê hương, với nhiều khó khăn, thách thức. Nền kinh tế còn nghèo, lạc hậu, thiếu thốn về cơ sở vật chất kỹ thuật và kết cấu hạ tầng cơ sở. Tình hình chính trị, trật tự an toàn xã hội diễn biến phức tạp, chiến tranh biên giới phía Tây Nam và phía Bắc. Đảng bộ lãnh đạo nhân dân tự lực xây dựng, bảo vệ chính quyền cách mạng; trấn áp các tổ chức phản động; tăng gia sản xuất, ổn định đời sống nhân dân. Tuy nhiên, tình hình kinh tế - xã hội có nhiều khó khăn, cả nước đang trong tình trạng khủng hoảng kinh tế - xã hội. Cơ chế tập trung bao cấp, lực lượng sản xuất bị kìm hãm, sản xuất đình đốn, đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn.
Lãnh đạo tỉnh thăm vùng Đồng Tháp Mười tỉnh Tiền Giang ngày đầu khai phá. Ảnh: Tư liệu
Đứng trước tình hình đó, Đảng bộ tỉnh chủ trương củng cố hệ thống chính quyền, xây dựng lực lượng cách mạng, khôi phục kinh tế, hàn gắn vết thương chiến tranh, ổn định đời sống nhân dân. Trong nông nghiệp, Tiền Giang khôi phục diện tích sản xuất lúa, từng bước nâng diện tích và sản lượng cây lương thực, thực phẩm, duy trì và phát triển các loại cây đặc sản; khai hoang, phục hóa, dãn dân thành thị ra nông thôn, xây dựng vùng kinh tế mới.
Về lâm nghiệp thì quy hoạch, khoanh vùng bảo vệ, khai thác rừng, hình thành mạng lưới kiểm lâm, hạn chế khai thác và phá rừng phòng hộ. Trong công nghiệp, tỉnh thực hiện khôi phục và duy trì các ngành quan trọng như điện, nước, cơ sở sửa chữa cơ khí, sản xuất công cụ phục vụ sản xuất nông nghiệp, sản xuất tiểu thủ công xuất khẩu, vật liệu xây dựng, phân bón, thuốc trừ sâu, chế biến thức ăn gia súc; củng cố và phát triển giao thông vận tải, thương nghiệp, vật tư, xây dựng cơ bản, tài chính, ngân hàng.
Thành tựu nổi bật trong giai đoạn này là xây dựng và củng cố chính quyền cách mạng, hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở; xây dựng vùng kinh tế mới ở vùng Đồng Tháp Mười và thực hiện Chương trình Ngọt hóa vùng Gò Công. Đảng bộ luôn tìm tòi hướng đi mới, cách làm sáng tạo phù hợp với điều kiện của tỉnh trong từng thời điểm cụ thể. Những kết quả đó có ý nghĩa thiết thực, tạo tiền đề cho bước phát triển tiếp theo trong thời kỳ đổi mới.
Chặng đường gần 40 năm (1986 - 2025), Đảng bộ Tiền Giang xác định đúng nhiệm vụ trọng tâm, khâu đột phá để có chủ trương, giải pháp phù hợp, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, kịp thời phát hiện và giải quyết khó khăn, vướng mắc nảy sinh. Đảng bộ tỉnh coi trọng phát triển kinh tế nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ - du lịch; chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp, xây dựng và dịch vụ; thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn; coi trọng xây dựng nông thôn mới.
Gần 40 năm thực hiện đường lối đổi mới, Đảng bộ tỉnh phát huy năng lực sản xuất của các thành phần kinh tế, tốc độ tăng trưởng luôn ở mức cao, đẩy mạnh khai hoang, mở rộng diện tích cây trồng, hình thành các vùng chuyên canh cây công nghiệp dài ngày và các loại cây, gắn với phát triển cơ sở công nghiệp chế biến phục vụ cho tiêu thụ trong nước và xuất khẩu, cơ sở vật chất kỹ thuật được đầu tư xây dựng tương đối đồng bộ và từng bước hiện đại; gắn liền quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế với tăng cường hiệu lực quản lý, điều hành của chính quyền các cấp. Bộ máy Đảng bộ, chính quyền, Mặt trận, các đoàn thể nhân dân từng bước củng cố, kiện toàn. Tình hình chính trị và trật tự an toàn xã hội được giữ vững tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc, đề cao vai trò vận động nhân dân của Mặt trận và các đoàn thể, phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong sự nghiệp đổi mới đất nước.
Bằng các chủ trương, chính sách mới như đổi mới cơ chế quản lý kinh tế vĩ mô chuyển từ cơ chế quản lý hành chính bao cấp sang cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm và tự hạch toán kinh doanh đối với các đơn vị sản xuất, kinh doanh; điều chỉnh, sắp xếp lại doanh nghiệp, tổ chức lại sản xuất, thực hiện phân công phân cấp cho địa phương và cơ sở, xóa bỏ hình thức bao cấp, kiểm soát và xóa bỏ độc quyền kinh doanh, đẩy mạnh liên doanh, liên kết và xuất khẩu… tạo tiền đề và hành lang pháp lý cho sản xuất hàng hóa phát triển, nhất là các mặt hàng thế mạnh của tỉnh (lúa - gạo, trái cây, thủy sản, tiểu thủ công nghiệp…) đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của thị trường trong nước và xuất khẩu đem lại nguồn thu ngân sách đáng kể cho tỉnh. Năng lực sản xuất của các thành phần kinh tế được giải phóng và phát huy mạnh mẽ.
*
Những chuyển biến đó làm tăng thêm tiềm lực nền kinh tế địa phương, tăng dần tích lũy từ nội bộ của nền kinh tế, tạo điều kiện thuận lợi để ổn định và phát triển bền vững, giải quyết cơ bản đời sống của các tầng lớp nhân dân. Tỉnh tập trung triển khai đồng bộ các chủ trương, chính sách, giải pháp xây dựng nông thôn mới, lồng ghép với thực hiện nội dung tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, nhất là trong đầu tư hạ tầng nông thôn, phát triển sản xuất, nâng cao đời sống nông dân.
Nhờ nguồn lực từ phát triển kinh tế, xã hội, thu ngân sách... cùng với quyết tâm cao của hệ thống chính trị, công tác xây dựng nông thôn mới trở thành phong trào thiết thực, phát triển mạnh, chất lượng. Giai đoạn 2020 - 2025, nhất là 2 năm 2021 - 2022, đại dịch Covid-19 bùng phát làm suy giảm về kinh tế - xã hội, nhưng trong 2 năm 2022 - 2023, Tiền Giang thực hiện 2 nhiệm vụ trọng yếu: Vừa phòng, chống dịch bệnh Covid-19 vừa phục hồi, phát triển kinh tế. Kỳ diệu thay! Các mặt kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, an sinh xã hội... từng bước phục hồi và phát triển, nhiều chỉ tiêu vượt kế hoạch đề ra. Tính đến cuối năm 2024, giá trị tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) ước đạt 70.946 tỷ đồng, tăng 7,02% so với năm 2023; xếp hạng thứ 9/13 tỉnh trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và hạng 43 cả nước.
Thu nhập bình quân đầu người đạt 76,4 triệu đồng (kế hoạch 75,8 - 76,2 triệu đồng). Tỉnh Tiền Giang có 135/135 xã nông thôn mới (100%); trong đó, có 68 xã nông thôn mới nâng cao (50,40%), 14 xã nông thôn mới kiểu mẫu (10,40%); 8 huyện nông thôn mới (100%), trong đó có 2 huyện nông thôn mới nâng cao; 3 đô thị hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới (100%). Điều này thể hiện bước tiến vượt bậc của Đảng bộ tỉnh trong nhận thức, trong lãnh đạo, chỉ đạo điều hành phát triển nền kinh tế theo cơ chế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ đổi mới.
Đảng bộ tỉnh luôn xem giáo dục - đào tạo, khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu, văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển kinh tế - xã hội. Đảng bộ tỉnh cụ thể hóa Nghị quyết Hội nghị lần thứ hai Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII, Nghị quyết Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng đưa sự nghiệp giáo dục - đào tạo phát triển toàn diện, thực hiện các mục tiêu về nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực và bồi dưỡng nhân tài; đầu tư xây dựng mạng lưới y tế cơ sở, mạng lưới trường lớp vùng sâu, vùng xa và ở các địa bàn khó khăn đáp ứng nhu cầu học tập, khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Hoạt động khoa học - công nghệ được chú trọng, đưa tiến bộ kỹ thuật vào phục vụ sản xuất và đời sống, nghiên cứu gắn với thực tiễn, ngân sách của tỉnh dành cho sự nghiệp khoa học công nghệ hằng năm đều tăng; nhất là quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
TS. LÊ VĂN TÝ
(tiếp theo kỳ trước và còn tiếp)
Nguồn Ấp Bắc : http://baoapbac.vn/chinh-tri/202501/dang-bo-tinh-tien-giang-nhung-thanh-tuu-to-lon-qua-95-nam-1032760/