GS.TS Nguyễn Duy Ánh - Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương và cộng sự vui mừng đón công dân đầu tiên chào đời bằng phương pháp sinh thường tại bệnh viện. Ảnh: BV
Xu hướng không muốn hoặc sinh rất ít con
Một trong những thách thức lớn nhất của một số quốc gia là tình trạng già hóa dân số tăng nhanh và mức sinh giảm mạnh mà Việt Nam đang phải đối mặt. Điều này thách thức cả chiến lược phổ quát về đội ngũ lao động, nguồn nhân lực chất lượng cao của Việt Nam.
Về nhân chủng học, tỉ suất sinh của phụ nữ châu Á đã luôn thuộc nhóm thấp nhất thế giới. Báo chí châu Á phân tích nguyên nhân khiến người trẻ tại nhiều quốc gia châu Á sinh ít con, thậm chí không sinh con, là do họ khó có đủ tiền để nuôi một đứa trẻ.
Một vài lý do khác như họ không thể giải quyết được vấn đề xung đột giữa sinh con và công việc, quan hệ xã hội. Một số áp lực khác nữa của cuộc sống đô thị hóa, số hóa khiến ước mong có con lụi tàn. Chưa kể, môi trường độc hại và thực phẩm độc hại cũng góp phần làm nên nỗi ám ảnh về "hiếm muộn" đối với các gia đình trẻ.
Theo thống kê mới nhất, số con trung bình của một phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ tại Thành phố Hồ Chí Minh là 1,32, trong khi năm ngoái là 1,42. Đây cũng là khu vực đô thị sớm nhất sẽ chịu ảnh hưởng của già hóa dân số.
Không chỉ thế, tốc độ gia tăng nhanh tỉ số giới tính khi sinh đã được khống chế, nhưng vẫn ở mức cao và chưa có dấu hiệu giảm (năm 2023 là 112 bé trai/100 bé gái). Tốc độ già hóa dân số nhanh và Việt Nam sẽ sớm bước qua thời kỳ dân số vàng.
Tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết, mang thai và sinh con ở người chưa thành niên, tầm vóc, thể lực, chất lượng cuộc sống vẫn chưa được cải thiện như kỳ vọng. Khi chất lượng dân số chưa được giải quyết triệt để thì vấn đề nan giải mới đã xuất hiện là sự già hóa dân số.
Có một chi tiết thú vị là đầu năm 2024, các chuyên gia dự đoán dân số sẽ tăng do phụ nữ sính chuyện sinh con tuổi Rồng. Tuy nhiên, thực tế ngược lại, kể cả năm "đẹp" thì số lượng em bé cũng không tăng đột biến.
Hiện nay, 2 vùng có mức sinh thấp và thấp hơn mức sinh thay thế là Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long (lần lượt là 1,48 con/phụ nữ, 1,62 con/phụ nữ). Con số này có thể liên quan đến mức sống đang dần xuống thấp và độ tuổi kết hôn của thanh niên tăng lên, cũng như nhiều vấn đề xã hội khác.
Bước sang năm 2025 và những năm sắp tới, chúng ta tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức hơn nữa, nhiều chỉ tiêu về dân số có nguy cơ khó đạt!
Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn
Nền kinh tế bạc đã phải rục rịch chuyển động?
Việt Nam đạt và duy trì mức sinh thay thế suốt 15 năm qua (từ năm 2006, Việt Nam chính thức đạt mức sinh thay thế (2,09 con). Năm 2023, lần đầu tiên Việt Nam chứng kiến tổng tỉ suất sinh thấp nhất từ khi triển khai chương trình dân số (năm 1960). Mức sinh giảm mạnh, hiện xuống dưới 2 con.
Dân số trung bình năm 2023 của nước ta ước tính đạt 100,3 triệu người, tăng gần 835.000 người, tương đương tăng 0,84% so với năm 2022. Trong 10 năm 2013-2023, trung bình mỗi năm dân số Việt Nam tăng khoảng 1 triệu người - con số công bố của Tổng cục Thống kê.
Điều này cho thấy mức sinh Việt Nam giảm rõ rệt, đáng chú ý, Bộ Y tế dự báo mức sinh sẽ tiếp tục giảm trong các năm tới.
"Kinh tế bạc" là thuật ngữ ám chỉ một lĩnh vực cung cấp hàng hóa và dịch vụ cho những người trên 50 tuổi, bao gồm hệ thống trại dưỡng lão, viện chăm sóc người cao tuổi, giải pháp sức khỏe thể chất, tinh thần… đáp ứng nhu cầu đặc biệt của người cao tuổi. Các quốc gia tại châu Á đã chuyển sang nền kinh tế bạc và Việt Nam sẽ nối tiếp xu thế này?
"Hành động tuổi bạc" ám chỉ việc khuyến khích những người cao tuổi làm việc trong lĩnh vực giáo dục, khoa học và nông nghiệp, cũng như các lĩnh vực có kỹ năng và kinh nghiệm. Mặt khác, các quốc gia cũng có nhiều sáng kiến khuyến khích các công dân cao tuổi tham gia công tác xã hội, tình nguyện cho các chương trình nhằm thúc đẩy tăng trưởng ở các khu vực kém phát triển.
Rõ ràng, cùng với xu thế phát triển của dân sinh và kinh tế phù hợp với một xã hội đang phát triển với dân số trong tuổi lao động đông đảo, Việt Nam đang chuyển dịch dần sang nền kinh tế bạc lúc nào không hay. Đã xuất hiện các doanh nghiệp phá sản không phải vì thiếu vốn, mà thiếu lao động. Cùng với đó, tư duy làm kinh tế không thay đổi, vẫn nếp nghĩ cũ cho rằng, Việt Nam đang ở đỉnh cao của dân số vàng, lao động rẻ và đại trà mà không có bước tính cho tương lai.
Trương Thúy Hằng