Mức sinh giảm nhanh, Việt Nam đối mặt với xu hướng già hóa dân số

Mức sinh giảm nhanh, Việt Nam đối mặt với xu hướng già hóa dân số
5 giờ trướcBài gốc
Mức sinh của Việt Nam giảm khá nhanh trong những năm gần đây. Ảnh minh họa
Mức sinh giảm nhanh, tỷ suất sinh thấp nhất từ trước đến nay
Kể từ năm 2009 đến năm 2022, mức sinh của Việt Nam giữ trạng thái tương đối ổn định. Tuy nhiên, trong hai năm gần đây (2023-2024), mức sinh Việt Nam bắt đầu có dấu hiệu giảm nhanh hơn.
Theo số liệu điều tra của Tổng cục Thống kê, năm 2023, tổng tỷ suất sinh (TFR) của Việt Nam là 1,96 con/phụ nữ và giảm tiếp xuống còn 1,91 con/phụ nữ vào năm 2024. Đây là mức sinh thấp nhất quan sát được từ trước đến nay.
TFR của khu vực thành thị là 1,67 con/phụ nữ, thấp hơn so với khu vực nông thôn (2,08 con/phụ nữ). Có 32 tỉnh, thành phố có mức sinh thấp hơn mức sinh thay thế (dưới 2,1 con/phụ nữ); có 25 tỉnh, thành phố có mức sinh dao động xung quanh mức sinh thay thế và 6 địa phương có mức sinh cao hơn mức sinh thay thế (cao hơn 2,5 con/phụ nữ).
Trong đó, thành phố Hồ Chí Minh là địa phương có mức sinh thấp nhất cả nước (1,39 con/phụ nữ), tỉnh Hà Giang có mức sinh cao nhất cả nước (2,69 con/phụ nữ).
Theo Tổng cục Thống kê, mức sinh của Việt Nam đang có xu hướng giảm và giảm khá nhanh trong những năm gần đây. Kinh nghiệm nhiều quốc gia, như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc cho thấy, khi mức sinh đã giảm thì khó có xu hướng tăng trở lại.
"Vì vậy, cần sớm có chính sách kịp thời, khuyến khích sinh phù hợp với điều kiện kinh tế và văn hóa Việt Nam để mức sinh không giảm quá nhanh khi kinh tế phát triển", báo cáo đưa ra kiến nghị.
Xu hướng già hóa dân số nhanh
Cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, chất lượng cuộc sống được cải thiện, hệ thống y tế tốt hơn với nhiều công nghệ hiện đại đã góp phần kéo dài tuổi thọ của con người.
Tỷ lệ sinh có xu hướng giảm đã làm cho số người cao tuổi ngày càng tăng, dẫn đến hiện tượng già hóa dân số. Vấn đề già hóa dân số gây nhiều ảnh hưởng đến quá trình phát triển kinh tế trong dài hạn, làm giảm lực lượng và năng suất lao động, đòi hỏi đầu tư, chi tiêu xã hội nhiều hơn cho nhu cầu chăm sóc sức khỏe, kết cấu hạ tầng và những vấn đề về xã hội khác.
Theo một số nghiên cứu của Liên hợp quốc, cơ cấu dân số của một quốc gia được coi là trong thời kỳ "cơ cấu dân số vàng" khi nhóm trẻ em (0-14 tuổi) chiếm tỷ trọng nhỏ hơn 30% và nhóm người cao tuổi (từ 65 tuổi trở lên) chiếm tỷ trọng thấp hơn 15%.
Việt Nam hiện vẫn đang trong thời kỳ “cơ cấu dân số vàng”, khi một người phụ thuộc có hai người trong độ tuổi lao động. Tỷ trọng dân số từ 15-64 tuổi chiếm 67,4%, tỷ trọng dân số dưới 15 tuổi chiếm 23,3% và tỷ trọng dân số từ 65 tuổi trở lên chiếm 9,3%. "Cơ cấu dân số vàng" tạo ra nguồn lao động dồi dào, là cơ hội thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và là động lực phát triển kinh tế.
Tuy nhiên, từ năm 2011, Việt Nam bắt đầu quá trình già hóa dân số và là một trong số các quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới. Năm 2024, số lượng người già từ 60 tuổi trở lên là 14,2 triệu người, tăng 2,8 triệu người so với năm 2019 và tăng 4,7 triệu người so với năm 2014.
Dự báo đến năm 2030, số người từ 60 tuổi trở lên sẽ xấp xỉ 18 triệu người, tăng gần 4 triệu người so với năm 2024. Như vậy, Việt Nam đang ở trong thời kỳ già hóa nhanh do tuổi thọ người dân tăng cao và mức sinh giảm.
Trong ngắn hạn, già hóa dân số ảnh hưởng đến cơ cấu lực lượng lao động, từ đó, ảnh hưởng đến tăng trưởng và phát triển kinh tế. Trong dài hạn, già hóa dân số tạo ra tác động đa chiều, nhiều lĩnh vực từ kinh tế đến an sinh xã hội và văn hóa.
Chính vì vậy, ngoại trừ chính sách duy trì ổn định mức sinh, không để mức sinh giảm quá nhanh, cần phải tìm giải pháp để ứng phó với vấn đề già hóa dân số.
Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi. Ảnh minh họa
Khuyến khích người lớn tuổi tham gia công việc phù hợp
Trước thực trạng giảm tỷ lệ sinh và già hóa dân số nhanh, báo cáo của Tổng cục Thống kê đưa ra kiến nghị, cải thiện chính sách sử dụng hiệu quả nguồn cung lao động, đặc biệt là lao động lớn tuổi; tạo điều kiện và khuyến khích lao động lớn tuổi tham gia công việc phù hợp đóng góp thêm sức lực cho gia đình và xã hội. Về lâu dài nghiên cứu các giải pháp để tăng tuổi nghỉ hưu, đối với một số ngành nghề, lĩnh vực nhất định.
Mở rộng hệ thống bảo hiểm xã hội theo hướng thúc đẩy triển khai đa tầng, đa trụ cột để nâng cao mức độ bao phủ toàn diện, góp phần nâng cao mức sống của người hưởng bảo hiểm xã hội, giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước.
Nâng cấp hệ thống chăm sóc y tế, nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khỏe dài hạn cho người cao tuổi…
Khuyến khích thanh niên tham gia xây dựng xã hội và cải thiện tính linh hoạt của thị trường lao động. Cần hướng đến chiến lược chuẩn bị đầy đủ tài chính và sức khỏe cho tuổi già từ sớm, tăng cường vận động nhóm dân số trẻ đang hoạt động kinh tế tham gia bảo hiểm xã hội để chuẩn bị cho tuổi già đầy đủ hơn vì sẽ có lương hưu, không phải tất bật kiếm tiền và hài lòng với cuộc sống hơn.
Bên cạnh đó, cần có nhiều biện pháp để cải thiện cuộc sống cho cả người trong độ tuổi và hết tuổi lao động, đặc biệt là những người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, giúp họ có cuộc sống tốt hơn, nhằm chuẩn bị cho tuổi già tích cực trong bối cảnh xu hướng già hóa ngày càng nhanh.
Khuyến khích người cao tuổi tham gia hoạt động kinh tế, đặc biệt là những người có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, góp phần giảm tỷ số phụ thuộc chung bao gồm cả phụ thuộc già.
Đổi mới trong xây dựng cơ chế, chính sách để thu hút hiệu quả lực lượng lao động trong độ tuổi nghỉ hưu… chú trọng phát triển các chính sách tạo việc làm phù hợp, cải thiện thu nhập cho người cao tuổi.
Trên thực tế, có nhiều trường hợp người cao tuổi, đặc biệt là trong độ tuổi từ 60 đến 75, vẫn có sức khỏe, năng lực làm việc tốt, có kinh nghiệm, có nhiều khả năng đóng góp, cống hiến cho cộng đồng và xã hội.
Các chính sách tạo việc làm, thu nhập cho người cao tuổi cần được thiết kế có tính đặc thù, tận dụng được tiềm năng, thế mạnh của họ.
Nhìn chung, già hóa dân số của Việt Nam là một vấn đề phức tạp. Chỉ có sự nỗ lực của toàn xã hội thì vấn đề già hóa dân số ở Việt Nam mới được giải quyết hiệu quả.
"Việc điều chỉnh chính sách dân số của Việt Nam là sự thay đổi mang tính chiến lược toàn diện. Đây không chỉ là vấn đề sinh sản mà còn liên quan đến kế hoạch phát triển chung của đất nước. Việt Nam đang nỗ lực tìm kiếm những giải pháp hữu hiệu để giải quyết vấn đề già hóa dân số và bảo đảm sự phát triển bền vững của nền kinh tế", báo cáo của Tổng cục Thống kê nêu khuyến nghị.
Hồng Sơn
Nguồn Hà Nội Mới : https://hanoimoi.vn/muc-sinh-giam-nhanh-viet-nam-doi-mat-voi-xu-huong-gia-hoa-dan-so-690515.html