Cú sốc với kinh tế Việt Nam
Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa công bố chính sách thuế quan mới đối với tất cả các đối tác thương mại lớn của Mỹ. Theo đó, từ ngày 5.4.2025, mức thuế cơ bản 10% sẽ áp dụng cho mọi hàng nhập khẩu từ các đối tác thương mại. Từ ngày 9.4, mức thuế “có đi có lại” cao hơn sẽ áp lên hơn 60 quốc gia mà Mỹ gọi là "gây mất cân bằng thương mại", như Trung Quốc (34%) và Việt Nam (46%).
Trao đổi với phóng viên, TS Bùi Quý Thuấn, Phó trưởng ban Nghiên cứu, Liên chi hội Tài chính KCN Việt Nam (VIPFA) cho biết thuế đối ứng là loại thuế hoặc các rào cản phi thuế quan mà một quốc gia áp dụng đối với quốc gia khác, "có đi có lại", nhằm đạt được sự cân bằng trong cán cân thương mại quốc tế. Hiểu nôm na là “nếu họ đánh thuế chúng ta, chúng ta sẽ đánh thuế họ cùng mức như vậy”.
Tuy nhiên, theo ông Thuấn, điểm đặc biệt trong công bố chính sách áp thuế đối với các đối tác thương mại lần này, là Mỹ cũng sẽ kết hợp cả rào cản phi quan thuế và các chính sách thao túng tiền tệ mà Mỹ cho rằng các quốc gia đang áp dụng cho hàng hóa Mỹ. Việt Nam cũng được ông Donald Trump nhắc tới là quốc gia có liên quan đến chính sách tiền tệ.
TS Bùi Quý Thuấn, Phó trưởng ban Nghiên cứu, Liên chi hội Tài chính KCN Việt Nam (VIPFA)
Trong tuyên bố áp thuế đối với các đối tác thương mại lớn của Mỹ, Tổng thống Donald Trump tuyên bố danh sách các quốc gia/vùng lãnh thổ đánh thuế đối ứng cao, đứng đầu là Campuchia - 49%, Việt Nam - 46%, Srilanka - 44%, Bangladesh - 37%, Trung Quốc - 34%, Thái Lan - 36%, Đài Loan - 32%, Ấn Độ - 26%, Indonesia - 32%, Malayssia - 24%, Bangladesh - 37%, Philippines - 17%, Pakistan - 29%...
“Nhìn vào các mức thuế này thì có nghĩa mức thuế hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu vào Mỹ sẽ cao hơn so với các đối thủ cạnh tranh từ 10 - 20%, điều này sẽ làm giảm cạnh tranh hàng hóa của Việt Nam tại thị trường Mỹ. Đồng thời, việc này cũng gây khó khăn cho hàng loạt doanh nghiệp, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài lớn tại Việt Nam”, ông Thuấn nhìn nhận.
Đại sứ Hoàng Anh Tuấn cho rằng thuế không chỉ là công cụ tài chính mà là vũ khí kinh tế - chính trị, tích hợp an ninh quốc gia và tiền tệ, nhắm vào cấu trúc thương mại toàn cầu. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, chính quyền Trump dùng Đạo luật IEEPA 1977, tuyên bố tình trạng khẩn cấp kinh tế quốc gia, loại bỏ cơ chế đa phương, hành động đơn phương quyết liệt.
Ông Hoàng Anh Tuấn cũng cho rằng việc áp thuế này có thể làm gián đoạn chuỗi cung ứng, đẩy các nước và doanh nghiệp hướng tới nội địa hóa sản xuất, thay đổi xu thế thương mại tự do. Ngoài ra, chính sách này phản ánh nỗ lực của chính quyền Tổng thống Trump trong việc giảm thâm hụt thương mại, vốn lên tới 1,2 nghìn tỉ USD năm 2024. Tuy nhiên, nó cũng tiềm ẩn rủi ro lớn về giá cả, trả đũa cũng như các bất ổn kinh tế.
Thêm nữa, động thái này cũng ép các quốc gia điều chỉnh chính sách tỷ giá, thuế suất, hoặc mở cửa thị trường để tránh bị áp thuế cao hơn trong tương lai. Việc đánh thuế này cũng tái định hình thương mại quốc tế khi chính sách thuế quan mới đặt Mỹ ở vị trí trung tâm, buộc các nước đàm phán lại hiệp định thương mại theo chuẩn “America First”, thay vì quy tắc chung toàn cầu.
Đại sứ Hoàng Anh Tuấn
“Thuế quan là đòn bẩy mặc định, buộc các nước chấp nhận điều khoản thương mại có lợi cho Mỹ, thay vì dựa vào thể chế đa phương như trước”, Đại sứ Hoàng Anh Tuấn chia sẻ, đồng thời cho biết Tổng thống Trump vẫn thể hiện ý định linh hoạt, mở đường cho đàm phán song phương với các nước.
Cơ hội để Việt Nam cải cách
Theo TS Bùi Quý Thuấn, việc Mỹ áp thuế sẽ tác động tiêu cực đến xuất khẩu và kinh tế Việt Nam trong ngắn hạn. Tuy nhiên, đây cũng là một cơ hội để Việt Nam có thể tạo ra những thay đổi tích cực về lâu dài trong bối cảnh Việt Nam đang thực hiện các cải cách về thể chế và các chính sách kinh tế và khoa học công nghệ trong thời gian gần đấy.
Theo đó, việc phải chịu thuế cao từ Mỹ có thể buộc Việt Nam đẩy nhanh chiến lược đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, tận dụng 17 hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết, như EVFTA, CPTPP, RCEP…hoặc hướng tới các thị trường mới như Trung Đông với thị trường Halal (2,2 tỉ người), Đông Bắc Á, Bắc Mỹ, châu Phi…
Thâm hụt thương mại của Mỹ với Việt Nam là 123,5 tỉ USD
“Điều này giúp giảm phụ thuộc vào thị trường Mỹ trong dài hạn. Khi xuất khẩu gặp khó, các doanh nghiệp trong và ngoài nước có thể chuyển hướng sang thị trường nội địa với dung lượng hơn 100 triệu dân”, ông Thuấn nêu.
Đứng trước chính sách thuế quan của Mỹ, ông Thuấn cho rằng Việt Nam cần tiếp tục đàm phán song phương với chính quyền Mỹ đối với mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang thị trường Mỹ; định hướng và cung cấp thông tin cho các doanh nghiệp đa dạng hóa thị trường; thu hút đầu tư các tập đoàn lớn của Mỹ vào Việt Nam; tăng cường mua hàng từ Mỹ; tận dụng các hiệp định thương mại tự do nhằm đa dạng hóa thị trường; thúc đẩy nhanh các chính sách kinh tế mới như đầu tư công để kích cầu, hay phát triển kinh tế tư nhân, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo vào thực tiễn; nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp bằng cách cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh thực chất hơn nữa.
Ngoài ra, doanh nghiệp Việt Nam có thể đầu tư vào công nghệ, chuyển đổi số nhanh hơn và xanh hóa sản xuất, đáp ứng yêu cầu cao hơn từ các thị trường quốc tế. Điều này giúp nâng cao năng lực cạnh tranh và giá trị gia tăng của hàng hóa Việt Nam trong dài hạn.
Đặc biệt, ông Thuấn nhấn mạnh các doanh nghiệp Việt Nam sẽ chú trọng hơn với việc đầu tư vào nghiên cứu và phát triển, mở rộng và đa dạng thị trường và cải tiến, áp dụng công nghệ vào hoạt động sản xuất nhằm giảm chi phí và tạo ra những sản phẩm khác biệt thì mới có thể sòng phẳng cạnh tranh mà không lo ngại những rủi ro về chính sách thuế cũng như các rào cản phi thuế quan của các đối tác thương mại lớn trong tương lai.
Tại cuộc họp trong sáng nay 3.4 về vấn đề này, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ đây cũng là cơ hội cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng phát triển nhanh nhưng bền vững, xanh hóa, số hóa, dựa vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo; thúc đẩy xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả; thúc đẩy mở rộng thị trường, đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng; thúc đẩy nội địa hóa…
Lam Thanh