Mức thuế 46% và phép thử cho Việt Nam

Mức thuế 46% và phép thử cho Việt Nam
19 giờ trướcBài gốc
Dù gây chấn động giới đầu tư, nhưng đây không phải là một cú sốc bất ngờ. Trong bối cảnh chính trị thương mại ngày càng cảm tính, việc Việt Nam trở thành tâm điểm của một quyết định mang màu sắc chiến dịch tranh cử là điều đã được dự báo từ trước.
Trong hơn một thập niên qua, Việt Nam nổi lên là đối tác thương mại hàng đầu của Mỹ trong khu vực, nhưng cũng đồng thời là nước có mức thặng dư thương mại lớn nhất. Năm 2024, con số này đạt tới 123 tỷ USD, vượt cả Nhật Bản và Hàn Quốc. Với một chính quyền đặt khẩu hiệu “nước Mỹ trên hết” thì việc siết lại cán cân thương mại là bước đi tất yếu.
Điều khiến dư luận quốc tế chú ý không chỉ là mức thuế cao chưa từng có, mà còn là lập luận đi kèm: “Việt Nam bị cáo buộc áp thuế lên đến 90% đối với hàng hóa Mỹ”. Đây không phải là một tuyên bố có tính pháp lý, mà là một thông điệp chính trị, nhằm củng cố niềm tin của cử tri Mỹ rằng chính quyền đang “lấy lại công bằng”.
Trong khi thực tế, mức thuế trung bình Việt Nam áp dụng với hàng hóa Mỹ đã giảm đáng kể trong khuôn khổ các cam kết thương mại quốc tế. Tuy nhiên, các rào cản kỹ thuật, kiểm dịch, thủ tục nhập khẩu... được phía Mỹ xem là “thuế ngầm”, góp phần vào cảm nhận mất cân đối trong trao đổi thương mại.
Qua tình thế đó, Việt Nam không lựa chọn đối đầu. Cũng không đưa ra những tuyên bố phản đối ồn ào. Trước đó 31-3, Chính phủ ban hành Nghị định 73, điều chỉnh thuế suất nhập khẩu ưu đãi đối với hàng loạt mặt hàng từ Hoa Kỳ, gồm: khí hóa lỏng, ethanol, ô tô, nông sản, trái cây, gỗ và đồ nội thất.
Không một dòng thông cáo lớn, nhưng ai theo dõi chính sách đều hiểu đây là một bước đi có chủ đích, thể hiện tinh thần hợp tác và thiện chí thương lượng. Sự chủ động đó cho thấy cách Việt Nam lựa chọn ứng xử trong môi trường thương mại quốc tế ngày càng phức tạp. Đó là không "xin miễn trừ”, cũng không "đòi ưu đãi”, mà tự tin điều chỉnh để duy trì vị thế.
Thực tế, phần lớn giá trị xuất khẩu sang Mỹ là từ các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) chiếm tới 77%. Nghĩa là, khi Mỹ áp thuế với hàng Việt Nam, chính các công ty có vốn Mỹ, Hàn, Nhật cũng chịu ảnh hưởng. Bên cạnh đó, người tiêu dùng và doanh nghiệp Việt Nam mỗi năm vẫn chi hàng tỷ USD cho dịch vụ, công nghệ, giáo dục từ Hoa Kỳ nhưng các dòng tiền đó chưa bao giờ được tính đúng vào cán cân thương mại.
Việt Nam đang đứng ở vị trí đặc biệt vừa là điểm đến đầu tư chiến lược, vừa là mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Và như mọi nền kinh tế đang nổi khác, Việt Nam cần học cách giữ thăng bằng trong một thế giới có luật chơi không ngừng thay đổi.
Mức thuế 46% không nên được nhìn nhận như một “án phạt”, mà là một phép thử tư thế quốc gia. Một quốc gia đủ bản lĩnh sẽ không phản ứng bằng cảm xúc, mà bằng năng lực tự điều chỉnh, bằng đối thoại kiên định, và bằng những hành động cụ thể.
Và Việt Nam đang bước qua phép thử này theo cách như thế!
MINH PHONG
Nguồn SGĐT : https://dttc.sggp.org.vn/muc-thue-46-va-phep-thu-cho-viet-nam-post121744.html