Bộ trưởng Công an Lương Tam Quang phát biểu giải trình tại phiên họp chiều 13/11. (Ảnh: DUY LINH).
Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội Khóa XV, chiều 13/11, Quốc hội thảo luận tại Hội trường về Chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh điều hành phiên họp.
Thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên là nhóm có nguy cơ cao
Tham gia thảo luận, đại biểu Lê Tất Hiếu (đoàn tỉnh Vĩnh Phúc) bày tỏ nhất trí cao về sự cần thiết của Chương trình. Đại biểu đề nghị bổ sung quy định đối với người chưa sử dụng ma túy nhưng có nguy cơ cao về sử dụng ma túy vào chương trình.
Theo đó, đối tượng này là những thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên, người lao động. Đây phần nhiều là những đối tượng còn trẻ, đang trong quá trình hình thành nhân cách, hay đua đòi, dễ bị dụ dỗ, sa ngã. Do đó, muốn giảm tỷ lệ số người sử dụng ma túy thì Nhà nước, xã hội, nhà trường và gia đình cần có các biện pháp hữu hiệu để giám sát, quản lý chặt chẽ đối với các đối tượng này.
Tham gia thảo luận, đại biểu Lê Tất Hiếu (đoàn tỉnh Vĩnh Phúc) bày tỏ nhất trí cao về sự cần thiết của Chương trình. Đại biểu đề nghị bổ sung quy định đối với người chưa sử dụng ma túy nhưng có nguy cơ cao về sử dụng ma túy vào chương trình.
Bên cạnh đó, đại biểu cũng đề nghị cần nâng cao vai trò, trách nhiệm của gia đình, nhà trường, xã hội trong việc quản lý, giám sát đối với các đối tượng là trẻ em, thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên, người lao động.
Tham gia thảo luận, đại biểu Nguyễn Anh Trí (đoàn thành phố Hà Nội) cho biết, hiện nay ma túy diễn biến phức tạp, khó hơn trước nhiều và cũng thách thức toàn xã hội. Do đó, cần tập trung nhiều hơn, sâu sắc hơn việc phòng so với chống.
"Trong phòng chống, phải truyền thông, giáo dục và chú ý truyền thông không chỉ ở trường học mà còn ở công đoàn, cơ quan, công ty, đặc biệt là hội phụ nữ các cấp, hội người cao tuổi", đại biểu Nguyễn Anh Trí nêu.
Ngoài ra, đại biểu Đoàn Hà Nội cũng cho rằng, cần chú ý vấn đề ma túy khi sử dụng thuốc lá mới (thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng và loại khác…). Tất cả loại thuốc lá mới đều có nguy cơ là phương tiện sử dụng ma túy.
Tận dụng sức mạnh của công nghệ trong cuộc chiến với ma túy
Đại biểu Nguyễn Hoàng Uyên (đoàn tỉnh Long An) cho rằng, dự án ứng dụng khoa học và công nghệ trong phòng, chống ma túy rất phù hợp, kịp thời với xu hướng chuyển đổi số, hiện đại hóa trong việc quản lý nhà nước, nhất là trong bối cảnh tình hình tội phạm ma túy ngày càng phức tạp, tinh vi.
Việc sử dụng công nghệ để khoanh vùng, tìm kiếm thông tin đối tượng theo thời gian, xây dựng cơ sở dữ liệu kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến kết nối dữ liệu quốc gia về dân cư liên quan đến người nghiện ma túy là cần thiết. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc đưa ra yêu cầu xem xét ngoài việc đầu tư xây dựng phần cứng, phần mềm theo dự thảo cần phải có giải pháp tăng cường việc ứng dụng công nghệ và triển khai hiệu quả.
Đối với dự án 6 trong dự thảo, đại biểu cho rằng việc tăng cường cung cấp dịch vụ can thiệp, điều trị cho người sử dụng ma túy, đặc biệt ma túy tổng hợp là cực kỳ cần thiết. Do đó, cần phải tăng cường từ tổ chức bộ máy các tuyến, đào tạo chuyên sâu về lĩnh vực khoa học điều trị nghiện ma túy như liệu pháp tâm lý, can thiệp giảm tác hại, điều trị thay thế, điều trị cắt cơn và điều trị rối loạn tâm thần. Đây là những vấn đề lớn, cực kỳ quan trọng mà chưa được quan tâm đầu tư trong khi nhu cầu xã hội ngày càng nhiều.
Đại biểu Thạch Phước Bình (đoàn Trà Vinh) bày tỏ băn khoăn với chỉ tiêu giảm cung về ma túy. Về phấn đấu phát hiện, triệt phá 100% các điểm phức tạp về ma túy và các đối tượng bán lẻ, theo đại biểu Đoàn Trà Vinh, mục tiêu này quá cao và có thể khó đạt được. Đặc biệt trong bối cảnh các điểm, các đối tượng ma túy ngày càng tinh vi, dễ di chuyển mà tỷ lệ đặt ra 100% là khó đạt được, trừ khi có sự phối hợp thật tốt, chặt chẽ liên ngành, hiệu quả.
Đại biểu Thạch Phước Bình (đoàn Trà Vinh) bày tỏ băn khoăn với chỉ tiêu giảm cung về ma túy.
Với chỉ tiêu về giảm cầu, đại biểu cho biết, việc kiềm chế tỷ lệ gia tăng người nghiện dưới 1% mỗi năm có thể khó thực hiện vì sự phức tạp trong kiểm soát và quản lý số lượng người nghiện.
“Tỷ lệ này còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố xã hội và kinh tế", đại biểu Thạch Phước Bình nói.
Đại biểu Thạch Phước Bình cũng cho rằng, chỉ tiêu trên 80% trạm y tế cấp xã và 100% cơ sở cai nghiện công lập đủ điều kiện xác định tình trạng nghiện là mục tiêu hợp lý, cần thiết để nâng cao hiệu quả xác định và quản lý người nghiện. Dù vậy, thực tế cho thấy, y tế cơ sở hiện nay có cơ sở vật chất chưa bảo đảm. Tính khả thi lại phụ thuộc vào ngân sách hỗ trợ trong việc nâng cấp cơ sở vật chất và đào tạo nhân sự. Từ đó đại biểu đề nghị xem xét lại chỉ tiêu này.
Chống tội phạm và tệ nạn ma túy từ sớm, từ xa
Phát biểu giải trình ý kiến các đại biểu, Bộ trưởng Công an Lương Tam Quang cho biết, trên cơ sở tổng kết, đánh giá, kế thừa các kết quả đạt được của Chương trình phòng chống ma túy các giai đoạn trước, cơ quan soạn thảo đã xác định các mục tiêu, chỉ tiêu cần đạt được trong giai đoạn tới sát với thực tiễn tình hình công tác và khả thi về nguồn lực bảo đảm.
Trong quá trình xây dựng, cơ quan soạn thảo đã rà soát, đánh giá kỹ để đảm bảo nhiệm vụ, nội dung đầu tư của Chương trình không trùng lắp với các Chương trình khác và các Chương trình, đề án, dự án phát triển kinh tế, xã hội đang triển khai. Các dự án trong Chương trình được thiết kế theo hướng ưu tiên đầu tư trực tiếp cho cơ sở để chủ động làm tốt công tác phòng, chống tội phạm và tệ nạn ma túy từ sớm, từ xa, từ địa bàn, để đảm bảo giảm cung, giảm cầu, giảm tác hại, ngăn chặn, giảm thiểu những hệ lụy của ma túy đối với mỗi người dân, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp.
Bộ trưởng Công an Lương Tam Quang phát biểu giải trình tại phiên họp chiều 13/11. (Ảnh: DUY LINH)
Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh nêu rõ, đa số ý kiến phát biểu thống nhất cao với sự cần thiết đầu tư Chương trình ở quy mô Chương trình mục tiêu quốc gia, đánh giá cao tinh thần trách nhiệm, sự phối hợp chặt chẽ của cơ quan chủ trì xây dựng Chương trình, cơ quan chủ trì thẩm tra, các bộ, ngành, cơ quan hữu quan. Chương trình được thực hiện trên phạm vi cả nước trong 6 năm (2025-2030) gồm 9 dự án thành phần, 6 tiểu dự án do Bộ Công an quản lý Chương trình và 8 Bộ ngành chủ trì thực hiện các Dự án thành phần.
Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, các ý kiến của đại biểu đã nêu thêm nhiều góc nhìn sâu sắc từ thực tiễn, góp phần hoàn thiện các nội dung cụ thể của Chương trình và dự thảo Nghị quyết. Sau phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo cơ quan thẩm tra, cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan nghiêm túc tiếp thu, giải trình đầy đủ, thấu đáo ý kiến của các đại biểu, khẩn trương hoàn thiện dự thảo Nghị quyết để trình Quốc hội xem xét, thông qua trong đợt 2 của Kỳ họp thứ 8.
Bài: SƠN BÁCH; Ảnh: DUY LINH