Mục tiêu tăng trưởng 2 con số: Cần quyết liệt trong cải cách thể chế

Mục tiêu tăng trưởng 2 con số: Cần quyết liệt trong cải cách thể chế
10 giờ trướcBài gốc
Dư địa nào cho mục tiêu tăng trưởng 2 con số?
Phát biểu tại Diễn đàn tăng trưởng kinh tế Việt Nam 2025 diễn ra vào chiều 8/7, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, sau gần 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới, từ một nền kinh tế lạc hậu, kém phát triển, đến nay Việt Nam đã vươn lên thành nền kinh tế có quy mô kinh tế đứng thứ 32 trên thế giới, thuộc nhóm 20 quốc gia hàng đầu về quy mô thương mại và thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). GDP bình quân đầu người năm 2024 đạt hơn 4.700 USD, tiệm cận ngưỡng thu nhập trung bình cao.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại Diễn đàn. Ảnh: BTC
Tuy nhiên, với một nền kinh tế có độ mở lớn, Việt Nam đang chịu tác động mạnh từ bối cảnh quốc tế diễn biến ngày càng phức tạp, đan xen với các thách thức nội tại của kinh tế trong nước. Theo đó, để đạt mục tiêu tăng trưởng 2 con số trong giai đoạn 2026-2030 như mục tiêu đề ra là vô cùng thách thức.
Cũng nói về thách thức với mục tiêu tăng trưởng 2 con số, tham luận của Bộ Tài chính tại Diễn đàn nêu rõ, tình hình thế giới dự báo tiếp tục chuyển biến nhanh, phức tạp, khó lường theo hướng phân tách, phân mảnh, đa cực, đa trung tâm, đa tầng nấc.
Cùng với đó, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, các trung tâm quyền lực có sự điều chỉnh mạnh, sẽ diễn ra ngày càng gay gắt, phức tạp, mở rộng về phạm vi và gia tăng về cường độ, kinh tế thế giới không loại trừ kịch bản tăng trưởng chậm kéo dài.
Ở trong nước, tình hình chính trị, xã hội, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định; sau 40 năm đổi mới, cơ đồ, tiềm lực, vị thế, uy tín quốc tế của đất nước được nâng lên. Tuy nhiên, nền kinh tế còn nhiều điểm nghẽn và tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức: Nguy cơ tụt hậu xa hơn về công nghệ, kinh tế và khả năng rơi vào bẫy thu nhập trung bình; năng lực sản xuất, tính tự chủ của nền kinh tế chưa cao; tốc độ già hóa dân số nhanh… ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.
Đồng tình với quan điểm này, TS Cấn Văn Lực cho rằng, bối cảnh kinh tế thế giới đang vô cùng bất địch, tăng trưởng kinh tế được dự báo chậm lại, trong khi đó lạm phát lại có nguy cơ tăng lên.
Đứng ở góc độ doanh nghiệp, đại diện các hiệp hội doanh nghiệp, ngành hàng cho rằng, để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế 2 con số trong giai đoạn 2026-2030 là không đơn giản. Nhất là trong bối cảnh thể chế vẫn là "điểm nghẽn", nhiều chính sách hiện nay vẫn chưa tạo thuận lợi cho khu vực doanh nghiệp hoạt động.
Cũng nói về những “điểm nghẽn” liên quan đến cơ chế, chính sách, bà Mai Kiều Liên, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) cho rằng: Mỗi năm, Việt Nam có khoảng 1 triệu trẻ em ra đời, đây là dư địa rất lớn cho ngành sữa Việt Nam phát triển và thu hút đầu tư, từ đó đóng góp vào tăng trưởng kinh tế đất nước.
Tuy nhiên, để tăng trưởng 2 con số đối với ngành sữa vẫn vô cùng khó khăn, nhất là trong bối cảnh các nghị định tại Việt Nam quá nhiều, tạo ra những thách thức cho doanh nghiệp trong quá trình thực thi.
Diễn đàn tăng trưởng kinh tế Việt Nam 2025 diễn ra vào chiều 8/7, tại Hà Nội. Ảnh: BTC
Thúc đẩy cải cách để tạo động lực tăng trưởng
Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Chí Dũng cho rằng: Việt Nam muốn tăng trưởng nhanh và bền vững thì phải có một tư duy mới, tầm nhìn mới, tâm thế mới, đồng thời phải hành động quyết liệt, thực hiện những cải cách mạnh mẽ, với quyết tâm chính trị cao nhất, sự đoàn kết đồng lòng mạnh mẽ nhất của toàn dân tộc và phải có sự đồng hành, ủng hộ của bạn bè quốc tế.
Cụ thể hơn về những giải pháp để đạt được mục tiêu tăng trưởng 2 con số, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Chí Dũng cho rằng, trước tiên, phải tiếp tục hoàn thiện thể chế, đổi mới công tác xây dựng và thực thi pháp luật theo hướng minh bạch, ổn định và tiệm cận các chuẩn mực quốc tế.
Thực tế thời gian qua, Việt Nam đã tập trung giải quyết được một số “điểm nghẽn” về thể chế, tăng cường phân cấp, phân quyền, cải cách thủ tục hành chính, phân định rõ thẩm quyền giữa chính quyền các cấp trong nhiều lĩnh vực phù hợp với cuộc cách mạng về tổ chức bộ máy.
Tuy nhiên, thời gian tới vẫn cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật trong các lĩnh vực trọng yếu như: Đất đai, khoáng sản, quy hoạch… Đồng thời, ưu tiên tập trung tháo gỡ ngay khó khăn, vướng mắc của hơn 2.887 dự án với quy mô vốn hơn 235 tỷ USD và diện tích đất khoảng 347 nghìn ha để khơi thông nguồn lực cho phát triển.
Để tháo gỡ “điểm nghẽn” liên quan đến cơ chế, chính sách, bà Mai Kiều Liên cho rằng, mặc dù thời gian gần đây, lãnh đạo các cấp, ngành, địa phương đã chuyển doanh nghiệp từ đối tượng bị quản lý sang thành đối tượng được phục vụ, song để đạt được mục tiêu tăng trưởng 2 con số, doanh nghiệp vẫn mong muốn các cơ quan chức năng lắng nghe, sửa đổi nhanh những chính sách ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh, tạo thuận lợi cho khu vực doanh nghiệp hoạt động.
Cũng nhấn mạnh vấn đến cải cách thể chế nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng 2 con số, ông Đậu Anh Tuấn – Phó Tổng thư ký, Trưởng Ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, thời gian gần đây, tốc độ phản ứng với chính sách của các cơ quan chức năng Việt Nam đã nhanh và hiệu quả hơn. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu tăng trưởng 2 con số, điều quan trọng vẫn là đổi mới quản lý nhà nước một cách mạnh mẽ hơn. Giúp doanh nghiệp kinh doanh được minh bạch, hiệu quả, không phát sinh thêm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Thân - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cho rằng: Khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện đang chiếm 97% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động, đóng góp tích cực cho tăng trưởng kinh tế và tạo công ăn việc làm.
Thực tế, theo ông Nguyễn Văn Thân, doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn đang tham gia vào các dự án đầu tư công, nhưng không trực tiếp nhận được dự án mà phải “đi làm thuê” cho các tập đoàn, doanh nghiệp lớn. Theo đó, để đạt được mục tiêu tăng trưởng 2 con số trong giai đoạn 2026-2030, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cho rằng, các cơ quan chức năng cần tạo thuận lợi hơn nữa cho khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa hoạt động, cụ thể cần dành khoảng 30% dự án đầu tư công cho khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhằm tạo công ăn việc làm và nâng cao năng lực cho doanh nghiệp.
Ghi nhận những đóng góp của các chuyên gia, cộng đồng doanh nghiệp tại Diễn đàn tăng trưởng kinh tế Việt Nam 2025, ông Trần Lưu Quang – Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Chính sách chiến lược Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo Đề án Các giải pháp chiến lược thúc đẩy tăng trưởng kinh tế "hai con số" trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc cho rằng: Việt Nam có nhiều cơ hội để đạt được mục tiêu tăng trưởng 2 con số trong giai đoạn 2026-2030. Tuy nhiên, để hiện thực hóa mục tiêu trên, Việt Nam cần kịp thời tháo gỡ những vướng mắc, trong đó vướng mắc về thể chế.
Nguyễn Hòa
Nguồn Công Thương : https://congthuong.vn/muc-tieu-tang-truong-2-con-so-can-quyet-liet-trong-cai-cach-the-che-409710.html