Muôn kiểu tự bảo vệ của phụ nữ Ấn Độ khỏi nguy cơ bị tấn công tình dục

Muôn kiểu tự bảo vệ của phụ nữ Ấn Độ khỏi nguy cơ bị tấn công tình dục
2 giờ trướcBài gốc
Cô Ajita Topo là một đầu bếp ở một khu phố giàu có tại Delhi (Ấn Độ). Khi cô tan làm vào buổi tối, cô giữ chặt chiếc túi của mình như một tấm khiên trước ngực, nắm chặt tay và mang theo một chiếc ô đen có đầu rất sắc để tránh bị tấn công.
Bất kể trở nóng đến mức nào, cô Topo cũng mặc nhiều lớp quần áo để ngăn ai đó chạm vào ngực cô. Ngoài ra, cô cũng dùng một thanh kim loại sắc nhọn để giữ chặt búi tóc và sẽ tận dụng nó làm vũ khí trong trường hợp cần thiết.
Theo tờ The Wall Street Journal, những hành động của cô Topo không hề dư thừa. Năm 2023, cô đã bị 2 người đàn ông bám theo khi tan sở sau 10 giờ tối. Để đánh lừa 2 người đàn ông này, cô đã hét lên khi đi qua những ngôi nhà có lính canh bên ngoài.
"Nơi làm việc, phương tiện giao thông công cộng, nơi công cộng, tôi cảm thấy không an toàn ở bất kỳ nơi nào. Giải pháp duy nhất là luôn cảnh giác" – cô Topo nói.
Gia đình của nhiều phụ nữ Ấn Độ cảm thấy lo lắng khi các cô thường đi làm về nhà vào tối muộn. Ảnh: THE WALL STREET JOURNAL
Vấn nạn cố hữu
Đối với nhiều phụ nữ Ấn Độ, việc thực hiện các bước bảo vệ chính mình khỏi bạo lực, quấy rối và trấn an gia đình rằng họ an toàn khi đi làm là chuyện thường nhật. Thậm chí, đối với một số người, các bước này đóng vai trò trung tâm trong cuộc sống hàng ngày của họ.
Vào tháng 8, một bác sĩ thực tập đã bị cưỡng dâm và bị giết tại thành phố Kolkata. Đây được xem là lời cảnh báo nữa với những phụ nữ phải đi làm mỗi ngày. Nguy hiểm có thể rình rập họ ở mọi nơi, từ những góc vắng vẻ của bệnh viện, công ty đến trên phương tiện giao thông công cộng hoặc trên đường phố.
Theo Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), vào năm 2022, chỉ có 30% phụ nữ ở Ấn Độ trong độ tuổi từ 15 đến 64 tham gia lực lượng lao động. Nguyên nhân được cho là do nhiều gia đình bảo thủ không muốn phụ nữ ra ngoài làm việc.
Cách đây 1 thập niên, sau vụ một phụ nữ 23 tuổi bị hiếp dâm trên xe buýt đang chạy, luật pháp Ấn Độ về tội phạm liên quan phụ nữ đã được sửa đổi. Tuy nhiên, những nhà hoạt động nữ quyền cho biết trong nhiều gia đình Ấn Độ, thái độ gia trưởng cố hữu vẫn chưa thay đổi đáng kể. Đây cũng là gốc rễ của tình trạng bạo lực thường xuyên đối với phụ nữ, cả trong và ngoài gia đình ở quốc gia này.
Số liệu thống kê về xâm hại tình dục cho thấy khả năng phụ nữ Ấn Độ bị thành viên gia đình, bạn trai hoặc bạn bè cưỡng hiếp cao hơn khả năng bị chủ lao động hoặc người lạ cưỡng hiếp. Tuy nhiên, các vụ việc quấy rối tình dục được truyền thông đưa tin thường là các vụ việc xảy ra khi phụ nữ đang đi làm. Điều này khiến nhiều phụ nữ tin rằng họ nên ở nhà thì sẽ an toàn hơn.
Một cuộc khảo sát của Trung tâm nghiên cứu Pew (Mỹ) năm 2019 cho thấy 40% người Ấn Độ cho rằng hôn nhân sẽ tốt hơn khi đàn ông đóng vai trò là người kiếm tiền, trong khi phụ nữ làm việc nội trợ và chăm sóc con cái. Con số này cao hơn đáng kể so với mức trung bình toàn cầu là 23%.
Theo đó, một số phụ nữ Ấn Độ chọn nghỉ việc ngay khi hoàn cảnh kinh tế cho phép. Trong khi đó, nhiều người khác thích làm những công việc được trả lương thấp nhưng gần nhà.
Các nhà kinh tế và nhà nghiên cứu cho rằng tỉ lệ phụ nữ Ấn Độ tham gia lực lượng lao động thấp đang khiến nền kinh tế Ấn Độ mất đi động lực tăng trưởng quan trọng.
Nhiều phụ nữ Ấn Độ chọn sử dụng phương tiện cá nhân để cảm thấy an toàn hơn. Ảnh: THE WALL STREET JOURNAL
Tôi mơ về một ngày...
Thời gian qua, hàng loạt vụ việc phạm tội liên quan phụ nữ đã xảy ra. Gần đây, một số nhân viên trực tổng đài nữ đã bị tấn công và giết hại khi họ đi làm ca đêm. Năm 2023, một nhân viên lễ tân đã biến mất khỏi khách sạn nơi cô làm việc và vài ngày sau người ta phát hiện cô đã chết. Mỗi lần xảy ra vụ việc như vậy, nhiều phụ nữ lại phải trải qua một cú sốc lớn và đối mặt nỗi sợ hãi mới.
Đối với những phụ nữ làm việc trong ngành chăm sóc sức khỏe, ca làm việc đêm muộn và giờ làm việc dài cũng là chuyện thường. Dù vậy, vụ tấn công ở Kolkata đã tạo nên lời cảnh báo đặc biệt sâu sắc.
Cô Amrita Bhattacharya – bác sĩ nội trú ở một bệnh viện tại Kolkata – cho biết trước đây cô cảm thấy thoải mái khi tự mình đi bộ quãng đường từ nơi làm việc đến nơi ở dành cho phụ nữ do bệnh viện cung cấp. Bây giờ, cô phải nhờ một đồng nghiệp nam hoặc bạn bè đi cùng.
Trước đây, cô Bhattacharya thường khó chịu với các quy tắc tại nơi ở, bao gồm việc khóa cửa nơi ở sau một giờ nhất định.
“Nhưng bây giờ sau vụ việc kinh hoàng đó, tôi cảm thấy việc bị khóa cửa như vậy là cần thiết. Thật căng thẳng khi phải đối mặt nỗi sợ hãi như vậy mỗi ngày” – cô Bhattacharya nói.
Đối mặt những nguy hiểm, nhiều phụ nữ đã chọn các biện pháp di chuyển an toàn như sử dụng phương tiện cá nhân để đi làm hoặc sử dụng các dịch vụ đi chung xe có biện pháp đảm bảo an toàn. Tuy nhiên, cảm giác bất an vẫn tồn tại.
Cô Vidhi Pandey mất gần 90 phút di chuyển từ nhà cô ở Gurgaon đến văn phòng làm việc ở thủ đô New Delhi và thường xuyên tham dự các sự kiện buổi tối. Nếu có khách hàng quốc tế tham gia, ngày làm việc của cô có thể kết thúc vào lúc 2 giờ sáng.
“Mặc dù chồng và mẹ tôi đã quen với giờ làm việc không theo quy tắc của tôi, nhưng việc thông báo tôi sẽ ở văn phòng đến khuya vẫn khiến họ mất ngủ” – cô Pandey nói.
Lo lắng cho con, mẹ của cô Pandey thường xuyên khuyên cô tìm một nơi nào đó gần nhà hơn để làm và chấp nhận mức thu nhập thấp hơn.
Cô Vidhi Pandey đôi khi vẫn gọi điện thoại cho mẹ hoặc bạn bè trong suốt chuyến đi taxi để đảm bảo an toàn. Khi đặt taxi, cô Pandey xem đánh giá và đọc phản hồi của hành khách về hành vi của tài xế. Nếu mặc váy, cô sẽ tìm một thứ gì đó để che phần chân trước khi lên xe về nhà.
Nhiều phụ nữ Ấn Độ luôn chuẩn bị các phương tiện bảo vệ bản thân trước khi ra đường. Ảnh: THE WALL STREET JOURNAL
Cô luôn mở ứng dụng nút báo động của cảnh sát lãnh thổ thủ đô quốc gia Delhi trên điện thoại trong suốt chuyến đi. Ứng dụng này được gọi là “Himmat” với nghĩa “lòng can đảm”, cho phép người dùng nhanh chóng gửi cảnh báo đến cảnh sát Delhi, kèm theo liên kết đến vị trí của người dùng trên Google Maps, cũng như thông báo cho gia đình và bạn bè.
“Tôi cứ nghĩ về cách thoát thân nếu có chuyện gì không ổn. Tôi mơ về một ngày nào đó khi xã hội của chúng ta đủ an toàn để tôi có thể đi lại một mình mọi lúc, mọi nơi mà không sợ hãi hay lo lắng” – cô Pandey cho biết.
KHOA ĐIỀM
Nguồn PLO : https://plo.vn/muon-kieu-tu-bao-ve-cua-phu-nu-an-do-khoi-nguy-co-bi-tan-cong-tinh-duc-post815899.html