Trong dòng chảy cuộc đời, mỗi người đều tự tay xây đắp nên vận mệnh và phúc lộc cho chính mình. Phúc khí không phải là điều gì đó xa vời, nó được tích lũy từ những hành động, suy nghĩ và cả lời nói hàng ngày của chúng ta. Rất nhiều khi, chúng ta không có được phúc khí như mong muốn không phải vì thiếu may mắn, mà vì chưa biết cách "trân trọng phúc". Một trong những cách trân trọng phúc khí quan trọng nhất chính là thận trọng lời nói. "Nói nhiều dễ sai, miệng nhanh rước họa" là lời răn dạy đắt giá mà cổ nhân đã đúc kết. Khi giao tiếp với người khác, dù thân thiết đến mấy, có những điều tốt nhất nên giữ kín trong lòng. Nói càng ít, càng có phúc.
Có ba điều tuyệt đối không nên tùy tiện nói ra, bởi chúng không chỉ không mang lại lợi ích mà còn có thể rước họa vào thân và làm tiêu tan phúc báu:
1. Đừng khoe khoang những điều tốt đẹp của bản thân
"Thành danh thường ở ngày cùng khổ, bại sự nhiều do lúc đắc ý", câu nói này chỉ ra một chân lý sâu sắc. Rất nhiều người gục ngã không phải vì thiếu năng lực lúc khó khăn mà vì sự kiêu ngạo, tự mãn khi đạt được chút thành công. Bản tính con người dường như rất khó vượt qua cám dỗ của sự khoe khoang. Có chút tài thì muốn phô diễn, có chút vui mừng đắc ý thì muốn chia sẻ khắp nơi.
Ảnh minh họa: Sohu
Thế nhưng, cuộc sống có những hạnh phúc, những thành tựu không nên mang ra phơi bày quá mức. Chia sẻ niềm vui quá nhiều dễ bị hiểu lầm thành khoe mẽ, còn chia sẻ hạnh phúc quá nhiều lại có thể vô tình gây ra sự đố kỵ, ghen ghét từ người khác. Hãy nhớ câu chuyện về con voi bị bắt vì ngà quý hay con trai bị giết vì viên ngọc đẹp, sự nổi bật quá mức, sự phô trương những gì mình có thể mang đến tai họa khôn lường.
Khi cuộc đời đang lúc xuôi chèo mát mái, đạt được những điều như ý, hãy giữ tâm thế bình thản, xem nhẹ. Lúc vui vẻ, hân hoan, càng cần phải biết giữ mình, trầm tĩnh. Trên đời này, người thật lòng mong bạn tốt chỉ đếm trên đầu ngón tay, chủ yếu là cha mẹ và một vài tri kỷ. Những điều quan trọng trong đời như tài sản, hạnh phúc, may mắn đều rất mong manh, chúng không chịu được sự phô trương. Hạnh phúc thật sự là khi bạn cảm nhận được sự đủ đầy từ nội tâm. Giấu những điều tốt đẹp, bình yên của cuộc sống trong lòng, lặng lẽ tận hưởng, luôn trân trọng và biết ơn – đó mới là cách tự công nhận mình và giữ gìn phúc báu tốt nhất.
2. Đừng than thở những nỗi buồn phiền của cuộc sống khắp nơi
"Nhà nào cũng có cuốn kinh khó đọc", đó là sự thật hiển nhiên của cuộc sống. Sống trong gia đình, giao tiếp với xã hội, ai cũng gặp phải những vấn đề, mâu thuẫn lớn nhỏ khiến đau đầu, phiền lòng. Tuy nhiên, dù chuyện gì xảy ra, đừng vội tìm đến người ngoài để phân xử, cầu xin sự thông cảm hay an ủi. "Quan thanh liêm cũng khó xử việc nhà", bởi lẽ cuộc sống vốn đầy rẫy những chuyện vụn vặt, "chuyện nhà" phức tạp và khó nói hết.
Ảnh minh họa: Weibo
Hơn nữa, bạn phải chấp nhận một thực tế là,, trên đời này, người muốn nhìn thấy bạn gặp chuyện không may, muốn cười nhạo bạn, luôn nhiều hơn người thực lòng quan tâm và muốn giúp đỡ bạn. Việc than thở, kể lể không đúng lúc đúng chỗ chỉ khiến bạn trở thành đề tài bàn tán của người khác, không giải quyết được vấn đề gì mà còn làm mất đi sự tôn nghiêm của bản thân, thậm chí gây rạn nứt các mối quan hệ.
Hãy nhớ rằng "không phải ai cũng quan tâm đến chuyện của bạn". Mỗi người đều có những gánh nặng, những nỗi lo riêng. Đừng ảo tưởng rằng mọi người đang dõi theo và bận tâm đến vấn đề của bạn. "Chuyện không như ý thường chiếm tám chín phần, có thể kể cho người khác nghe chẳng được hai ba phần". Cuộc sống, suy cho cùng, là một hành trình tự tu hành và trưởng thành. Chúng ta không còn là trẻ con, vết thương cần tự mình chữa lành, khó khăn cần tự mình vượt qua. Đón nhận cả điều tốt lẫn điều xấu xảy đến với mình một cách bình tĩnh sẽ giúp bạn không cảm thấy lạc lõng, bơ vơ.
3. Đừng gặp ai cũng kể lể nỗi khổ trong lòng
"Như người uống nước, nóng lạnh tự biết" – câu nói này lột tả chân thực bản chất của nỗi khổ cá nhân. Mỗi người có một xuất thân, một trải nghiệm sống hoàn toàn khác biệt. Rất khó để người khác có thể thực sự thấu hiểu và cảm thông trọn vẹn với nỗi đau hay niềm vui giấu kín trong lòng bạn. Những điều ấy, trong mắt người khác, có thể không quan trọng đến vậy.
Ảnh minh họa: Weibo
Nỗi khổ trong lòng chỉ phù hợp để bạn tự mình nuốt vào nước mắt, một mình chịu đựng, âm thầm tự chữa lành và lặng lẽ nỗ lực vươn lên. Cuộc sống của người trưởng thành dạy cho chúng ta rằng, thay vì loanh quanh tìm kiếm sự an ủi từ người khác, chịu đựng sự cười nhạo của họ, tự gieo cho mình những hy vọng hão huyền và dằn vặt trong nỗi đau không được thấu hiểu, tốt hơn hết là tự mình đứng dậy sau vấp ngã, tự mình vực dậy khi kiệt sức.
Than thở là biểu hiện của sự yếu đuối, của việc trốn tránh đối mặt với vấn đề. Thay vì than vãn, hãy học cách "vá víu" lại cuộc sống, mỉm cười đối diện với khó khăn. Có những lời nói ra không ai hiểu, có những chuyện kể ra không ai muốn nghe. "Gặp người không nói chuyện thế gian, tức là người không có chuyện gì trên đời", đây là cảnh giới của sự an yên nội tại, khi bạn không còn bị những chuyện vụn vặt bên ngoài làm xao động.
Biết giữ miệng, chỉ nói những điều cần nói và giữ im lặng với những điều không cần thiết, là cách bạn tự bảo vệ mình khỏi thị phi, tránh xa tai họa và tích lũy phúc báu. Cuộc đời của mỗi người cần tự mình vượt qua để đạt được sự tự tại. Nguyện cho cuộc đời bạn có thể "giữ miệng như bình kín, giữ lòng như gương soi", từ đó an nhiên tự tại và sở hữu phúc báo tốt lành.
Bích Hậu (Theo Sohu)