Muốn 'trẻ lại' thì phải... sinh thêm?

Muốn 'trẻ lại' thì phải... sinh thêm?
9 giờ trướcBài gốc
Theo kết quả Điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ năm 2024 do Tổng cục Thống kê công bố đầu tháng 1/2025, dân số Việt Nam thời điểm 1/4/2024 là hơn 101,1 triệu người, đông thứ 3 trong khu vực Đông Nam Á (sau Indonesia và Philippines) và thứ 16 trên thế giới. Nước ta vẫn đang trong thời kỳ cơ cấu "dân số vàng”. Tuy vậy, chúng ta đang bước vào giai đoạn già hóa dân số và là một trong số các quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới. Dự kiến đến năm 2038, Việt Nam sẽ trở thành quốc gia có dân số già.
Hà Tĩnh hiện có khoảng 242.000 người cao tuổi. Trong ảnh: Cụ Nguyễn Thị Huynh (hay còn gọi là cụ Tứ - phường Trần Phú) minh mẫn ở tuổi 97.
Hà Tĩnh cũng không nằm ngoài “quỹ đạo” già hóa dân số. Theo số liệu mới nhất, tổng số người cao tuổi hiện nay trên địa bàn tỉnh khoảng 242.000 người (từ 60 tuổi trở lên), chiếm 18,6% tổng dân số. Trong khi đó, mức trên 14% được xem là bước vào giai đoạn “dân số già”.
Làm sao để cải thiện tình trạng già hóa dân số, giải pháp đầu tiên chúng ta nghĩ đến chắc chắn phải là khuyến khích sinh đẻ. Dễ mà khó, khó mà dễ vì vấn đề quan trọng là tăng tỉ suất sinh vẫn đang rất nan giải.
Thực tế cho thấy, một bộ phận giới trẻ hiện nay “lười yêu, ngại cưới, sợ sinh con”. Theo thống kê mới nhất, tuổi kết hôn trung bình lần đầu của Việt Nam thay đổi theo hướng kết hôn muộn hơn, tăng từ 24,1 tuổi (năm 1999) lên 25,2 tuổi (2019). Sau 4 năm, đến năm 2023, tuổi kết hôn lần đầu tiếp tục tăng thêm 2 tuổi và hiện là 27,2 tuổi. Không đâu xa, những người xung quanh tôi là “minh chứng sống” cho thực trạng này. Anh bạn 8X có công việc, nhà cửa ổn định dù đã nhiều lần “họp gia đình” nhưng vẫn chưa thể đưa con dâu về ra mắt bố mẹ; đứa em gái đầu 9X thông minh, xinh xắn cũng đang lận đận tình duyên…
Trong khi đó, những áp lực thời hiện đại khiến nhiều bạn trẻ ngại sinh nhiều con… Năm 2024, tỉ suất sinh của Việt Nam chỉ còn 1,91 con/phụ nữ, thấp nhất trong lịch sử nhân khẩu học của nước ta, trong đó TP HCM tiếp tục là địa phương có mức sinh thấp nhất cả nước với 1,32 con/phụ nữ và có xu hướng tiếp tục giảm.
Việc khuyến khích tăng tỷ suất sinh là giải pháp để cải thiện tình trạng già hóa dân số.
Một quốc gia có tỉ lệ sinh quá thấp sẽ đưa đến những hệ quả tiêu cực về tất cả các lĩnh vực, như dân số sẽ nhanh chóng già hóa, thiếu lực lượng lao động, năng suất lao động thấp, phải nhập khẩu lao động từ nước ngoài, cơ cấu xã hội trở nên lỏng lẻo; người già nhiều hơn dẫn đến hệ thống an sinh xã hội phải chịu gánh nặng...
Việt Nam đang triển khai các giải pháp khuyến khích người trẻ kết hôn, muốn sinh con, sinh đủ hai con, hạn chế mất cân bằng giới tính... Mới đây, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Pháp lệnh sửa đổi điều 10 của Pháp lệnh Dân số. Trong đó, các cặp vợ chồng được quyết định về thời gian sinh con, số con và khoảng cách giữa các lần sinh phù hợp với lứa tuổi, tình trạng sức khỏe, điều kiện học tập, lao động, công tác, thu nhập và nuôi dạy con. Đồng thời, pháp lệnh mới được thông qua đã bỏ quy định mỗi cặp vợ chồng, cá nhân sinh một hoặc hai con.
Trước đó, vào tháng 3/2025, Ủy ban Kiểm tra Trung ương cũng đã ban hành hướng dẫn về xử lý kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên vi phạm: đảng viên sinh con thứ ba trở lên sẽ không bị xử lý kỷ luật như trước đây. Hay ngay tại Dự thảo Luật Dân số đang xây dựng, thời gian nghỉ thai sản sẽ là 7 tháng đối với con thứ 2; phụ nữ sinh 2 con ở các khu công nghiệp, khu chế xuất và các tỉnh, thành phố có mức sinh thấp sẽ được hỗ trợ thuê, mua nhà ở xã hội...
Nhiều địa phương cũng áp dụng chính sách thưởng tiền để khuyến khích sinh: TP HCM đã lập danh sách hỗ trợ phụ nữ nếu sinh đủ 2 con trước 35 tuổi với chi phí 3 triệu đồng; tỉnh Hậu Giang (cũ) còn hỗ trợ một lần chi phí khám sàng lọc trước sinh và sàng lọc sơ sinh theo giá dịch vụ y tế tại các cơ sở công lập, hỗ trợ một lần 1,5 triệu đồng tiền viện phí; hay như mới đây, Bộ Y tế đề xuất ưu đãi tài chính, hỗ trợ bằng tiền mặt hoặc hiện vật cho gia đình sinh con một bề hai con gái nhằm giảm mất cân bằng giới tính khi sinh…
Trẻ em - những mầm non của đất nước.
Tuy vậy, những người chưa sinh con, chưa sinh đủ 2 con hoặc đã sinh đủ như tôi vẫn cần hơn các chính sách đủ mạnh để cùng cả nước từng bước giải bài toán già hóa dân số. Chúng tôi vẫn cần sự hỗ trợ tài chính mang tính lâu dài hơn như trợ cấp sinh con, hỗ trợ xây nhà ở, vay mua nhà ưu đãi; cải thiện chính sách thai sản và chăm sóc trẻ như tăng thời gian nghỉ thai sản cho cả bố và mẹ; phát triển hệ thống nhà trẻ chất lượng cao, giá hợp lý với mức thu nhập; cải cách hệ thống giáo dục, giảm áp lực cho cha mẹ và học sinh; hỗ trợ cha mẹ nuôi con nhỏ bằng mô hình làm việc linh hoạt, làm việc từ xa..., khuyến khích doanh nghiệp bố trí nhà trẻ ngay tại nơi làm việc...
Và mang tính nền tảng hơn, chúng ta cần một "cú hích" từ giáo dục và truyền thông để giới trẻ hiểu được giá trị của việc xây dựng gia đình, sinh con, nuôi con. Việc làm cha, làm mẹ không chỉ là nghĩa vụ mà còn là một hành trình đáng quý – điều đó nên được dạy từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.
Già hóa dân số – nghe có vẻ là chuyện của chính phủ, của các chuyên gia. Nhưng thực ra, đó là câu chuyện của mỗi gia đình, mỗi người trẻ, mỗi đứa trẻ ra đời – hay không ra đời. Chuyện già hay trẻ của một quốc gia, cuối cùng cũng bắt đầu từ chính lựa chọn của chúng ta hôm nay!
An Nhiên
Nguồn Hà Tĩnh : https://baohatinh.vn/muon-tre-lai-thi-phai-sinh-them-post291715.html