Nằm bên vùng lòng hồ thủy điện Sơn La rộng lớn, xã Mường Khiêng được thiên nhiên ban tặng hơn 1.030 ha mặt nước tĩnh lặng – một điều kiện lý tưởng để phát triển nghề nuôi cá lồng. Tận dụng lợi thế này, vài năm trở lại đây, người dân địa phương đã mạnh dạn chuyển đổi mô hình sản xuất, đưa thủy sản trở thành ngành kinh tế chủ lực.
Thoát nghèo nhờ nuôi cá
Theo thống kê, toàn xã hiện có hơn 700 lồng cá, trong đó hơn 400 lồng do thành viên các HTX quản lý và vận hành. Sáu tháng đầu năm 2025, sản lượng cá nuôi và khai thác tại địa phương đạt hơn 550 tấn – con số cho thấy bước tiến lớn về quy mô và năng suất của nghề nuôi cá lồng tại vùng đất này.
Ra đời từ năm 2020, HTX Nuôi trồng thủy sản – trồng cây ăn quả và dịch vụ tổng hợp Mường Khiêng đã nhanh chóng khẳng định vai trò “đầu tàu” trong phát triển kinh tế tập thể tại địa phương.
Nuôi cá lồng đang cho thu nhập cao ở Mường Khiêng (Ảnh:BSL).
Với 46 thành viên và trên 400 lồng cá, HTX không chỉ giúp người dân tổ chức sản xuất bài bản mà còn chủ động tiếp cận thị trường, xây dựng thương hiệu và áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào thực tiễn.
Anh Quàng Văn Hợp – Giám đốc HTX – chia sẻ: “Trước kia, bà con nuôi cá lồng chủ yếu theo hình thức tự phát, sản xuất manh mún nên hiệu quả chưa cao. Từ khi thành lập HTX, chúng tôi được hướng dẫn kỹ thuật nuôi, hỗ trợ xây dựng quy trình VietGAP, làm tem truy xuất nguồn gốc, giấy phép kinh doanh… Nhờ đó, đầu ra thuận lợi, giá bán cao hơn và ổn định hơn”.
Để đảm bảo thị trường tiêu thụ, từ năm 2021, HTX đã liên kết với các thương lái tại Hà Nội để thu mua cá trực tiếp ngay tại khu nuôi. Mỗi lồng cá cho sản lượng khoảng 3 tạ/năm, với giá bán từ 110.000 – 150.000 đồng/kg, mang lại thu nhập từ 100 triệu đến hơn 500 triệu đồng/năm cho mỗi hộ thành viên.
Câu chuyện của anh Quàng Văn Sâm – người dân bản Ban Xa, thành viên liên kết của HTX – là minh chứng rõ nét cho hiệu quả của nghề nuôi cá lồng. Gia đình anh hiện sở hữu 15 lồng cá, cho sản lượng hơn 3 tấn/năm. Ngoài thức ăn công nghiệp, anh còn tận dụng phụ phẩm nông nghiệp như sắn, ngô, kết hợp đánh bắt thủy sản tự nhiên để giảm chi phí.
Liên kết là chìa khóa thành công
“Mỗi năm trừ chi phí, gia đình tôi lãi hơn 150 triệu đồng. Nhờ cá lồng, chúng tôi không còn phải đi làm thuê xa nhà. Con cái được học hành đầy đủ, nhà cửa khang trang hơn trước rất nhiều”, anh Sâm chia sẻ.
Không chỉ giúp hàng trăm hộ dân thoát nghèo, nghề nuôi cá lồng còn tạo ra hàng trăm việc làm tại chỗ, kéo theo sự phát triển của các ngành nghề phụ trợ như chế biến, vận chuyển, dịch vụ hậu cần thủy sản…
Những thành công của các HTX nói riêng và mô hình nuôi cá lồng ở Mường Khiêng hiện tại không thể không nhắc đến vai trò quan trọng của Liên minh HTX Việt Nam và Liên minh HTX tỉnh Sơn La.
Từ năm 2022 đến nay, hàng chục lượt tập huấn, chuyển giao kỹ thuật nuôi cá lồng đã được Liên minh HTX Việt Nam và Liên minh HTX tỉnh Sơn La tổ chức cho thành viên HTX. Hàng loạt chương trình xúc tiến thương mại, hội chợ, hỗ trợ xây dựng thương hiệu, bao bì, tem truy xuất… cũng được triển khai bài bản.
Liên kết tham gia HTX giúp các hộ nuôi cá lồng nâng cao thu nhập, góp phần xóa đói giảm nghèo tại địa phương (Ảnh: BSL).
Đặc biệt, sau khi Luật HTX năm 2023 chính thức có hiệu lực, các HTX như ở Mường Khiêng đã được hưởng lợi từ chính sách tiếp cận vốn vay ưu đãi, bảo hiểm thủy sản và hỗ trợ ứng phó dịch bệnh. Đây chính là "phao cứu sinh" giúp người dân yên tâm đầu tư, tránh rủi ro khi thiên tai, dịch bệnh xảy ra.
Song song đó, các chương trình như “Nông sản về phố”, “Hội chợ HTX toàn quốc” do Liên minh HTX Việt Nam tổ chức cũng giúp sản phẩm cá lồng Mường Khiêng có cơ hội quảng bá rộng rãi, tiếp cận các sàn thương mại điện tử và hệ thống bán lẻ hiện đại.
Hướng đi tương lai
Dù đạt được nhiều kết quả tích cực, song nghề nuôi cá lồng tại Mường Khiêng vẫn đối mặt không ít thách thức. Số lượng lồng nuôi tăng nhanh, trong khi thị trường tiêu thụ chưa ổn định, giá cả bấp bênh, liên kết giữa sản xuất – chế biến – tiêu thụ còn lỏng lẻo.
Theo đó, ngành nông nghiệp xã Mường Khiêng đang tích cực vận động HTX, người dân nâng cao chất lượng con giống, tuân thủ quy trình chăm sóc, phòng chống dịch bệnh. Đồng thời, xã phối hợp với các cơ quan chuyên môn, cùng các HTX, doanh nghiệp để xây dựng chuỗi liên kết tiêu thụ, từng bước đưa sản phẩm cá lồng Mường Khiêng vào các siêu thị, nhà hàng lớn.
Một trong những giải pháp quan trọng là thúc đẩy sơ chế cá lồng tại chỗ, như phi lê thịt cá, đóng gói hút chân không… giúp nâng cao giá trị, mở rộng thị trường, đặc biệt trong bối cảnh người tiêu dùng ngày càng ưa chuộng sản phẩm sạch, rõ nguồn gốc.
Đáng chú ý, theo định hướng của tỉnh, trong thời gian tới, các HTX tại Mường Khiêng sẽ được hỗ trợ chuyển đổi số, áp dụng phần mềm quản lý nuôi trồng, bán hàng online, minh bạch dữ liệu sản xuất. Bên cạnh đó, mô hình kết hợp du lịch sinh thái trải nghiệm nghề nuôi cá lồng cũng đang được nghiên cứu triển khai, tạo thêm sinh kế và thu hút khách du lịch đến với Mường Khiêng.
“Chúng tôi mơ về một ngày, sản phẩm cá lồng Mường Khiêng sẽ không chỉ bán trong nước mà còn có mặt ở các thị trường quốc tế. Muốn vậy, phải tiếp tục liên kết chặt chẽ giữa nông dân – HTX – doanh nghiệp – Nhà nước”, anh Quàng Văn Hợp, Giám đốc HTX Nuôi trồng thủy sản – trồng cây ăn quả và dịch vụ tổng hợp Mường Khiêng, khẳng định.
Từ một vùng quê nghèo bên lòng hồ sông Đà, Mường Khiêng hôm nay đang dần khẳng định vị thế là vùng nuôi thủy sản trọng điểm của tỉnh Sơn La. Thành công ấy không chỉ đến từ quyết tâm của người dân mà còn là thành quả của sự vào cuộc đồng bộ của chính quyền địa phương, HTX và đặc biệt là sự đồng hành sát cánh của Liên minh HTX Việt Nam, Liên minh HTX tỉnh Sơn La.
Hành trình “đánh thức lòng hồ” vẫn còn dài, nhưng những gì đang diễn ra tại Mường Khiêng chính là hình mẫu điển hình về phát triển kinh tế hợp tác, phát huy nội lực địa phương, từng bước xóa đói giảm nghèo và hướng đến một tương lai bền vững hơn cho người dân miền núi Tây Bắc.
An Chi