Huyện Mường La tổ chức hội nghị về công tác xuất khẩu lao động.
Hiện nay, huyện Mường La có hơn 108.000 người, trong đó khoảng 66.800 người trong độ tuổi lao động. Toàn huyện có gần 2.000 lao động làm việc tại 67 doanh nghiệp, 24 nhà máy thủy điện và 1 công ty may. Mỗi năm, khoảng 10.000 người đi làm ngoài tỉnh với thu nhập bình quân từ 7 đến 9 triệu đồng/người/tháng.
Giai đoạn 2022–2025, huyện phát hơn 30.000 tờ rơi, tổ chức 4 ngày hội việc làm với 52 đơn vị, 54 gian hàng, thu hút trên 6.000 lao động và kết nối thành công 4.000 việc làm; 12 hội nghị tư vấn việc làm với hơn 10.000 lượt người tiếp cận.
Doanh nghiệp giới thiệu, tư vấn việc làm cho người lao động tại Ngày hội việc làm huyện Mường La năm 2025.
Huyện chú trọng phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh để tuyên truyền chính sách, giúp người lao động nắm rõ quy định về tuyển dụng và xuất khẩu lao động. Đối với những người đủ điều kiện đi làm việc ở nước ngoài, các phòng ban chuyên môn phối hợp với Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện hỗ trợ thủ tục vay vốn, với mức vay tối đa tương ứng giá trị hợp đồng lao động.
Cán bộ Ngân hàng CSXH huyện Mường La tư vấn thủ tục vay vốn cho người lao động có nhu cầu lao động ở nước ngoài.
Ông Đào Trọng Dương, Giám đốc phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Mường La, cho biết: Đến nay, toàn huyện có 79 lao động, 100% là đồng bào dân tộc thiểu số, thuộc hộ nghèo và cận nghèo đã tiếp cận được trên 7,9 tỷ đồng vốn vay ưu đãi. Trong đó, 63 lao động đang dư nợ với tổng số tiền vay trên 4 tỷ đồng, 16 lao động trả hết nợ vay và có những lao động đã trả hết nợ trước thời gian về nước.
Bà Lò Thị Hoa, bản Chiềng Tè, thị trấn Ít Ong chăm sóc các cháu để các con yên tâm lao động tại nước ngoài.
Được Ngân hàng Chính sách xã hội hỗ trợ vay vốn, 3 người con của gia đình bà Lò Thị Hoa ở bản Chiềng Tè, thị trấn Ít Ong đang đi xuất khẩu lao động tại Đài Loan. Hiện nay, bà Hoa ở nhà chăm sóc 5 cháu nhỏ. Hằng tháng, các con đều gửi tiền về để bà nuôi cháu và trả nợ ngân hàng đúng hạn.
Chị Vì Thị Saư, bản Noong Pi, xã Pi Toong, chia sẻ: Chồng tôi làm công nhân xây dựng tại Đài Loan được 3 năm. Hằng tháng, chồng tôi đều đặn gửi tiền về để gia đình trang trải sinh hoạt và trả gốc, lãi cho khoản vay. Đến nay, gia đình đã trả được 90 triệu đồng, số tiền tích cóp được sau này sẽ sửa chữa nhà cửa và đầu tư vào hoạt động kinh doanh nhỏ.
Cán bộ Ngân hàng CSXH huyện Mường La kiểm tra, giám sát tại các hộ vay vốn đi lao động tại nước ngoài.
Giai đoạn 2021–2025, huyện đã đưa 142 lao động đi làm việc ở nước ngoài, vượt 102 người so với chỉ tiêu tỉnh giao, đạt 355% kế hoạch. Người lao động chủ yếu làm việc tại các nước: Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc và Nga, trong các ngành cơ khí, điện, điện tử, công nghệ ô tô, thực phẩm, nông nghiệp, điều dưỡng... với thu nhập ổn định từ 20-40 triệu đồng/người/tháng, góp phần cải thiện đáng kể đời sống.
Đồng chí Nguyễn Văn Bắc, Bí thư Huyện ủy Mường La, cho biết: Hiện huyện đang phối hợp với Công ty cổ phần Xuất khẩu lao động thương mại và du lịch (Hà Nội) để tổ chức tuyên truyền, tư vấn và mở lớp đào tạo ngoại ngữ tại địa phương. Đồng thời, chỉ đạo Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện rà soát, hỗ trợ vốn cho lao động có nhu cầu, nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân xuất khẩu lao động.
Công ty cổ phần Xuất khẩu lao động thương mại và du lịch phát tờ rơi tuyên truyền, tư vấn việc làm cho học sinh, thanh niên huyện Mường La.
Là đơn vị nhiều năm thực hiện việc liên kết, đưa công dân ở Sơn La đi xuất khẩu lao động tại các nước, Công ty cổ phần Xuất khẩu lao động thương mại và du lịch đánh giá cao nguồn lao động dồi dào, chịu khó ở Sơn La. Ông Đỗ Mạnh Cường, Công ty cổ phần Xuất khẩu lao động thương mại và du lịch, cho biết: Năm 2025, Công ty dự kiến tuyển khoảng 500 lao động đi Nhật Bản và 200 lao động đi Qatar (nếu đơn hàng phù hợp), ưu tiên tại huyện Mường La và toàn tỉnh. Người lao động được hỗ trợ hoàn tất hồ sơ, vay 100% chi phí qua Ngân hàng Chính sách Xã hội với lãi suất ưu đãi. Công ty sẽ mở điểm tư vấn tại địa phương nhằm giảm chi phí đi lại, đồng thời cam kết đồng hành xuyên suốt quá trình từ thi tuyển, đào tạo đến khi làm việc và trở về, đảm bảo thu nhập và quyền lợi theo hợp đồng.
Với những giải pháp đồng bộ, sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, công tác xuất khẩu lao động của huyện Mường La đã giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người lao động và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Phan Trang