Mường Lát ngày nắng lên

Mường Lát ngày nắng lên
2 giờ trướcBài gốc
Lúa nếp Cay Nọi cũng là sản phẩm OCOP đầu tiên của huyện Mường Lát.
Nuôi ước mơ thoát nghèo
Là huyện biên giới nên kinh tế của Mường Lát chậm phát triển, tỷ lệ hộ nghèo còn cao, thu nhập bình quân đầu người thấp hơn so với bình quân khu vực miền núi của tỉnh. Đặc biệt, đến nay Mường Lát vẫn “trắng” xã NTM. Nhằm tạo “cú huých” mạnh cho vùng đất khó, ngày 29/9/2022, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa đã ban hành Nghị quyết số 11-NQ/TU về “Xây dựng và phát triển huyện Mường Lát đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Nghị quyết xác định, giai đoạn 2021-2025: Tốc độ tăng giá trị sản xuất bình quân hằng năm đạt 10,2% trở lên; huy động vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt 3.500 tỷ đồng; tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân hàng năm 7%. Đến năm 2025, thu nhập bình quân đầu người đạt 25 triệu đồng, tỷ lệ che phủ rừng giữ ở mức 77%. Đến năm 2030, thu nhập bình quân đầu người đạt 35 triệu đồng trở lên; tỷ lệ hộ nghèo dưới 10%; 7/7 xã đạt chuẩn NTM, trong đó có 1 xã đạt NTM nâng cao; 2 bản đạt NTM kiểu mẫu... Mục tiêu đến năm 2045, thu nhập bình quân đầu người của huyện Mường Lát đạt mức bình quân các huyện miền núi của tỉnh Thanh Hóa. Bám sát chỉ đạo của tỉnh, Ban Thường vụ Huyện ủy Mường Lát đã tổ chức quán triệt sâu rộng đến cán bộ, đảng viên, Nhân dân trong huyện về nội dung, tinh thần của Nghị quyết số 11-NQ/TT và các chương trình hành động của UBND tỉnh và Huyện ủy Mường Lát trong thực hiện nghị quyết có tính bước ngoặt này.
Chiếm 44,1% tổng dân số của huyện Mường Lát, đồng bào Mông nơi đây bao đời cuộc sống tự cung, tự cấp, giờ đã biết trồng cây năng suất cao, nuôi con có giá trị kinh tế, đem ra chợ bán, trao đổi hàng hóa. Tiêu biểu như mô hình nuôi bò vỗ béo kết hợp trồng cây ăn quả của gia đình anh Lý Seo Châu, bản Pom Khuôn, xã Tam Chung cho thu nhập 100 triệu đồng/năm. Hay mô hình trồng cây ăn quả kết hợp đào ao thả cá, nuôi dê, nuôi lợn bản địa của hộ gia đình ông Sùng A Thào, bản Suối Lóng, xã Tam Chung. Nhờ chăm chỉ làm ăn, họ đã có nhà cửa kiên cố, mua sắm thiết bị cần thiết cho gia đình mình. Ngoài ra, ông Thào và anh Châu còn sẵn sàng giúp đỡ, hướng dẫn người dân trong bản từ kinh nghiệm làm kinh tế của mình.
Luồng sinh khí mới
“Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tìm được giống cây phù hợp với điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng chính là sinh kế lâu dài cho người dân, góp phần giảm nghèo bền vững ở Mường Lát” - ông Trần Văn Thắng, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện khẳng định. Căn cứ điều kiện tự nhiên, đất đai, khí hậu, phong tục tập quán, trình độ sản xuất của người dân, Nghị quyết số 11-NQ/TU đã định hướng phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản trên địa bàn huyện Mường Lát được phân thành 4 khu vực. Khu vực 1 gồm các xã Trung Lý, Mường Lý, Tam Chung; khu vực 2 gồm các xã Quang Chiểu, Mường Chanh; khu vực 3 gồm các xã Pù Nhi, Nhi Sơn; khu vực 4 là thị trấn Mường Lát.
Quang Chiểu và Mường Chanh là 2 xã có nhiều điều kiện để phát triển cây lúa nếp Cay Nọi. Trong đó, xã Quang Chiểu đã dành 300ha trong tổng 400ha đất nông nghiệp để trồng lúa nếp Cay Nọi. Dù chỉ trồng 1 vụ trong năm nhưng giống lúa này lại có giá bán khá cao, mang lại cho người dân các địa phương nguồn thu nhập ổn định. Sau khi trừ các khoản chi phí, bình quân lợi nhuận đạt hơn 42 triệu đồng/ha/vụ. Vì thế, lúa nếp Cay Nọi được xem là cây lương thực chủ lực của Mường Lát.
Ngoài ra, nhiều hộ dân ở 2 bản Sáng và Suối Tút, xã Quang Chiểu còn sang một số bản giáp biên của nước bạn Lào để tham quan, học hỏi kinh nghiệm trồng cam và dưa hấu. Ông Tặng Văn Lai, Trưởng bản Suối Tút cho biết: “Gia đình tôi có 2ha trồng cam. 2 năm nay, vườn cam của gia đình tôi cho thu hoạch khá tốt, thu nhập khoảng 50 triệu/ha/năm. Những diện tích khác, gia đình tôi vẫn trồng lúa để tự túc lương thực".
Xuôi về xã Mường Lý, bên những sườn đồi là màu xanh của cây sắn thay thế cho diện tích cây trồng trước đây không mang lại hiệu quả, cho giá trị kinh tế thấp. Thời điểm hiện tại, đây là cây trồng có “tương lai” trên đất Mường Lát khi được Công ty CP Sản xuất chế biến nông lâm sản và vật tư nông nghiệp Phúc Thịnh bao tiêu đầu ra. Công ty cũng đầu tư giống sắn, phân bón và phối hợp cùng các đồn biên phòng hướng dẫn Nhân dân địa phương kiến thức, kỹ thuật trồng, chăm sóc sắn đạt hiệu quả cao nhất. Điều này sẽ giúp các hộ dân địa phương “tự tin” mở rộng diện tích cây sắn. “Mặc dù mới đưa vào trồng nhưng cây sắn đã cho thấy hiệu quả kinh tế cao hơn so với cây trồng khác trên địa bàn xã. Hơn thế, cây sắn dễ trồng, phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng của Mường Lý, có những cây tốt sẽ cho 2 - 3kg củ sắn tươi. Hiện nay, toàn xã có khoảng 1.000ha sắn” - Ông Lê Hữu Chuân, Phó Chủ tịch UBND xã Mường Lý cho biết.
Còn ở xã Trung Lý, hiện cấp ủy, chính quyền địa phương đang tổ chức triển khai cho người dân tập trung trồng măng tre bát độ, trẩu. Dù chưa có thống kê cụ thể về diện tích nhưng đây là những loại cây không cần nhiều công chăm sóc mà có giá trị kinh tế cao. Đồng thời có tác dụng trong việc trồng rừng, phủ xanh các đồi trọc, giữ đất, giữ gìn nguồn nước phục vụ cho sản xuất nông nghiệp. Ngoài trồng trọt thì chăn nuôi cũng được huyện Mường Lát đặc biệt quan tâm. Điều kiện tự nhiên nơi đây phù hợp để phát triển các giống con nuôi bản địa như: gà đồi, lợn đen, trâu đen...
Chuyển đổi cây trồng, vật nuôi tạo sinh kế cho người dân là vô cùng cần thiết, nhưng làm sao để giải quyết đầu ra cho sản phẩm vẫn là vấn đề khó. Huyện Mường Lát đã xây dựng được 4 sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh. Đó là lúa nếp Cay Nọi, bí thơm Đồng Sa, thịt trâu gác bếp Dì Ốc, măng khô Chung Thành. Dự kiến năm 2024, huyện sẽ có thêm 2 sản phẩm OCOP nữa là gà đen bản Mông và măng khô đặc sản bản Kéo Hượn. Đây là những sản phẩm được chắt lọc, xây dựng từ tiềm năng, thế mạnh của huyện. Chúng không chỉ mang lại thu nhập, thay đổi cách nghĩ, cách làm của người dân từ tự cung tự cấp sang sản phẩm hàng hóa, mà còn là “đại sứ” kết nối nông nghiệp, du lịch và dịch vụ phát triển.
Nghị quyết số 11-NQ/TU được ban hành và triển khai thực hiện, tính đến nay đã tròn 2 năm. Dù mới có những kết quả bước đầu nhưng một điều dễ nhận thấy là người dân Mường Lát đang nỗ lực hằng ngày để mang lại thu nhập cho mỗi hộ gia đình. Từ đó tạo ra nguồn lực để góp sức, chung tay XDNTM ở các xã trên địa bàn huyện Mường Lát.
Bài và ảnh: Tăng Thúy
Nguồn Thanh Hóa : https://vhds.baothanhhoa.vn/muong-lat-ngay-nang-len-33443.htm