Các dự án giao thông kết nối vùng góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới huyện Mường Tè.
Trước năm 2020, để di chuyển từ xã này đến xã khác ở khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới của huyện Mường Tè phải mất rất nhiều thời gian.
Có những địa phương như xã Tà Tổng và xã Mù Cả; xã Pa Ủ và xã Tá Bạ, hay xã Pa Ủ với xã Pa Vệ Sủ… mặc dù giáp ranh về địa giới hành chính, song quãng đường từ trung tâm xã này đến xã kia có thể lên đến cả trăm cây số.
Hầu hết các bản vùng biên giới đều chưa có đường ô-tô vào bản.
Hạn chế phát triển về giao thông tạo ra sự chênh lệch lớn về phát triển kinh tế so với các vùng thuận lợi.
Tỷ lệ hộ nghèo của các xã vùng biên, nhất là các bản ở vùng sâu chiếm tỷ lệ cao, có nhiều bản tỷ lệ hộ nghèo trước năm 2020 lên đến hơn 90%.
Giao thông ở vùng sâu, xa vùng biên giới Mường Tè những năm trước thường xuyên bị ảnh hưởng bởi thiên tai.
Để rút ngắn khoảng cách và tạo động lực phát triển kinh tế, xã hội vùng biên giới, Ủy ban nhân dân tỉnh Lai Châu đã phê duyệt thực hiện Dự án đường giao thông liên vùng Tá Bạ-Pa Ủ với tổng mức đầu tư 164 tỷ đồng.
Dự án hoàn thành vào năm 2021 giúp rút ngắn khoảng cách di chuyển giữa trung tâm 2 xã từ hơn 80km xuống còn chưa đầy 30km. Tuyến đường được đưa vào khai thác đã trở thành mũi nhọn thúc đẩy kinh tế vùng biên giới hai xã Tá Bạ và Pa Ủ.
Từ tuyến giao thông huyết mạch này đã kéo được hàng chục doanh nghiệp vào đầu tư phát triển các công trình thủy điện, các dự án trồng rừng, trồng dược liệu; đặc biệt là phát triển sâm Lai Châu trên dãy PuSiLung, loại cây đầy tiềm năng vốn đã “ngủ quên” cả trăm năm. Từ đây người dân có thêm cơ hội việc làm, tiếp nhận và giao lưu văn hóa, buôn bán và kinh doanh, tạo ra cơ hội chuyển biến về kinh tế cho bà con.
Dự án đường giao thông liên vùng Tá Bạ-Pa Ủ rút ngắn khoảng cách di chuyển giữa trung tâm 2 xã từ hơn 80km xuống còn chưa đầy 30km.
Ông Lý Phạm Xè, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Tá Bạ cho biết, từ khi có tuyến đường kết nối giữa Tá Bạ-Pa Ủ, người dân bớt vất vả trong việc đi lại. Trước đây, chỉ có một đường duy nhất vào xã, mùa mưa hay bị sạt lở, rất dễ bị cô lập. Giờ thì đỡ hơn vì có thêm tuyến kết nối vùng, bà con cũng yên tâm hơn về việc đi lại khi mùa mưa đến.
Không chỉ đi lại thuận tiện, nhờ có tuyến đường kết nối này, một số doanh nghiệp đã đến địa phương đầu tư thủy điện, trồng sâm... Theo đề án sáp nhập đã được hội đồng các cấp thông qua mới đây, xã Tá Bạ và Pa Ủ sẽ được hợp nhất. Khi đó tuyến đường kết nối này sẽ là tuyến huyết mạch của xã, thúc đẩy phát triển chung của địa phương và giảm thời gian đi lại giữa các bản đến trung tâm xã mới sau này.
Thời gian tới người dân mong muốn Nhà nước tiếp tục đầu tư nâng cấp mở rộng tuyến đường từ trung tâm xã Tá Bạ đi bản Là Pê-Lè Giàng về Lò Ma nối ra trung tâm xã Ka Lăng hiện nay.
Nếu dự án này được thực hiện sẽ rút ngắn được 22km đến trung tâm xã Ka Lăng, tạo ra một trục phát triển vùng biên giới giáp cửa khẩu phụ U Ma Tù Khoòng; đây cũng là động lực để thúc đẩy phát triển cho các bản kém phát triển của xã trong tương lai.
Có đường giao thông thuận lợi, các doanh nghiệp tìm đến đầu tư trồng sâm, dược liệu.
Trong tháng 3/2025, Ủy ban nhân dân tỉnh Lai Châu đã phê duyệt Dự án Cải tạo, sửa chữa một số tuyến đường giao thông các xã Pa Vệ Sủ, Pa Ủ huyện Mường Tè. Dự án có tổng mức đầu tư 80 tỷ đồng.
Đây là dự án quan trọng nhằm cải thiện mạng lưới giao thông đến các bản Sín Chải A, B, C, xã Pa Vệ Sủ và bản Hà Xi, xã Pa Ủ, đồng thời kết nối trung tâm xã Pa Ủ với xã Pa Vệ Sủ, tạo điều kiện đi lại thuận lợi cho người dân trong khu vực, thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp trong vùng, góp phần phát triển kinh tế-xã hội các địa phương nói trên; phục vụ công tác quản lý, tuần tra bảo vệ biên giới trong khu vực.
Bà Lò Phù Mé, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Pa Vệ Sủ tâm sự, xã mong chờ dự án này lâu lắm rồi. Bởi nếu dự án hoàn thành, giao thông đến các bản Sín Chải A, B, C được cải thiện. Các bản này là bước dừng chân lên đỉnh Pu Si Lung, đỉnh núi cao thứ nhì Việt Nam có tiềm năng rất lớn để phát triển du lịch và trồng sâm Lai Châu.
Cùng với đó các bản sẽ rút ngắn khoảng cách và đi lại được bằng ô-tô. Đây sẽ là lợi thế để thu hút đầu tư và thúc đẩy phát triển dược liệu, chăn nuôi đại gia súc. Như vậy đời sống của bà con dân tộc La Hủ ở các bản chắc chắn sẽ được nâng cao.
Dự án đường kết nối vùng Nậm Ngà xã Tà Tổng huyện Mường Tè với huyện Mường Nhé của Điện Biên.
Giai đoạn 2020-2025, huyện biên giới Mường Tè (Lai Châu) đầu tư mới 57 dự án đường giao thông với quy mô khoảng 325km đường và các hạng mục phụ trợ, tổng kinh phí hơn 594 tỷ đồng. Các dự án đầu tư hiệu quả đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội và bảo đảm an ninh, quốc phòng trên địa bàn huyện biên giới Mường Tè
Theo ông Lê Thanh Tâm - Giám đốc Ban Quản lý công trình dự án phát triển kinh tế-xã hội huyện Mường Tè, theo dự kiến giai đoạn 2026-2030, huyện Mường Tè sẽ tiếp tục đầu tư khoảng 112 dự án thuộc lĩnh vực giao thông; với tổng mức đầu tư khoảng 1.025 tỷ đồng. Tới đây mặc dù không còn chính quyền cấp huyện, các xã sáp nhập sẽ bớt đi đơn vị hành chính. Tuy nhiên để bảo đảm liên kết các vùng sau khi sáp nhập các xã mới thì đòi hỏi yêu cầu giao thông phải đi trước một bước.
Do đó vẫn cần tiếp tục đầu tư các dự án giao thông liên kết vùng cho các địa phương vùng khó, vùng biên giới để rút ngắn khoảng cách đi lại của người dân cũng như sự chênh lệch giữa các vùng, thu hẹp và xóa bỏ rào cản vùng sâu, vùng xa để thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh ở khu vực biên giới.
TRẦN TUẤN - THÁI THỊNH