“Cú sốc” mức thuế đối ứng cao
Theo nhận định của giới chuyên gia, Mỹ hiện là thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam, chiếm hơn 25% tổng kim ngạch xuất khẩu của quốc gia. Việc Mỹ đưa ra quyết định áp đặt mức thuế mới 46% lên hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam sẽ trực tiếp làm giảm sức cạnh tranh của sản phẩm Việt Nam trên thị trường Mỹ. Mức thuế cao khiến giá thành hàng hóa tăng lên đáng kể, làm cho hàng Việt trở nên kém hấp dẫn hơn so với các sản phẩm cùng loại đến từ những quốc gia không bị áp thuế nặng hoặc có các hiệp định thương mại ưu đãi hơn.
Thủy sản xuất khẩu Việt Nam nằm trong nhóm hàng chịu ảnh hưởng lớn bởi chính sách thuế của Mỹ. Ảnh minh họa
Điều này đặc biệt nghiêm trọng với các ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như dệt may, da giày, gỗ, điện tử. Đây là những ngành thường có biên lợi nhuận thấp và phụ thuộc lớn vào thị trường Mỹ. Sự sụt giảm sức cạnh tranh kéo theo nguy cơ mất đơn hàng, mất thị phần, đe dọa sự phát triển bền vững của các DN xuất khẩu và nền kinh tế nói chung.
TS Tô Hoài Nam - Phó Chủ tịch Thường trực, kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam đánh giá: “Khi bị đánh thuế cao sẽ làm giảm sức cạnh tranh của hàng Việt Nam, dẫn đến nguy cơ sụt giảm đơn hàng và doanh thu của DN. Thuế cao sẽ làm gia tăng chi phí sản xuất, buộc các DN phải tìm cách điều chỉnh chi phí, có thể bao gồm việc chuyển hướng thị trường hoặc tăng giá bán”.
Phân tích về tác động, TS Cấn Văn Lực cho rằng, hiện Việt Nam có 5 nhóm ngành chính (chiếm 64,3% tổng kim ngạch xuất khẩu vào Mỹ năm 2024), gồm: điện tử, điện thoại các loại và linh kiện, máy ảnh, máy quay phim và linh kiện (chiếm 28,6% tổng kim ngạch xuất khẩu); dệt may, da giày (chiếm 21,9%); gỗ và sản phẩm từ gỗ (chiếm 7,6%); nông, thủy sản (chiếm 3,5%); thép và nhôm (chiếm 2,7%) sẽ bị tác động mạnh nhất trong đợt áp thuế này.
Ngoài tác động đến xuất khẩu và tăng trưởng, chính sách tăng thuế của Mỹ còn khiến giá cả tăng, áp lực lạm phát và tỷ giá gia tăng, thị trường chứng khoán và tiền tệ biến động nhiều hơn như nhiều quốc gia khác đang gặp, đòi hỏi điều hành chính sách nhanh nhạy, chủ động và kịp thời hơn.
Đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, cải thiện chuỗi cung ứng
Nhiều chuyên gia đồng quan điểm cho rằng, để giảm thiểu tác động từ việc Mỹ áp thuế, Việt Nam cần tập trung vào việc đa dạng hóa thị trường xuất khẩu. Việc phụ thuộc quá nhiều vào một thị trường duy nhất là Mỹ sẽ khiến Việt Nam dễ bị tổn thương trước các thay đổi trong chính sách thương mại của quốc gia này.
Để giảm thiểu tác động từ việc Mỹ áp thuế, Việt Nam cần tập trung đa dạng hóa thị trường xuất khẩu. Ảnh minh họa
Chính phủ và các DN cần đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường khác như EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, và các quốc gia ASEAN. Việc tận dụng ưu đãi từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) như EVFTA, CPTPP, RCEP... sẽ tạo ra những cơ hội mới và giúp giảm sự phụ thuộc vào thị trường Mỹ.
Nhìn nhận về vấn đề này, TS Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh khuyến nghị, đối với mức thuế quan mới, các DN Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn. Do đó, cơ quan quản lý cần cung cấp thông tin thị trường cụ thể cho DN, để DN có các hướng tiếp cận thị trường mới. Đồng thời, DN cần thực hiện các biện pháp tự điều chỉnh, bao gồm tối ưu hóa chi phí sản xuất và mở rộng thị trường xuất khẩu ngoài Mỹ.
Cũng theo TS Võ Trí Thành, một trong những hướng đi quan trọng là tập trung phát triển các ngành công nghiệp có giá trị gia tăng cao như công nghệ cao, sản xuất thông minh và các lĩnh vực có thể xuất khẩu sang các thị trường tiềm năng ngoài Mỹ và Trung Quốc. Đây không chỉ là giải pháp trước mắt mà còn là bước đi chiến lược giúp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh trên trường quốc tế.
Chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, về dài hạn, Việt Nam cần chuyển từ chiến lược xuất khẩu giá rẻ sang mô hình xuất khẩu dựa trên giá trị gia tăng cao. Việc nâng cao chất lượng sản phẩm, cải thiện thiết kế, phát triển thương hiệu và tích hợp công nghệ sẽ giúp hàng hóa Việt Nam giữ được vị thế dù phải chịu mức thuế cao.
Đặc biệt, xu hướng tiêu dùng xanh và bền vững trên thế giới đang mở ra cơ hội cho các DN có khả năng đáp ứng tiêu chuẩn môi trường, truy xuất nguồn gốc và lao động. Đây cũng là lý do để Việt Nam đầu tư mạnh và không nên do dự vào công nghiệp hỗ trợ và đổi mới sáng tạo.
“Chính sách thuế này không chỉ nhắm đến riêng Việt Nam mà còn áp dụng với nhiều quốc gia khác, bao gồm cả những đối thủ cạnh tranh trực tiếp của Việt Nam trong một số ngành hàng xuất khẩu. Điều này đồng nghĩa với việc môi trường cạnh tranh có thể tái định hình theo hướng toàn diện hơn, chứ không chỉ là bất lợi đơn phương cho Việt Nam. Vì vậy, từng ngành hàng cần chủ động đánh giá lại vị thế cạnh tranh của mình, bao gồm cả lợi thế lẫn thách thức, để xây dựng các kịch bản ứng phó phù hợp và linh hoạt” – TS Nguyễn Trí Hiếu lưu ý.
Thúc đẩy đàm phán thương mại song song với hỗ trợ DN
Đề cập về công cụ ứng phó trong ngắn hạn, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, mức thuế 46% hiện tại mà Mỹ công bố vẫn còn thời gian đàm phán đến ngày 9/4, song Việt Nam cũng cần có kịch bản cụ thể cho các mức thuế khác nhau.
Theo đó, Chính phủ cần chủ động tiếp cận các kênh đối thoại song phương với Mỹ để tìm kiếm các biện pháp miễn trừ hoặc giảm nhẹ mức thuế áp dụng, ít nhất là đối với một số mặt hàng chiến lược. Quan hệ Việt - Mỹ đang trong giai đoạn phát triển tích cực, đặc biệt sau khi nâng cấp lên "Đối tác chiến lược toàn diện" vào năm 2023. Việt Nam hoàn toàn có thể tận dụng mối quan hệ này để vận động, đàm phán nhằm thiết lập các cơ chế linh hoạt như: ưu đãi thuế tạm thời, cam kết cải thiện tiêu chuẩn chất lượng và lao động. Đây là công cụ ngắn hạn nhưng quan trọng để giảm sốc cho các DN xuất khẩu.
Chính phủ cần triển khai ngay các gói hỗ trợ cụ thể cho DN bị ảnh hưởng bởi chính sách thuế của Mỹ. Ảnh minh họa
Nhấn mạnh về giải pháp hỗ trợ DN, TS Tô Hoài Nam - Phó Chủ tịch Thường trực, kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam kiến nghị Chính phủ cần triển khai ngay các gói hỗ trợ cụ thể cho DN bị ảnh hưởng bởi chính sách thuế của Mỹ, bao gồm: miễn giảm thuế trong nước, giãn nợ, hỗ trợ tín dụng ưu đãi, giảm chi phí vận tải, logistics, chi phí hành chính, chi phí không chính thức và đào tạo kỹ năng cho người lao động.
Cùng với đó, các bộ, ngành cần phát huy vai trò của các trung tâm xúc tiến thương mại, chuyển đổi số và công nghệ nhằm tăng cường cung cấp thông tin, công cụ và đào tạo cho DN, đặc biệt là các DN vừa và nhỏ. Mục tiêu là giúp DN nhanh chóng thích ứng với môi trường thuế quan mới, xem nó như một phần khó tránh khỏi trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị thế giới hiện nay, ít nhất là trong 4 năm tới.
“Chính phủ cần hỗ trợ DN chi phí nghiên cứu và gia nhập thị trường, chuyển đổi mẫu mã, tiêu chuẩn và logistics để tiếp cận hiệu quả hơn. Đây là chiến lược trung và dài hạn nhằm gia tăng sức chống chịu cho nền kinh tế trước các cú sốc thương mại do chính quyền Donald Trump đưa ra” – TS Tô Hoài Nam đề xuất.
Trích dẫn
Trích dẫn 1
“Có thể thấy rằng mục tiêu thực sự của chính sách thuế này, đặc biệt dưới thời Tổng thống Donald Trump dường như là nhằm gây sức ép để thúc đẩy quá trình đàm phán thương mại hơn là thực sự mong muốn kéo dài căng thẳng. Trong bối cảnh đó, giải pháp đối thoại và thương lượng sẽ hợp lý hơn so với các hành động trả đũa, giúp hai bên tìm được tiếng nói chung cũng như tránh được những tổn thất không cần thiết về kinh tế và quan hệ đối tác chiến lược”.
Chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Trí Hiếu
Ánh Ngọc